Loạt tác phẩm kinh điển bỗng dưng bị đặt câu hỏi có hợp với thiếu nhi

Trong khi 'Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian' đang thu hút dư luận Việt Nam về sự phù hợp với học sinh lớp 11, một số tác phẩm thiếu nhi lâu đời cũng đang gây ra nhiều tranh cãi.

Tuần qua, vụ việc phụ huynh tại một trường quốc tế bày tỏ lo ngại cuốn Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (On Earth We're Briefly Gorgeous) của Ocean Vương, có đề cập đến vấn đề tính dục và tình dục, có thể không phù hợp với học sinh trung học phổ thông đã dấy lên nhiều sự quan tâm của công chúng trong nước.

Cuốn Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian đang thu hút nhiều sự quan tâm. Ảnh: T.H.

Tuy nhiên, trên thế giới, không chỉ vấn đề tính dục hay tình dục là đáng quan tâm khi đề cập đến tác phẩm văn học dành cho người chưa đủ 18 tuổi, trẻ nhỏ. Có nhiều tác phẩm thiếu nhi hiện cũng bị đặt câu hỏi về các nội dung liên quan đến giáo dục tâm lý.

Tình tiết không phù hợp với thực tế

Tờ USA Today cũng dẫn một câu chuyện gần đây trên Facebook về cuốn sách thiếu nhi kinh điển Love You Forever từ năm 1986 của Robert Munsch. Tác phẩm kể về vòng đời giữa mẹ và con trai, và dù cả hai đều già đi nhưng tình yêu họ dành cho nhau vẫn không đổi.

Độc giả trưởng thành thay đổi góc nhìn về cuốn Love You Forever. Ảnh: Amazon.

Tuy nhiên, có nhiều độc giả từng yêu thích cuốn sách khi nhỏ nhưng khi đọc lại ở độ tuổi trưởng thành đã thay đổi suy nghĩ cũ.

Marlene Kern Fischer, một bà mẹ, blogger và tác giả tại New York đã bày tỏ quan điểm về cuốn Love You Forever: “Khi đọc tình tiết 'Khi con trai của bà lớn dần, người mẹ lái xe xuyên thị trấn, lẻn vào nhà con khi trời tối để hát ru cho con nghe'… có ai thấy điều này đáng lo ngại không?".

Fischer giải thích: “Là một người mẹ, tôi thấy đây là một tình tiết không đúng với tâm lý trẻ. Khi các con trai của tôi trưởng thành, nếu tôi vào phòng và hát ru cho chúng, chúng sẽ nổi điên trước khi khóa cửa, đẩy tôi ra ngoài”.

“Thêm nữa, người con trai không có người yêu thương nào ở cùng à? Hay người mẹ đã phá hỏng mọi cơ hội tìm bạn của anh ta bằng hành vi kỳ quái của mình? Bà mẹ như vậy có thể khiến một vài người bạn của con mình sợ hãi. Không ai khác thấy điều này rất đáng lo ngại sao ???”, Fischer bình luận.

Một tác phẩm kinh điển khác là Curious George (Chú khỉ George tò mò) của H.A. và Margaret Rey. Cuốn sách mở đầu với tình tiết chú khỉ con George ở châu Phi và có một trang, nhân vật một người đàn ông đội mũ vàng nói rằng: “Con khỉ này thật dễ thương. Tôi muốn đưa về nuôi tại nhà”.

Bộ sách Curious George (Chú khỉ George tò mò). Ảnh: Kimbookstore.

Độc giả hiện đại thấy đây là một ý tưởng phi lý khi việc nhận nuôi một con khỉ ngày nay còn khó hơn việc đưa một con khỉ đi khắp các châu lục. Độc giả cũng đặt ra câu hỏi: Người đàn ông này có phải là kẻ săn trộm không? Người đàn ông đó đã được kiểm tra y tế chưa? Khi người đàn ông này và George sau đó thân thiết hơn, độc giả không thể lý giải được tình tiết George bị ông ta bỏ trong trạm cứu hỏa, nơi sau đó cậu bị đi tù và sau đó bị đẩy vào nhiều tình huống khác.

