Lo ngại thủy điện Thượng Kon Tum

Theo kế hoạch, công trình thủy điện Thượng Kon Tum - nằm trên địa bàn huyện Kon Rẫy và huyện Kon Plông, thuộc tỉnh Kon Tum - sẽ tích nước vào năm 2015. Ngoài việc tác động vào vùng rừng phòng hộ có độ che phủ cao nhất cả nước, việc thủy điện Thượng Kon Tum chuyển nước từ sông Đăk Snghé sang lưu vực sông Trà Khúc của tỉnh Quảng Ngãi sẽ gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội, môi trường cho một khu vực rộng lớn, đông dân cư ở vùng hạ du.

Sông Đăk Bla chảy qua TP.Kon Tum có nguy cơ khô kiệt do thủy điện Thượng Kon Tum chuyển nước về sông Trà Khúc. Ảnh: Đ.T.K

Hệ lụy nhiều mặt

UBND tỉnh Kon Tum vừa có văn bản đề nghị Bộ TNMT, Bộ NNPTNT trình Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng 382,29ha đất rừng phòng hộ đầu nguồn để xây dựng công trình thủy điện Thượng Kon Tum. Thủy điện Thượng Kon Tum có công suất 220MW, tổng diện tích chiếm đất khoảng 1.185ha, nằm trên địa phận xã Đăk Kôi - huyện Kon Rẫy và các xã Đăk Tăng, Măng Cành, Măng Bút - huyện Kon Plông.

Đây là vùng có tiềm năng về tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, có ý nghĩa lớn đối với Tây Nguyên và miền Trung, trong đó khu vực lòng hồ có độ che phủ rừng cao nhất cả nước (85%). Do vậy, việc xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum tại đây sẽ ảnh hưởng bất lợi đối với khả năng phòng hộ, điều tiết nước cho hệ thống sông Sê San và các sông suối phía đông Trường Sơn cũng như tiềm năng du lịch sinh thái quốc gia trên cao nguyên Măng Đen.

Thủy điện Thượng Kon Tum đang tác động vào khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn có độ che phủ cao nhất nước. Ảnh: Đ.T.K

Theo thiết kế, nước sông Đăk Snghé sau khi qua Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum sẽ chuyển sang lưu vực sông Trà Khúc thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Do vậy, có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế, xã hội trên một khu vực rộng lớn thuộc hạ lưu các sông Đăk Snghé, Đăk Bla và sông Sê San. Các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bao gồm huyện Kon Plông, huyện Kon Rẫy và TP.Kon Tum.

Ông Nguyễn Thanh Cao - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, hiện là Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Kon Tum - cũng cho rằng, khi có mưa lớn, việc thủy điện xả lũ có thể gây ra hiện tượng sạt lở, ngập úng các vùng ven sông, đặc biệt là khu vực ngay sau hồ chứa và hạ lưu sông Đăk Snghé.

Thực tiễn xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi có chuyển nước sang lưu vực khác đã gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho hạ du. Trong đó thủy điện Đắk Mi 4 (Quảng Nam), thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (Hà Tĩnh) đã phải thay đổi thiết kế ngay sau khi tích nước do gây ra những tác động bất lợi đối với hạ du. Đặc biệt, thủy điện An Khê - Ka Nak (Gia Lai) chuyển nước về sông Côn đã gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế, môi trường cho hạ lưu sông Ba.

Nghiên cứu giảm thiểu tác hại

Ông Huỳnh Minh Chương - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Kon Tum - cho biết: “Mặc dù dự án đã được Bộ TNMT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng trước nguy cơ khô cạn sông Đăk Snghé, UBND tỉnh đã thuê các đơn vị độc lập đánh giá lại tác động đến môi trường, dân sinh ở hạ du. Từ đó, tỉnh đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư thiết kế bổ sung ống xả để trả lại một ít nước cho sông Đăk Snghé”.

Ông Nguyễn Thúc Chân - Phó trưởng BQLDA thủy điện Thượng Kon Tum - cũng cho biết, đã dự trù bổ sung một ống xả qua hạ lưu sông Đăk Snghé, nhưng lượng nước trả lại bao nhiêu thì đang còn tính toán.

Thi công đường hầm dẫn nước từ sông Đăk Snghé vào nhà máy, sau đó đổ ra sông Trà Khúc. Ảnh: Đ.T.K

Thủy điện Thượng Kon Tum đã được các cấp thẩm quyền cho phép triển khai, chủ đầu tư đã khởi công từ năm 2009, hiện tiến độ xây dựng đạt khoảng 15%. Mặc dù vậy, việc nghiên cứu toàn diện những tác động đến chế độ thủy văn, môi trường lưu vực sông Đăk Snghé và sông Đăk Bla (Đăk Snghé là một trong hai nhánh chính của sông Đăk Bla) sau khi công trình tích nước là hết sức cần thiết.

Điều này không chỉ giúp dự báo, đóng góp các giải pháp giảm thiểu tác hại, mà còn là cơ sở để chính quyền địa phương điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển KTXH và bảo vệ môi trường của mình. Kết quả nghiên cứu cũng là cơ sở để xác định trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực về KTXH, môi trường trong lưu vực bị tác động.

Ngày 4.12.2012, Bộ NNPTNT có văn bản về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ xây dựng công trình thủy điện Thượng Kon Tum theo đề nghị trước đó của UBND tỉnh Kon Tum. Bộ NNPTNT cho rằng, thủy điện Thượng Kon Tum đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư từ năm 2006, từ đó đến nay một số quy định liên quan đã được ban hành. Theo đó, việc chuyển đổi đất rừng phòng hộ từ 50ha trở lên phải báo cáo Quốc hội, được quy định tại Nghị quyết 49/2010/QH12- ngày 19.6.2010 của Quốc hội.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/lo-ngai-thuy-dien-thuong-kon-tum/98497.bld