Lo nợ xấu tăng

SGTT.VN - Nhiều ngân hàng có nguy cơ “phình” nợ xấu, mất lãi nếu thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo thông tư 02 của ngân hàng Nhà nước áp dụng từ ngày 1.6.2013. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, trao đổi về vấn đề này.

TS Nguyễn Trí Hiếu

TS Nguyễn Trí Hiếu.

Thưa ông, việc cho vay và xử lý nợ đối với khách hàng có nợ xấu sẽ như thế nào, nếu căn cứ theo thông tư 02 sắp có hiệu lực thi hành?

Khách hàng đã có nợ xấu thì ngân hàng rất khó cho vay, nhất là khi áp dụng nghiêm chỉnh thông tư 02. Tôi chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng ước chừng một tỷ trọng lớn người vay vốn bị nợ quá hạn. Khi khách hàng có nợ xấu tại một ngân hàng, các nhà băng khác cũng không muốn cho vay để “ôm” nợ xấu và phải trích lập dự phòng rủi ro với tỷ lệ cao. Đây sẽ là trở ngại lớn trong hoạt động cho vay. Hơn nữa, khi doanh nghiệp có nợ quá hạn, ngân hàng lập tức tính lãi phạt, cắt giảm hạn mức hoặc không gia hạn hợp đồng hạn mức tín dụng. Trong khi đó, việc thu hồi nợ của nhóm khách hàng có nợ xấu sẽ rất khó khăn. Vì thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian, khả năng thu hồi không cao.

Thông tư 02 liệu có làm lợi nhuận của ngân hàng sụt giảm?

Chắc chắn sẽ giảm nhiều. Vì vấn đề tăng trưởng tín dụng sẽ gặp trở ngại lớn, nhất là với khách hàng chớm có nợ quá hạn. Nhưng tôi ủng hộ thông tư 02 ở điểm tích cực là sẽ minh bạch thông tin, bắt ngân hàng phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đúng theo thông lệ quốc tế.

Nợ xấu của ngân hàng rất cao, nhưng số dự phòng rủi ro được trích lập được cỡ 70.000 tỉ đồng là không thấm vào đâu. Hơn nữa, thông tư 02 yêu cầu ngân hàng phải cẩn trọng khi cho vay. Đây cũng là biện pháp mạnh trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng. Nhưng cái giá phải trả sẽ là khá đắt cho “một món quà có giá trị”.

“Món quà” theo ý ông là quyết định 780 ngày 23.4.2012 của NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ cho khách hàng vay có khả năng trả nợ tốt?

Năm 2012, để gỡ khó cho doanh nghiệp, NHNN cho phép ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ cho khách hàng tốt. Năm nay NHNN đưa ra quy định rõ ràng về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, thì không có gì mâu thuẫn. Nhưng đáng lo là ngân hàng nào đã cơ cấu cho những khoản nợ không đủ điều kiện, đẩy nợ xấu thành đẹp, đến ngày 1.6.2013, nếu những doanh nghiệp đó tiếp tục không cải thiện tình hình trả nợ thì nợ xấu sẽ “lòi” ra. Điều này thể hiện ở tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã giảm nhanh từ 8,8% xuống 6%, nhưng trong đó, có nhiều nợ xấu đã được cơ cấu lại.

Có ý kiến cho rằng, nên cân nhắc thời gian, lộ trình thực hiện thông tư 02. Quan điểm của ông về ý kiến này?

Theo tôi, không nên trì hoãn việc thực hiện thông tư 02 vì nó sẽ tạo ra sự không nhất quán trong thực hiện chính sách của NHNN. Nhưng những đối tượng khách hàng đang được cơ cấu nợ theo quyết định 780 có thể được tiếp tục thực hiện đến hết năm 2013. Dĩ nhiên, họ phải có khả năng trả nợ tốt, chứ không phải được cơ cấu nợ như một biện pháp kỹ thuật để “làm đẹp” nợ xấu.

Phương Nga (thực hiện)

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/kinh-te/176833/lo-no-xau-tang.html