Loài bò sát biển cổ đại có kỹ thuật ăn độc đáo

Một loài bò sát biển cổ đại khác thường có thể đã nuốt chửng hàng tấn con mồi giống tôm bằng kỹ thuật kiếm ăn tương tự một số loài cá voi hiện đại.

Hupehsuchus nanchangensis sống ở các đại dương của Trái đất từ 247 triệu đến 249 triệu năm trước.

Một loài bò sát biển cổ đại khác thường có thể đã nuốt chửng hàng tấn con mồi giống tôm bằng cách sử dụng kỹ thuật kiếm ăn tương tự một số loài cá voi hiện đại. Loài bò sát có tên là Hupehsuchus nanchangensis, sống ở các đại dương của Trái đất từ 247 triệu đến 249 triệu năm trước, vào đầu Kỷ Trias.

Hóa thạch của loài bò sát này lần đầu tiên được tìm thấy ở Trung Quốc vào năm 1972. Song, các nhà nghiên cứu đã phải vật lộn để hiểu được hành vi và lối sống kiếm ăn của loài vật này vì không có hộp sọ nào được bảo quản tốt.

Hai hóa thạch mới phát hiện được khai quật từ Hệ tầng Gia Lăng Giang của Trung Quốc ở tỉnh Hồ Bắc. Hóa thạch bao gồm bộ xương gần như hoàn chỉnh của một loài bò sát và một phần lớn từ đầu đến xương đòn của một loài khác.

Khám phá này cho phép các nhà nghiên cứu xem xét kỹ hơn Hupehsuchus nanchangensis. Họ xác định, loài bò sát này có mõm không răng và hộp sọ nhỏ, hẹp. Hàm dưới của nó được kết nối lỏng lẻo với phần còn lại của hộp sọ. Điều đó có nghĩa là sinh vật này có thể mở rộng miệng, tương tự cách cá voi hiện đại ăn.

Nghiên cứu về những phát hiện đã được công bố trên tạp chí BMC Ecology and Evolution. Đồng tác giả nghiên cứu Long Cheng - Giáo sư tại Trung tâm Địa chất Trung Quốc Vũ Hán cho biết: “Những thứ này hoàn chỉnh hơn so với phát hiện trước đó. Chiếc mõm dài bao gồm các xương không liền với nhau. Khoảng cách giữa chúng chạy dọc theo chiều dài của mõm”.

Theo chuyên gia này, cấu trúc đó chỉ được thấy ở cá voi tấm sừng hàm hiện đại. Ở loài cá này, cấu trúc lỏng lẻo của mõm và hàm dưới cho phép chúng nâng đỡ vùng cổ họng khổng lồ phình to ra khi bơi về phía trước, nuốt chửng con mồi nhỏ.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh hộp sọ của Hupehsuchus với 130 hộp sọ hiện đại của nhiều loài động vật sống dưới nước. Trong đó, bao gồm 23 loài hải cẩu, 14 loài cá sấu, 52 loài cá voi có răng, 25 loài chim, thú mỏ vịt và 15 loài cá voi tấm sừng hàm. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra sinh vật này có nhiều điểm chung nhất với cá voi tấm sừng hàm.

Cá voi đầu cong và cá voi đầu bò lùn hiện đại là những loài sử dụng kỹ thuật sàng lọc vật chất qua các tấm sừng hàm khi chúng bơi mở miệng gần bề mặt đại dương. Từ đó, nhằm lấy một lượng lớn sinh vật phù du hoặc động vật giáp xác nhỏ gọi là nhuyễn thể.

Nghiên cứu cho biết: “Tấm sừng hàm được làm từ chất sừng, tạo thành một tấm màn sợi mềm và dai treo lủng lẳng ở hàm trên của cá voi tấm sừng hàm. Trong quá trình cho ăn theo bộ lọc, các tấm sừng hàm chắc chắn sẽ bẫy con mồi khi nước bị đẩy ra ngoài”.

Song, đến nay, không có nhiều bằng chứng trong hồ sơ hóa thạch về các loài bò sát cổ đại sử dụng phương pháp ăn này. Không có bằng chứng thực tế nào về tấm sừng hàm được tìm thấy trong hộp sọ của Hupehsuchus.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy một loạt rãnh xung quanh vòm miệng nơi mô mềm có thể giúp lọc thức ăn. Chúng tương tự cấu trúc được thấy ở cá voi tấm sừng hàm.

Theo CNN

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/loai-bo-sat-bien-co-dai-co-ky-thuat-an-doc-dao-post650178.html