Loại bỏ nhiều dịch bệnh nguy hiểm ở vùng khó

Với nhiều nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc ăn chín, uống sôi; đảm bảo môi trường sống hợp vệ sinh nên gần 20 năm trở lại đây, Thái Nguyên đã loại bỏ được nhiều dịch bệnh.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên còn 14 xã đặc biệt khó khăn. Với nhiều nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc ăn chín, uống sôi; đảm bảo môi trường sống hợp vệ sinh nên gần 20 năm trở lại đây, tỉnh đã loại bỏ được nhiều dịch bệnh như: Tiêu chảy; liên cầu lợn và tình trạng nhiễm giun, sán… 6 tháng qua, số người nhiễm một số bệnh như quai bị, sốt xuất huyết, chân tay miệng chỉ dừng ở 2 con số.

Cán bộ y tế xã Phú Đô (Phú Lương), nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kết hợp kiểm tra sức khỏe và tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường sống sạch sẽ.

Bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho rằng: Đạt được kết quả này là nhờ có sự vào cuộc rất tích cực của các cấp chính quyền địa phương và lực lượng y tế. Đặc biệt sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ… đã giúp người dân có điều kiện xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Có thể thấy, để có thể loại bỏ các dịch bệnh ra khỏi địa bàn miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong tỉnh không phải là chuyện dễ dàng. Thời điểm những năm 1990 và đầu năm 2000, các dịch bệnh ở những khu vực này thường gia tăng do vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm, vệ sinh nhà ở kém; phong tục tập quán lạc hậu.

Trong khi đó, người dân chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh, khi mắc bệnh không đến cơ sở y tế, bệnh nặng mới đi khám. Thời điểm ấy, cùng với địa hình, sự thiếu hụt về nguồn lực cũng khiến công tác phòng, chống dịch bệnh ở khu vực này càng khó khăn hơn…

Còn nhớ, năm 2000, khi đi tìm hiểu thực tế tại bản người Mông Lân Đăm, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ), chúng tôi bị ám ảnh bởi cách sinh hoạt thiếu vệ sinh của người dân nơi đây. Lân Đăm khi ấy khan hiếm nước, bà con phải gạn từng giọt nước trong khe núi mang về nấu ăn. Cũng vì thiếu nước, trẻ em không mấy khi được tắm rửa, mặt nhem nhuốc bùn đất. Tất cả những trẻ em ở bản người Mông này đều có chiếc bụng “ỏng”.

Ông Dương Văn Sình, từng sinh sống tại bản Mông Lân Đăm, nay là Trưởng xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn, cho hay: Hơn 20 năm trước, người Mông không quan tâm tới việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Do thiếu nước sinh hoat nên bà con thường bị đau mắt đỏ, tiêu chảy. Riêng trẻ em thì bị nhiễm giun, sán, còi cọc, chậm lớn. Giờ, nhận thức của bà con đã khác. Hơn nữa, Nhà nước đã đầu tư cho Lân Đăm công trình nước sinh hoạt tự chảy nên ai cũng ăn ở vệ sinh, bệnh tật không còn…

Thực tế đã chứng minh, đi cùng với những chuyển biến trong phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm ở vùng khó là sự quan tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền các cấp, đặc biệt chính quyền cơ sở.

Các địa phương luôn phối hợp với lực lượng y tế trong phòng, chống dịch bệnh, cung cấp dịch vụ y tế... và tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các bản, làng vùng sâu, vùng xa, vùng nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống.

Đặc biệt là tăng cường công tác truyền thông, như xây dựng các thông điệp, tổ chức hoạt động truyền thông đặc thù, phù hợp tập quán, ngôn ngữ, dân tộc của từng địa phương; tập trung các hoạt động truyền thông làm thay đổi hành vi của người dân; cập nhật các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh, lợi ích tiêm chủng để vận động nhân dân chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, an toàn.

Ngoài ra, các địa phương, lực lượng cán bộ y tế còn chủ động phối hợp với các cơ quan thú y và đơn vị liên quan triển khai phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người…

Cùng với đó, để nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ, ngành Y tế thường xuyên đào tạo, đào tạo lại cán bộ y tế tuyến tỉnh về công tác giám sát, xử lý ổ dịch, điều trị bệnh truyền nhiễm, gồm cả các bệnh có vắc - xin phòng bệnh. Trong đó ưu tiên tổ chức tập huấn về những bệnh có số người mắc cao cũng như các bệnh dự phòng được tiêm bằng vắc - xin (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, lao…).

Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa bàn vùng khó, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục chủ động phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm; kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19 và các dịch bệnh nguy hiểm khác; kịp thời dự báo tình hình dịch; tiếp tục triển khai tốt công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh.

Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu về tầm quan trọng của việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đồng thời tổ chức tốt các chiến dịch, tăng tỷ lệ miễn dịch cho người dân, nhất là tại các vùng tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ em còn thấp...; vận động người dân sử dụng những thực phẩm ngay tại địa phương, phòng, chống suy dinh dưỡng; bổ sung các vi chất dinh dưỡng…

Bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, chính quyền các địa phương cũng cần duy trì các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường; huy động các tổ chức, đoàn thể vận động người dân tham gia đầy đủ chương trình tiêm chủng.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202307/loai-bo-nhieu-dich-benh-nguy-hiem-o-vung-kho-3f16386/