Lộ trình Hòa bình 10 điểm của EU liệu có khả thi?

Theo một tài liệu dự thảo mà Euractiv có được, EU đã soạn thảo một Kế hoạch hòa bình 10 điểm như một 'giải pháp toàn diện, đáng tin cậy' cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Tuy nhiên, với lập trường các bên còn quá cách xa nhau, không có nhiều hy vọng cho Lộ trình mới này.

Ngoại trưởng EU Josep Borrell từng nói về Kế hoạch của EU cho hòa bình Trung Đông. Ảnh: Euroactiv

Kế hoạch này sẽ được xem xét khi các bộ trưởng ngoại giao của khối gặp nhau vào ngày 22.1 để thảo luận về tình hình ở Gaza cũng như những tác động rộng hơn của cuộc xung đột đối với khu vực với một số bên liên quan chính.

Bản kế hoạch vạch ra một loạt các bước đi nhằm mang lại hòa bình cho Dải Gaza, thành lập một nhà nước Palestine độc lập, bình thường hóa quan hệ giữa Israel và thế giới Ảrập, đồng thời đảm bảo an ninh lâu dài trong khu vực, theo bản dự thảo kế hoạch do Cơ quan ngoại giao EU (EEAS) chuẩn bị.

Trong một lá thư gửi kèm bản dự thảo kế hoạch tới các quốc gia thành viên, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell khẳng định, bản dự thảo kế hoạch nhằm “xây dựng, với những đề xuất thiết thực, dựa trên nguyên tắc đã thống nhất rằng chỉ có giải pháp chính trị, bền vững, lâu dài cho cuộc xung đột Israel-Palestine mới mang lại hòa bình cho nhân dân hai nước và ổn định cho khu vực.

Đại diện đặc biệt của EU về tiến trình hòa bình Trung Đông, Sven Koopmans, đã tiến hành tham vấn sơ bộ với Ai Cập, Jordan, Ảrập Xêút, Liên đoàn Ảrập và các đối tác quan trọng khác, “để tìm ra điểm chung nhằm khôi phục tiến trình hòa bình”.

Ông Koopmans cũng đã đề xuất “tổ chức một cuộc họp đặc biệt để thảo luận về vấn đề này” với các quan chức của các nước thành viên EU “trong thời gian sớm nhất có thể”.

Trước Hamas tiến hành cuộc tấn công nhằm vào Israel ngày 7.10.2023, EU đã lên kế hoạch giúp dẫn dắt một sáng kiến mới nhằm thúc đẩy hòa bình Trung Đông, còn được gọi là “Nỗ lực Ngày Hòa bình” (Peace Day effort), nhằm nối lại các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine.

Vào tháng 9 năm ngoái, bên lề cuộc họp của Đại hội đồng LHQ ở New York, gần 50 ngoại trưởng từ châu Âu và Trung Đông đã nhóm họp để xem xét kế hoạch trên. Tuy nhiên, sau khi cuộc tấn công của Hamas và cuộc chiến trả đũa của Israel, kế hoạch trên phải tạm dừng.

Lộ trình 10 điểm có gì?

Theo Lộ trình mới được soạn thảo, các bên sẽ thúc đẩy một tiến trình hòa bình nhằm đưa đến một Nhà nước Palestine độc lập “tồn tại bên cạnh” Nhà nước Israel và “bình thường hóa hoàn toàn” quan hệ giữa Israel và thế giới Ảrập.

“Sẽ không thực tế khi hy vọng người Israel và người Palestine (sau này được đại diện bởi PLO và PA), trong tương lai gần sẽ trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán song phương để đạt được hòa bình toàn diện, chứ đừng nói đến việc kết thúc các cuộc đàm phán như vậy mà không có sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế”, bản kế hoạch khẳng định.

Kế hoạch nói thêm rằng: “Người Palestine sẽ cần một giải pháp chính trị thay thế cho Hamas, trong khi người Israel sẽ cần tìm ra ý chí chính trị để tham gia vào các cuộc đàm phán hướng tới giải pháp hai nhà nước”.

Một yếu tố quan trọng trong lộ trình hòa bình trong tương lai của EU là “Hội nghị hòa bình” có sự tham gia của EU, Mỹ, Ai Cập, Jordan, Ảrập Xêút, Liên đoàn Ảrập và Liên Hợp Quốc.

