Loại bỏ hình ảnh phản cảm trên gameshow truyền hình

Nhiều năm qua, các gameshow đã trở thành quen thuộc trên sóng truyền hình. Tuy nhiên, với việc chi phối của các nhà tài trợ, bên cạnh sự 'thông thoáng' ít nhiều đã tạo ra một số hình ảnh phản cảm, gây phản ứng trong dư luận…

Xuất hiện trên sóng truyền hình từ những năm 90, một số chương trình đã gây tiếng vang như SV96, Hành trình văn hóa, Đường lên đỉnh Olympia… Tuy nhiên, các gameshow thuần Việt đang ngày một giảm, thay vào đó là những chương trình được mua bản quyền từ nước ngoài.

“Chạy đi chờ chi” cũng nhận được nhiều phản ứng từ phía khán giả. Ảnh minh họa.

Tìm mọi cách câu kéo khán giả

Chính vì “Việt hóa” chương trình không nhuyễn đã biến những “món ăn” tinh thần này ngày càng sa đà vào những yếu tố gây sốc, quảng cáo lộ liễu… gây phản ứng trong dư luận. Ở đó, chính việc coi trọng mục đích câu khách hơn là đầu tư cho chất lượng nội dung đã làm cho số “hạt sạn”, “điểm đen” xuất hiện trên màn ảnh nhỏ cũng tăng lên và chưa có dấu hiệu dừng lại. Phổ biến nhất là hiện tượng một số cá nhân mượn sóng truyền hình, “lợi dụng giờ vàng” để thực hiện động cơ thiếu trong sáng, như: lăng-xê bản thân, nói xấu người liên quan, quảng cáo sai sự thật, tranh cãi về các mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình...

Thậm chí, để tạo sự chú ý của khán giả, một số chương trình đã lợi dụng các trò chơi để tạo ra các tình huống lố lăng, phản cảm. Mới đây nhất, trong tập 30 chương trình “2 ngày 1 đêm” có một thử thách được ban tổ chức đưa ra yêu cầu nhân vật phải cởi từng món đồ nếu đồng đội không đoán đúng tên bài hát. Là người bị các thành viên khác chọn để chịu phạt, HIEUTHUHAI liên tục phải cởi từng món đồ trên người do đồng đội nhiều lần đoán không đúng tên bài hát. Dù cảnh quay có dùng bìa thùng giấy để che lại nhưng trước việc nam rapper phải lột sạch đồ trong chương trình, nhiều ý kiến cho rằng việc đưa những hình ảnh như vậy lên sóng là phản cảm, thiếu tôn trọng người xem. “2 ngày 1 đêm” có rất nhiều khán giả nhí, chính vì thế việc các thành viên có hành động như vậy là không nên.

Hay ở một phiên bản khác được tạo ra từ cùng một kịch bản gốc nhưng ra đời sớm hơn với tên gọi “Chạy đi chờ chi”, phía nhà sản xuất đã nhận không ít chỉ trích từ khán giả khi trong suốt mùa đầu tiên, hàng loạt thương hiệu được nhà sản xuất chương trình thẳng tay cài cắm vào chương trình. Không thiếu ví dụ: tính năng sạc pin siêu nhanh của một hãng điện thoại được giới thiệu thản nhiên trong thử thách Đố vui cầu thăng bằng ở tập 5, hay thậm chí một thương hiệu bánh ngọt xuất hiện xuyên suốt thử thách “Thần giao cách cảm” của tập 7...

Trong nhiều trường hợp nhà sản xuất cùng đội ngũ đạo diễn, biên kịch của một số chương trình còn cố tình câu kéo khán giả bằng vụ bê bối của nhân vật tham gia. Như trong chương trình “Giác quan thứ 6”, ban tổ chức đã mời diễn viên Lâm Vỹ Dạ và Anh Đức chỉ vì lý do… họ từng có mối quan hệ tình cảm trong quá khứ. Tương tự, trong phần 2 của “Chạy đi chờ chi”, phía nhà đài và nhà sản xuất tiếp tục nhận nhiều phản ứng tiêu cực từ công chúng khi mời nam ca sĩ Jack - người đang vướng vào bê bối tình cảm tham gia hợp tác và ekip chương trình có những phát ngôn mang tính thô tục.

Hình ảnh phản cảm trong gameshow thực tế “2 ngày 1 đêm”. Ảnh: Phúc Kha.

Chấn chỉnh những sai phạm, lệch chuẩn

Những tình huống gây sốc, hài hước là cách để thu hút khán giả cũng như tạo điểm nhấn cho chương trình. Song ranh giới giữa hài hước, thú vị và hài nhảm, tiêu cực, vô văn hóa là rất mong manh. Và để nâng cao chất lượng chương trình, các đài truyền hình cần chấn chỉnh những sai phạm, biểu hiện lệch chuẩn của một số chương trình giải trí. Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải tính đến việc phân loại đối tượng, độ tuổi của các chương trình là cần thiết, nhất là với các gameshow, talkshow có yếu tố người lớn, liên quan các chủ đề hẹn hò, giới tính, đời tư cá nhân...

Mặt khác, cần mạnh tay với hành vi tái phạm nhiều lần trên sóng truyền hình, như xử phạt hành chính, ngưng phát sóng các chương trình có nội dung thiếu lành mạnh, ngừng ký hợp đồng, dừng phát hình đối với các nhân vật đã vi phạm nhiều lần...

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, sự cạnh tranh của chương trình truyền hình thực tế, cùng với nhận thức không đầy đủ về vai trò của gameshow đối với xã hội đã dẫn đến hậu quả là một số chương trình chưa làm tốt vai trò của mình. Hiểu đúng nghĩa, truyền hình thực tế vừa là giải trí, vừa phải có tác dụng tốt đối với sự phát triển văn hóa nói chung, đạo đức, nhân cách của con người nói riêng. Phong cách của một gameshow có thể hay, hấp dẫn ở một quốc gia này nhưng chưa chắc đã phù hợp với một quốc gia kia. Hay nói cách khác, bối cảnh văn hóa quy định hình thức và nội dung giải trí phù hợp. Đó là lý do tại sao khán giả ngày nay luôn mong muốn có những chương trình giải trí của người Việt, cho người Việt, vì người Việt. Những ngôn từ, hình ảnh, hành động đi ngược lại với thuần phong mỹ tục sẽ nhận được sự chê trách từ dư luận.

Ông Sơn cũng cho rằng, đã đến lúc các đơn vị sản xuất cần thật sự nghiêm túc trong xây dựng nội dung lành mạnh cho các chương trình giải trí. Mục tiêu đặt ra là phải vừa thỏa mãn nhu cầu tinh thần của người xem, vừa có tác dụng định hướng xây dựng đạo đức, lối sống cho khán giả. Các nhà sản xuất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các khâu. Từ sáng tạo nội dung đến tổ chức biên tập, phát sóng, tất cả phải được làm rất chỉn chu để hạn chế tối đa việc phổ biến những sản phẩm kém chất lượng.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, khán giả luôn mong muốn có những chương trình giải trí của người Việt, cho người Việt, vì người Việt. Những ngôn từ, hình ảnh, hành động đi ngược lại với thuần phong mỹ tục sẽ nhận ngay sự chê trách từ dư luận. Đã đến lúc các đơn vị sản xuất cần thật sự nghiêm túc trong xây dựng nội dung lành mạnh cho các chương trình giải trí trên truyền hình vì nghệ thuật sẽ tạo nên môi trường văn hóa cho sự phát triển nhân cách của con người.

Thanh Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/loai-bo-hinh-anh-phan-cam-tren-gameshow-truyen-hinh-5713686.html