Lo rủi ro, Trung Quốc tăng tốc bơm vốn vào các ngân hàng cấp vùng

Năm ngoái, chính quyền các tỉnh của Trung Quốc sử dụng số tiền huy động được từ các đợt phát hành trái phiếu đặc biệt để bơm số vốn kỷ lục 218,3 tỉ nhân dân tệ (31 tỉ đô la Mỹ) vào các ngân hàng yếu kém cấp vùng, tiếp xúc nhiều với lĩnh vực bất động sản. Đó là dấu hiệu cho thấy, họ đang sốt sắng kiểm soát các rủi ro dâng cao trong một khu vực quan trọng của hệ thống tài chính đất nước.

Một chi nhánh của ngân hàng Baoshang ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Mối lo ngại về sức khỏa của các ngân hàng cấp vùng tăng lên kể từ sau khi các cơ quan quản lý tiếp quản ngân hàng này vào năm 2021. Ảnh: Bloomberg

Theo nhà cung cấp dữ liệu tài chính Wind, trong năm 2023, doanh số phát hành trái phiếu đặc biệt, sử dụng để củng cố vùng đệm vốn cho các ngân hàng cấp vùng ở Trung Quốc, tăng gấp ba lần so với năm 2022, lên mức 218,3 tỉ nhân dân tệ.

Trái phiếu đặc biệt được giới thiệu vào năm 2020 để hỗ trợ các ngân hàng vượt qua thời kỳ kinh doanh khó khăn trong đại dịch Covid-19.

Loại trái phiếu này, do các chính quyền địa phương phát hành và nguồn tiền thu về thường chỉ được sử dụng để bơm vốn vào các ngân hàng. Nhưng năm ngoái, nguồn tiền này cũng được triển khai để đẩy nhanh hoạt động sáp nhập của các ngân hàng yếu kém ở các vùng gánh nhiều nợ nần của Trung Quốc, vốn đang chật vật ứng phó với cơn khủng hoảng bất động sản dai dẳng.

Động thái tăng tốc bơm vốn vào các ngân hàng cấp vùng phản ánh mối lo ngại của giới chức trách Trung Quốc về rủi ro nghiêm trọng, có thể lây lan ra hệ thống của các ngân hàng này trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ.

Theo Yulia Wan, nhà phân tích của Moody’s, các ngân hàng cấp vùng của Trung Quốc, gồm những ngân hàng thương mại thành thị và nông thôn, “nắm giữ 25% tài sản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc”. Bà cảnh báo, rủi ro đối với các ngân hàng này sẽ tăng lên trong 12 tháng tới do tiếp xúc nhiều với các lĩnh vực như sản xuất, bán lẻ, bất động sản, xây dựng và tài trợ cho dự án chính quyền địa phương.

“Rủi ro đang ở mức cao đáng kể đối với một số ngân hàng cấp vùng công ty tín thác đầu tư và quản lý tài sản ở Trung Quốc”, Yulia Wan nói.

Các ngân hàng cấp vùng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với các ngân hàng lớn khi cắt giảm lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo yêu cầu của các nhà quản lý.

Lãi suất thấp hơn thường làm giảm lợi nhuận của ngân hàng vì điều này sẽ thu hẹp mức chênh lệch giữa lãi suất ở các khoản cho vay và lãi suất trả cho người gửi tiền.

“Biên lãi ròng của các ngân hàng vừa và nhỏ của Trung Quốc giảm đáng kể trong năm ngoái, dẫn đến khả năng bổ sung vốn của họ bị suy yếu nghiêm trọng”, Ming Ming, nhà kinh tế trưởng của Citic Securities, bình luận.

Vào cuối tháng 9, biên lãi ròng tại các ngân hàng thương mại đô thị ở Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,6%.

“Khi lãi suất thấp hơn, các ngân hàng thường tăng cường cho vay để tăng doanh thu. Nhưng trong bối cảnh nhu cầu yếu và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng để giành khách hàng tốt, tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng cấp vùng thậm chí còn bị siết chặt hơn nữa”, Ming nói.

Kể từ năm 2020, chính quyền các tỉnh của Trung Quốc đã phát hành trái phiếu đặc biệt với tổng trị giá 476 tỉ nhân dân tệ, với tỉnh Liêu Ninh và tỉnh Hà Nam phát hành nhiều nhất.

Chính quyền tỉnh Liêu Ninh đã nỗ lực trong nhiều năm để sáp nhập ba ngân hàng đang gặp khó khăn. Trong khi Hà Nam đang chật vật khắc phục hậu quả của vụ bê bối thất thoát 40 tỉ nhân dân tệ (5,63 tỉ đô la Mỹ) tiền gửi liên quan đến bốn ngân hàng nông thôn.

Việc chính quyền các tỉnh tăng tốc bán trái phiếu đặc biệt diễn ra đúng lúc số lượng các vụ sáp nhập ngân hàng cấp vùng tăng lên. Theo Cục Quản lý tài chính quốc gia Trung Quốc, hơn 20 ngân hàng cấp làng xã, chủ yếu phục vụ nông dân, ở Tứ Xuyên, Tân Cương và Hà Bắc đã được sáp nhập hoặc mua lại bởi các ngân hàng lớn hơn trong năm 2023.

Trung Quốc có mạng lưới gồm hơn 4.000 ngân hàng nhỏ. Nhưng mối lo ngại về tình trạng hoạt động của các ngân hàng này tăng lên từ khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và Ủy ban Quản lý bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) thông báo tiếp quản ngân hàng Baoshang (BSB), tương đối vô danh ở khu tự trị Nội Mông, vào năm 2021. Động thái này cho thấy, ngân hàng Baoshang trên thực tế đã phá sản. Xiao Jianhua là chủ tịch tập đoàn đầu tư Tomorrow Holdings, nắm giữ 89% cổ phần của BSB. Tomorrow Holdings bị cáo buộc sử dụng trái phép và sai mục đích các nguồn vốn của BSB. Hồi tháng 8-2022, tòa án ở Thượng Hải tuyên án 13 năm tù đối với Xiao Jianhua về tội gian lận tài chính và tham nhũng.

Gần đây, các cơ quan quản lý Trung Quốc lên tiếng nhiều hơn về nhu cầu sáp nhập các ngân hàng yếu kém trên toàn ngành, thúc đẩy bơm vốn và mua lại cổ phần ở ngân hàng cấp vùng đang gặp khó khăn.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng đã thành lập một quỹ bình ổn tài chính riêng để cung cấp thanh khoản khẩn cấp, giúp hạn chế rủi ro lây lan nếu các ngân hàng yếu kém phá sản. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo, với nguồn vốn huy động trong đợt đầu tiên vào năm 2022 chỉ là 64,6 tỉ nhân dân tệ, quỹ này có thể quá yếu để có cung cấp sự bảo vệ đầy đủ.

“Việc bán trái phiếu đặc biệt giúp bổ sung vốn cho các ngân hàng cấp vùng, nhưng về cơ bản không thay đổi được vị thế vốn yếu kém của họ”, Yulia Wan, nhà phân tích của Moody’s, nhận định

Bà nói thêm, doanh số phát hành trái phiếu đặc biệt chỉ chiếm khoảng 0,9% tài sản có rủi ro của các ngân hàng cấp vùng của Trung Quốc vào cuối năm 2022.

Theo Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lo-rui-ro-trung-quoc-tang-toc-bom-von-vao-cac-ngan-hang-cap-vung/