Giá trị của các cuốn sách bị đặt câu hỏi

Tiếp đó, cuốn The Giving Tree (Cây táo yêu thương) lại mang đến một khía cạnh đáng lo ngại khác. Về cốt lõi, đây là câu chuyện về một đứa trẻ ích kỷ trưởng thành thành người đàn ông ích kỷ và cướp đi mọi thứ từ Mẹ Thiên nhiên. Liệu nhân vật chính có cảm thấy hối hận không vẫn là câu hỏi gây tranh cãi.

Cuốn Cây táo yêu thương. Ảnh: Tiki.

Dù tác giả có đề cập đến chi tiết anh ta dành thời gian quay trở lại gần gũi với gốc cây từng phát triển mạnh mẽ nhưng đã bị anh ta biến thành khô héo và mất đi sức sống. Tuy nhiên, không rõ nhân vật chính có hiểu được sai lầm của mình với Mẹ Thiên nhiên hay không. Trong khi đó, Mẹ Thiên nhiên vẫn ra đi một cách hạnh phúc.

Ý nghĩa của câu chuyện đang khiến nhiều người đặt câu hỏi. Liệu đây là một câu chuyện về lòng hào phóng, sẵn sàng cho đi của người mẹ, một giá trị quan trọng cần dạy cho trẻ em hay đây là một câu chuyện về sự ích kỷ của con người và không hề biết hối cải.

Rất nhiều điều đã thay đổi kể từ khi Maurice Sendak xuất bản cuốn sách Where The Wild Things Are (Ở nơi quỷ sứ giặc non) vào năm 1963, bao gồm cả cách các bà mẹ cho con trẻ ăn và cách mọi người nói về thực phẩm.

Cuốn sách này có nhiều giá trị vượt thời gian và thậm chí còn được dựng thành bộ phim thu hút nhiều khán giả. Tuy nhiên, tình tiết cậu bé Max cãi nhau với mẹ, bị mẹ bắt về phòng và không cho ăn tối đang bị nhiều người chỉ trích. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng đồ ăn như một hình phạt, hoặc phần thưởng, là không tốt cho việc xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh.

Cuốn sách Where The Wild Things Are (Ở nơi quỷ sứ giặc non) được coi là một tác phẩm thiếu nhi kinh điển. Ảnh: USA Today.

Cuốn sách kết thúc khi Max đói bụng nhận ra rằng cuối cùng cậu bé cũng được phép ăn bữa tối một mình trong phòng. Đây là tình tiết khó chấp nhận với các phụ huynh tuân theo các phương pháp khoa học hiện đại về việc cho ăn và xây dựng kỷ luật cho trẻ em.

Hay đối với những người yêu thích cuốn sách The Rainbow Fish (Cá bảy màu), kể về loài cá đẹp nhất đại dương loại bỏ lớp vảy độc đáo của mình và trao chúng cho các sinh vật biển, thì đây là một bài học về việc từ bỏ sự phù phiếm và xây dựng lòng quan tâm tới mọi người. Tuy nhiên, nếu lật ngược quan điểm, đây là một câu chuyện cảnh báo về việc phải từ bỏ điều khiến ai đó trở nên đặc biệt để khiến người khác ưa thích mình.

Khi chú cá mang tên Little Blue Fish không có vảy than phiền rằng Rainbow Fish có quá nhiều vảy, chú cá này sau đó đã tập hợp các sinh vật biển khác tránh xa Rainbow Fish. Đây thực tế là hành động bắt nạt. Và chính nỗi buồn cùng sự cô đơn của Rainbow Fish đã thôi thúc chú cởi bỏ những chiếc vảy đẹp của mình để những người khác có thể dùng chúng.

Vậy là phải trở nên tầm thường như những người khác thì mới được cho là hạnh phúc. Nhưng tại sao Rainbow Fish lại phải làm bạn với những sinh vật chỉ chấp nhận mình sau khi được Rainbow Fish mang lại lợi ích? Câu trả lời của thời hiện đại là không nên chấp nhận điều đó.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/loat-tac-pham-kinh-dien-bong-dung-bi-dat-cau-hoi-co-hop-voi-thieu-nhi-post1474021.html