Những người tham gia tiến trình này sẽ liên lạc thường xuyên với các quan chức Israel và Palestine “bất kỳ lúc nào”.

Dải Gaza và Bờ Tây sẽ được đại diện bởi Chính quyền Palestine (PA) và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), thay vì Hamas, lực lượng đã nắm quyền kiểm soát Gaza từ năm 2007.

Hội nghị Hòa bình sẽ có một năm để thiết kế khuôn khổ cho kế hoạch hòa bình, có tính đến phản hồi từ tất cả các bên liên quan, các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, kết luận của Hội đồng châu Âu và các nỗ lực hòa giải trước đó.

Sau khi được soạn thảo, kế hoạch sẽ được trình bày với “các bên xung đột” và được sử dụng làm cơ sở chính cho các cuộc đàm phán cuối cùng.

Dự thảo khẳng định “một yếu tố thiết yếu của Kế hoạch Hòa bình là việc phát triển các biện pháp đảm bảo an ninh mạnh mẽ cho Israel và Nhà nước Palestine độc lập trong tương lai, với điều kiện là sự công nhận ngoại giao lẫn nhau đầy đủ và sự hội nhập của cả Israel và Palestine trong khu vực”.

Kế hoạch “cũng nên bao gồm Gói Hỗ trợ Hòa bình như một động lực khuyến khích cho hai bên xung đột. Điều này có nghĩa là cần nêu rõ những cơ chế chính trị, an ninh khu vực và toàn cầu cũng như các thỏa thuận và dự án khác sẽ được cung cấp vào ngày các bên ký kết thỏa thuận hòa bình”.

Kế hoạch liệu có khả thi?

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu các quốc gia thành viên EU và các bên liên quan trong khu vực có sẵn sàng chấp nhận kế hoạch chi tiết của Lộ trình Hòa bình này hay không.

Bản thân các nước EU cũng đang phải đấu tranh để có một lập trường thống nhất về cuộc xung đột ở Gaza. Những nước được coi là đồng minh thân cận với Israel như Đức đã từ chối lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức của các quốc gia như Tây Ban Nha và Ireland.

Tuần trước, Nghị viện Châu Âu đã khá “chật vật” trong một cuộc bỏ phiếu sát sao một nghị quyết kêu gọi “ngừng bắn vĩnh viễn” trong cuộc chiến ở Gaza. Nghị quyết ban đầu chỉ có lời kêu gọi ngừng bắn, nhưng sau đó, các nước đồng minh Israel đã gây áp lực để thêm vào các điều khoản như yêu cầu Hamas phải thả các con tin ngay lập tức và vô điều kiện cũng như phi quân sự hóa hoàn toàn Gaza.

Với việc Ngoại trưởng Israel Israel Katz và người đồng cấp Palestine Riyad al-Maliki sẽ tham gia các cuộc thảo luận cùng các nhà ngoại giao EU vào ngày 22.1 (giờ địa phương), các nhà ngoại giao EU cho biết họ sẽ tìm hiểu lập trường của mỗi bên về các cách chấm dứt bạo lực trên thực địa và các bước tiếp theo hướng tới một nền hòa bình lâu dài hơn.

Các quốc gia thành viên EU - cùng với Hoa Kỳ - tin rằng việc thành lập một nhà nước Palestine vẫn là cách khả thi duy nhất để đảm bảo một nền hòa bình lâu dài.

Tuy nhiên, Thủ tướng cánh hữu của Israel Benjamin Netanyahu mới đây đã thẳng thừng bác bỏ ý kiến này và tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc tấn công quân sự ở Gaza cho đến khi tiêu diệt toàn hoàn Hamas và giải phóng tất cả con tin. “Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì ngoại trừ một chiến thắng tuyệt đối”, ông Netanyahu tuyên bố. Tuyên bố này cùng với tình trạng chia rẽ trong nội bộ EU khiến cho hy vọng về Lộ trình Hòa bình của khối trở nên mong manh hơn.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/lo-trinh-hoa-binh-10-diem-cua-eu-lieu-co-kha-thi--i358236/