Loạt chợ truyền thống từng là 'kinh đô sắm Tết' giờ ra sao?

Chợ Đồng Xuân, chợ Hàng Da, chợ Hà Đông... vốn từng là những địa điểm mua sắm quen thuộc với bao người dân Thủ đô mỗi dịp Tết cận kề.

Những ngày này, dạo qua một số chợ truyền thống ở Hà Nội như chợ Hàng Da, chợ Hà Đông... thấy không khí mua sắm Tết đã khá nhộn nhịp. Các mặt hàng được bày bán chủ yếu phục vụ nhu cầu sắm Tết của đông đảo người dân như: Bánh kẹo, rượu bia, đồ trang trí, vàng mã...

VIDEO - Không khí mua sắm Tết tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội.

Mỗi chợ có một nét độc đáo, nét đặc trưng riêng nhưng đều có chung đặc điểm là đã tồn tại và gắn bó với biết bao thế hệ người dân ở mảnh đất kinh kỳ. Một số người lớn tuổi chia sẻ, đôi khi đến chợ chẳng mua bán gì nhưng ở đó là tuổi thơ lẽo đẽo theo bà theo mẹ ngày giáp Tết...

Tại chợ Đồng Xuân

Là một trong những chợ truyền thống có tuổi đời lâu và ngắn bó với biết bao thế hệ người Hà Thành. Chợ Đồng Xuân cũng đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người Hà Nội bởi nơi này không chỉ bày bán các mặt hàng từ đồ khô, bánh kẹo, quần áo mà còn rất nhiều mặt hàng khác phục vụ đời sống hằng ngày.

Chợ Đồng Xuân là một trong những chợ truyền thống lâu đời bậc nhất Thủ đô.

Ghi nhận của PV Sức khỏe và Đời sống, chỉ còn hai tuần nữa sẽ tới Tết cổ truyền và đây là lúc hàng trăm tiểu thương chợ Đồng Xuân tranh thủ nhập, bày bán các loại đồ phục vụ Tết cho người dân. Một trong những mặt hàng thu hút nhiều người dân mua sắm là bánh kẹo, các loại mứt...

Là chợ nằm ngay lòng Thủ đô, cách hồ Gươm, các tuyến phố cổ không xa nên thường xuyên có một lượng khách du lịch ngoại quốc tới mua sắm.

Những ngày sát Tết, chợ càng đông đúc người dân tới mua sắm.

Các mặt hàng đồ lưu niệm được khách du lịch yêu thích.

Bánh kẹo là một trong những mặt hàng nhận được sự quan tâm đông đảo người dân, khách du lịch dịp sát Tết.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đào Duy Sỹ (60 tuổi - chủ một sạp bánh kẹo) cho hay: "Gia đình tôi bán hàng ở đây đã tròn 40 năm. Dù kinh tế của người dân năm nay gặp khó khăn nhưng đến giờ này lượng khách mua cũng không giảm sút so với năm ngoái bởi đây là mặt hàng không thể thiếu mỗi khi Tết đến".

Ông Đào Duy Sỹ đã gắn bó với chợ Đồng Xuân suốt 40 năm qua.

Ông Sỹ cũng cho biết, nhiều du khách nước ngoài mỗi khi tới chợ Đồng Xuân cũng rất thích các loại bánh kẹo và đồ lưu niệm.

Chợ Hà Đông

Chợ Hà Đông được xây mới từ năm 2008 và cũng trở thành trung tâm mua sắm lớn ở phía Tây Hà Nội. Đây là một trong số không nhiều chợ truyền thống luôn diễn ra hoạt động mua sắm tấp nập kể cả ngày thường.

Một trong số không nhiều chợ truyền thống của Thủ đô có lượng khách tới mua sắm luôn tấp nập.

Những ngày sát Tết, chợ Hà Đông lại càng đông đúc, tấp nập hơn bao giờ hết. Tại đây người dân có thể tìm thấy tất cả các loại mặt hàng như: Đồ trang trí Tết, vàng mã, đồ thờ, bánh kẹo... Bên cạnh đó các loại đồ chơi trẻ em, đồ dùng gia đình, đồ gia dụng cũng bày bán rất nhiều.

Các đồ trang trí Tết, đồ vàng mã được đông đảo người dân tới mua.

Giá cả tại chợ Hà Đông được nhiều người nhận xét là rất hợp lý.

Bà Hoàng Thu Hạnh (46 tuổi - tiểu thương chợ Hà Đông) cho biết, dù kinh tế năm nay khó khăn nhưng việc buôn bán của các tiểu thương ở chợ dịp này vẫn khá tốt, lượng khách vẫn đông bởi ai ai cũng mong sắm sửa một cái Tết thật trọn vẹn cho gia đình.

Bà Hạnh - chủ quầy bánh kẹo vui mừng khi những ngày qua lượng khách tới mua sắm đông.

Theo ghi nhận của phóng viên, các mặt hàng ở chợ Hà Đông đều được bán với giá phải chăng, thậm chí rẻ hơn so với ở siêu thị hoặc cửa hàng tạp hóa. Bên cạnh đó, số lượng hàng hóa đa dạng cũng là điểm hút khách.

Chợ Hàng Da

Chợ Hàng Da (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được cải tạo lại theo mô hình mới và đưa vào sử dụng từ năm 2010, với tổng diện tích 3.700 m2, có 5 tầng nổi và 2 tầng hầm khang trang, nhưng vắng bóng khách hàng.

Cách chợ Đồng Xuân không xa và cũng nằm ngay giữa phố cổ Hà Nội nhưng chợ Hàng Da thường khá vắng vẻ.

Chợ Hàng Da có hai tầng là nơi buôn bán chính nằm trong trung tâm thương mại Hàng Da. Trong đó, tầng hầm B1 là chợ ướt truyền thống với nhiều các loại thực phẩm như: rau củ, thịt cá, đồ ăn chín;... tầng 1 khang trang hơn, trở thành nơi buôn bán quần áo, rượu bia, tạp phẩm.

Bên trong, nhiều quầy kinh doanh đồ thời trang bày bán đủ các mẫu mã.

Lượng khách tới mua sắm tại chợ Hàng Da có thời điểm cũng khá đông đúc.

Tuy nhiên, sau nhiều năm chuyển đổi, chợ Hàng Da ngày thường khá vắng khách, các tiểu thương bám trụ kinh doanh tại đây cũng ít hơn. Trong những ngày sát Tết lượng khách tới chợ mua sắm có đông hơn nhưng không tấp nập.

Bà Thủy - một tiểu thương kinh doanh tại chợ Hàng Da nhiều năm.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Hồng Thủy (70 tuổi - chủ ki-ốt thời trang) cho rằng: "Có thể do xu thế mua sắm hiện nay là online, nên lượng người tới chợ mua đồ thời trang ít hơn rất nhiều so với trước đây".

Nhiều ki-ốt "cửa đóng then cài" dù Tết cận kề.

Bà Thủy cũng cho biết, dù vắng khách, buôn bán lời lãi chẳng bao nhiêu nhưng vẫn gắn bó với ki-ốt, với chợ bởi nơi này là một phần của cuộc đời bà và nhiều tiểu thương khác.

Thưởng Tết Nguyên Đán 2024 Dự Kiến Cao Nhất Hơn 300 Triệu Đồng | SKĐS

Vũ Hồng Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/loat-cho-truyen-thong-tung-la-kinh-do-sam-tet-gio-ra-sao-169240124234424256.htm