Loa phường: Vì sao người già tha thiết giữ, người trẻ mong tháo bỏ?

Những tiếng rè rè thật kinh khủng. Họ đọc đi đọc lại những thông tin cũ rích một cách nhàm chán.

“Bỏ loa phường, chúng tôi thành người mù thông tin”

“Chúng tôi già rồi, đâu phải lúc nào cũng có thể xem ti vi, nghe đài, đọc báo như lớp trẻ? Chúng tôi chỉ có loa phường là phương tiện truyền thông duy nhất. Nếu không có loa phường, làm sao chúng tôi có thể biết xã hội đang có những biến động như thế nào?

Làm sao chúng tôi có thể biết các đường lối chính sách và chủ trương của Đảng và Nhà nước? Làm sao chúng tôi có thể nắm được các thông tin về mưa gió và tình hình bão lụt?

Làm sao chúng tôi có thể nhớ được ngày lĩnh lương hay ngày tiêm phòng cho các cháu?” - Ông Đỗ Ngọc Công (Phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ trước thông tin loa phường có khả năng bị gỡ bỏ.

Ông Đỗ Ngọc Công (phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Ông Đỗ Ngọc Công (phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Ông Công cho biết, thông thường, mỗi ngày, loa phường sẽ phát vào khoảng 7h30 phút sáng và 16h30 phút chiều. Do đó, loa phường giống như một chiếc đồng hồ báo thức. Ngoài ra, loa phường còn là phương tiện truyền tin hiệu quả.

Xem video:

“Nhiều người cho rằng, các bản tin của loa phường khá nhàm chán, quanh đi quẩn lại chỉ có các nội dung về ngày chi trả lương, ngày tiêm phòng, kêu gọi ủng hộ đồng bào lũ lụt, tình hình an ninh trật tự … Tuy nhiên, với những người già như chúng tôi, một ngày không nghe tiếng loa phường là thấy nhớ, thấy thiếu thiếu một cái gì đó” - Ông Công nói.

Nhiều người cao tuổi cho biết, loa phường vẫn đang phương tiện truyền thông hiệu quả đối với họ

Cùng đồng quan điểm như ông Công, bà Nguyễn Thị Thiết (phường Lý Thái Tổ - Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng cho rằng, việc bỏ đi chiếc loa chẳng khác gì biến những người già như bà thành người mù thông tin.

“Tôi đã 79 tuổi, ngày tháng tôi cũng không thể nhớ, nhưng nhờ có thông tin trên loa phường mà tôi biết và nắm rõ về các thông tin bầu cử, biết được thông tin về tình hình xã hội trong cả nước, biết được tình hình dịch bệnh, cách phòng tránh phòng ngừa ... Vậy thì cớ gì lại bỏ đi loa phường?” - bà Thiết nói.

“Mỗi lần loa phát ra tiếng, tôi rất nhức đầu"

Trong khi phần lớn những người cao tuổi đều tha thiết muốn giữ lại loa phường thì những rất nhiều người trẻ tuổi đang sinh sống trên địa bàn phường đều cho rằng, họ cảm thấy rất phiền phức mỗi lần chiếc loa phát ra tiếng.

“Những tiếng rè rè thật kinh khủng. Họ đọc đi đọc lại những thông tin cũ rích một cách nhàm chán. Ví dụ như danh sách ủng hộ đồng bào miền Trung. Tôi nghe cả ngày, cả tuần, thậm chí cả nửa tháng mà thuộc lòng cả bản danh dách dài hàng trăm người.

Những hôm ốm đau thì khủng khiếp hơn, nghe thấy tiếng loa oang oang bên tai mà phát điên. Đầu óc càng thêm quay cuồng. Vì thế, tôi chỉ mong lãnh đạo thành phố nhanh chóng hạ lệnh dỡ bỏ loa phường” - một phụ nữ xin giấu tên, bán giầy dép trên phố Hàng Dầu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết.

Mỗi lần phường mở loa, nhiều gia đình phải vội vàng đi đóng cửa để giảm bớt tiếng ồn

Đồng quan điểm muốn bỏ loa phường, chị Nguyễn Thị Bình (số 14 Hàng Dầu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Bây giờ, chúng ta có báo, có đài, có vô tuyến để phục vụ công tác tuyên truyền, người dân có thể tiếp cận thông tin qua những kênh đó, làm sao lại cứ phải tiếp tục dùng đến những chiếc loa?

Còn những thông tin riêng của phường ví dụ ngày lĩnh lương, ngày họp hành … thì tổ trưởng tổ phó của tổ dân phố để làm gì? Tại sao họ không trực tiếp đến báo cho các cụ mà lại bắt cả trăm, cả nghìn người phải nghe ra rả suốt ngày những thông tin không liên quan đến họ?”

“Có những hôm ốm muốn nằm nghỉ ngơi mà 6h sáng loa phường đã phát ông ổng bên tai, không thể nào chịu nổi, chúng tôi nhức hết cả đầu” - chị Bình bức xúc nói thêm. Vì thế, theo chị Bình, việc gỡ bỏ những chiếc loa nên được thực hiện càng sớm càng tốt.

Anh Quốc Anh, phố Cầu Gỗ Hà Nội cho rằng, loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Anh Quốc Anh, phố Cầu Gỗ Hà Nội cũng cho rằng, loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Theo anh Quốc Anh, khi đất nước còn chiến tranh, loa phường đã cứu mạng được rất nhiều người. Sau chiến tranh, những năm đổi mới, loa phường cũng rất hữu ích trong nhiệm vụ truyền thông. Thế nhưng bây giờ, chúng ta có nhiều phương tiện để tiếp cận thông tin nên việc bỏ loa phường là hợp lý.

Clip: Xuân Quý

Minh Anh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gioi-tre/loa-phuong-nguoi-gia-tha-thiet-giu-nguoi-tre-chi-mong-thao-bo-352388.html