Lo thả gà ra đuổi khi 'chi ngân sách ầm ầm chạy theo dự báo'

“Trục trặc hiện nay của ngân sách ảnh hưởng nhiều bởi dự báo. Chúng ta đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế cao, chi ngân sách ầm ầm đi theo dự báo…” TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR chia sẻ.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố báo cáo Kinh tế Việt Nam Quý III 2016. Theo báo cáo, bước sang quý III, kinh tế có những cải thiện đáng kể so với nửa đầu năm. Dù thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, GDP Quý III vẫn đạt mức tăng 6,4%, giúp tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 5,93%.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách

Nông nghiệp suy giảm, kết hợp khó khăn trong ngành công nghiệp khai khoáng là nguyên nhân chính dẫn tới tăng trưởng thấp. Trong 9 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm ngư nghiệp chỉ tăng 0,65%, thấp nhất trong vòng sáu năm trở lại đây.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, kinh tế trong nước phục hồi nhẹ so với nửa đầu năm nhờ những yếu tố tích cực đến từ khu vực công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên sự phục hồi này không đủ bù đắp suy giảm của ngành nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng.

Bình luận về điều này, ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, công nghiệp khai khoáng giảm nên coi là hiện tượng khách quan, không nên coi là nguyên nhân. Tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, vì thế phải chấp nhận khai khoáng giảm là điều tất nhiên để có biện pháp chính sách.

VEPR dự báo, mức tăng trưởng kinh tế 6% hoặc thấp hơn trong năm 2016 (trong khi đó chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao, đặt mục tiêu 6,3- 6,5%). Lạm phát tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm là không thể tránh khỏi, hoàn toàn có khả năng chạm mức mục tiêu 5% mà Quốc hội đặt ra.

Tại buổi công bố báo cáo, TS. Nguyễn Đức Thành đánh giá, Ngân sách trung ương vẫn là vấn đề đáng buồn, thu ngân sách giảm nhiều so với kế hoạch, bội chi ngân sách tăng.

Ước tính đến 15/9 tổng thu ngân sách đạt 665 nghìn tỷ đồng, bằng 65,6% so với dự toán đầu năm. Thu thấp do hụt từ hai nguồn thu lớn là dầu thô và xuất nhập khẩu. Trong khi nguồn thu không có nhiều cải thiện thì chi ngân sách tăng nhanh trong ba tháng vừa qua, dẫn đến bội chi ngân sách 154,2 nghìn tỷ đồng, cao hơn so với năm 2015.

TS. Thành cho biết, chi ngân sách đang có xu hướng gia tăng những tháng cuối năm và không kịp điều chỉnh xuống tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế trên thực tế, trong khi thu ngân sách đặc biệt là ngân sách trung ương lại gặp nhiều khó khăn. VEPR cho rằng mục tiêu duy trì bội chi ngân sách dưới 5% GDP trong năm 2016 sẽ một lần nữa bị phá vỡ.

“Trục trặc hiện nay của ngân sách ảnh hưởng nhiều bởi dự báo. Chúng ta đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế cao, chi ngân sách ầm ầm đi theo dự báo. Đây là vấn đề nghiêm trọng trong chính sách, chi ngân sách giống như thả gà ra đuổi”, ông Thành nói.

Vì thế TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng trong thời gian tới, cần thực tế và khiêm tốn hơn trong việc lập kế hoạch tăng trưởng đầu năm, Chính phủ mới cần có chiến lược tổng thể và hữu hiệu cắt giảm bộ máy hành chính và chi thường xuyên cả nhiệm kỳ. Ngoài ra những biện pháp như thoái vốn dứt khoát tại các doanh nghiệp nhà nước, giảm nợ công cũng cần được xem xét.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng cho rằng, mục tiêu của chính phủ tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 6,3- 6,5% là cực kỳ khó khăn. Ông đưa ra dự báo, mục tiêu chỉ đạt 6,0- 6,2%.

Trong báo có của VEPR có đề cập đến việc nguồn huy động dồi dào tạo điều kiện cho các NHTM lớn hạ lãi suất huy động, tuy nhiên ông Tuyển cho rằng khả năng giảm lãi suất vẫn rất khó khăn. Một số ngân hàng lớn giảm lãi suất huy động có nhiều ngân hàng nhỏ vẫn tăng lãi suất huy động đến 7% dài hạn. Chỉ một số ngân hàng không thể nói lên được bức tranh lãi suất, nó không thể chuyển thành khuynh hướng giảm lãi suất cho vay.

Theo ông chúng ta có quá nhiều gói lãi suất, nhưng nhiều chính sách chèn vào mức cho vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ - nơi tạo ra việc làm và tăng trưởng GDP, khiến mức lãi suất cao.

Đưa ra những lưu ý về chính sách, ông Trương Đình Tuyển nói: “Tăng trưởng thì người dân có thể không biết nhưng lạm phát họ cảm nhận được ngay, vì vậy phải giữ vững mục tiêu kiềm chế lạm phát nếu không sẽ mất lòng tin vào thị trường. Điều quan trọng nhất của chính phủ là ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, không chạy theo tốc độ tăng trưởng GDP”.

TS. Nguyễn Đức Thành cũng đưa ra lưu ý, đây là thời điểm thích hợp để NH cắt giảm lãi suất cho vay, phục hồi tăng trưởng trong quý 4. Các cơ quan hoạch định chính sách cần thận trọng trong điều chỉnh chính sách tiền tệ, đặc biệt cần linh động trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong Quý 4 và đầu năm 2017, trong trường hợp có thể gây rủi ro lạm phát.

Diệu Thùy

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ts-nguyen-duc-thanh-chi-ngan-sach-am-am-di-theo-du-bao-post211211.info