Lo xa, nhìn xa

Nhật Bản đã nhanh chóng phản ứng về việc Nga đưa vào hoạt động những hệ thống tên lửa chống tầu chiến trên những hòn đảo thuộc diện bị tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Nga và Nhật Bản trong quần đảo Kuril.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida, Nhật Bản coi việc này là nghiêm trọng và sẽ có đối sách thích hợp sau khi nghiên cứu kỹ càng.

Không rõ đối sách cụ thể của Nhật Bản là gì, nhưng chỉ như vậy thôi cũng đã đủ để cho thấy mối quan hệ giữa hai nước này không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng xấu. Điều này gây bất ngờ bởi mối quan hệ song phương này trong thời gian vừa qua có nhiều dấu hiệu được cải thiện và hai bên tỏ ra có cách tiếp cận mới vào việc giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với 4 hòn đảo thuộc quần đảo Kuril.

Cuộc tranh chấp này dai dẳng đã hơn 70 năm nay và là cản trở chính đối với việc thỏa thuận và ký kết hiệp ước hòa bình giữa Nhật Bản và Nga.

Mới đây thôi, bên lề hội nghị cấp cao của diễn đàn APEC ở Lima (Peru) còn có cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và có trao đổi cả về chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Trong bối cảnh tình hình như thế, động thái mới nói trên của Nga chỉ có thể lý giải được ở sự lo xa và nhìn xa của Nga cả về sách lược lẫn chiến lược liên quan đến an ninh và cân bằng chiến lược ở khu vực Đông Bắc Á.

Ở nơi đây đang có cuộc tăng cường vũ trang rất sôi động với sự tham gia của nhiều đối tác cả trong lẫn ngoài khu vực. Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc mà phạm vi hoạt động dễ dàng có thể mở rộng cho cả Nhật Bản. Nga không thể không lo ngại về hệ lụy của chuyện này.

Mặt khác, tăng cường tiềm lực quân sự ở khu vực quần đảo Kuril còn thể hiện sự kiên định nguyên tắc và lợi ích của Nga trong chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản.

Nga có nhu cầu thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nhật Bản nhưng Nhật Bản cũng như vậy với Nga kể cả khi chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ chưa được giải quyết ổn thỏa.

Vì thế, sách lược của Nga ở đây là vừa củng cố chủ quyền vừa để ngỏ khả năng giải quyết với Nhật Bản, làm việc này càng sớm và duy trì nó càng lâu thì càng có thế khi đi vào đàm phán với Nhật Bản.

Mục Phu

Từ khóa

nga nhật tên lửa quần đảo tranh chấp

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/lo-xa-nhin-xa/136946