Lo ngại gì khi sử dụng AI trong tác nghiệp báo chí?

Một khảo sát thực hiện tại hơn 100 tổ chức truyền thông thuộc 46 quốc gia chỉ ra rằng, có đến 60% người được hỏi bày tỏ lo ngại khi sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tác nghiệp báo chí. Vậy điều gì khiến nhiều người lo ngại về AI trong khi sự phát triển về công nghệ khiến báo chí hoạt động năng suất, hiệu quả hơn?

Khảo sát công bố ngày 20/9 của Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London (Anh) trong khuôn khổ dự án “JournalismAI” cho thấy, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) mang đến cả lợi ích và rủi ro trong hoạt động báo chí.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI), công việc của đội ngũ nhà báo, phóng viên đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen. (Ảnh minh họa: KG)

AI tạo ra cơ hội khiến báo chí hoạt động năng suất, hiệu quả hơn

Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 4-7/2023, tại hơn 100 tổ chức truyền thông thuộc 46 quốc gia, về việc sử dụng AI và các công nghệ liên quan.

Gần 3/4 số tổ chức tin tức truyền thông cho biết, họ đang sử dụng AI trong việc thu thập, sản xuất hoặc phân phối tin tức và khoảng 80% số người được hỏi kỳ vọng rằng AI sẽ có vai trò lớn hơn trong các phòng tin tức của họ trong tương lai.

Để tạo ra một tác phẩm báo chí, người phóng viên cần thực hiện nhiều công đoạn như phỏng vấn, chụp ảnh, quay phim, đi thực tế, xử lý thông tin… Do đó thời gian thực hiện một tác phẩm báo chí đôi khi mất rất nhiều thời gian và công sức.

Theo khảo sát, giới báo chí thừa nhận rằng AI giúp tiết kiệm thời gian tiến hành các nhiệm vụ như ghi chép, gỡ băng phỏng vấn, chuyển từ file ảnh, âm thanh, video sang dạng văn bản; chuyển các nội dung họp online thành văn bản; bóc tách lời bình hoặc phỏng vấn trong video chuyển thành phụ đề tiếng Việt…

Bên cạnh đó, thế mạnh của trí tuệ nhân tạo là xử lý dữ liệu lớn để cho ra các kết quả nhanh chóng, chính xác và toàn diện hơn. Do vậy, dùng trí tuệ nhân tạo sẽ giảm thời gian thao tác, đồng thời giúp phóng viên, biên tập viên khai thác thông tin và biên tập bài viết một cách hiệu quả hơn. Ví dụ, khi phóng viên cần viết về một đề tài nào đó, trí tuệ nhân tạo có thể “quét” khắp các cơ sở dữ liệu để thu thập các dữ liệu có liên quan và thậm chí có thể gợi ý, đề xuất những hướng xử lý.

Nhiều tòa soạn cũng đã sử dụng AI ở các sản phẩm đồ họa, bài viết longform (phóng sự chuyên sâu, sử dụng đồ họa, hình ảnh lớn, ấn tượng với hiệu ứng chuyển động) để tăng tương tác với bạn đọc. Những sản phẩm báo chí với sự hỗ trợ của công nghệ đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn đối với công chúng.

Có thể thấy, sử dụng các ứng dụng AI trong báo chí truyền thông đã góp phần không nhỏ trong việc tăng hiệu suất làm việc của đội ngũ những người làm báo, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo tại các tòa soạn báo trong bối cảnh kỷ nguyên số.

Trí tuệ nhân tạo chưa đủ thông minh để thay thế nhà báo

Mặc dù trí tuệ nhân tạo làm nên một cuộc cách mạng về công nghệ đối với tất cả các ngành nghề nói chung, với báo chí nói riêng. Nhưng kết quả khảo sát cũng cho thấy, hơn một nửa những người được hỏi trong khảo sát của Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London cho biết, họ lo ngại về "tác động đạo đức của việc tích hợp AI đối với chất lượng biên tập và các khía cạnh khác của báo chí”.

Các tác giả của khảo sát cho biết: “Các nhà báo đang cố gắng tìm ra cách tích hợp các công nghệ AI vào công việc của họ để duy trì các giá trị báo chí như tính chính xác, công bằng và minh bạch”. Đồng thời nhóm tác giả nói thêm rằng một số nhà báo lo ngại công nghệ AI có thể thương mại hóa ngành này hơn nữa và làm xói mòn niềm tin của công chúng vào báo chí.

Vào tháng 1/2023, ChatGPT – một ứng dụng AI đã thừa nhận điểm yếu của mình với hãng kiểm chứng thông tin Newsguard: “Kẻ xấu có thể biến tôi thành vũ khí bằng cách tinh chỉnh mô hình của tôi với dữ liệu của họ, có thể bao gồm những thông tin sai sai lệch hoặc giả mạo." Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm và thấy rằng thừa nhận trên hoàn toàn đúng, vì nếu đưa ra 100 lệnh cho ChatGPT mà có thông tin sai lệch thì nó sẽ trả lại những câu trả lời sai lệch với tỷ lệ lên tới 80%.

Hơn nữa, tuy rất siêu việt trong việc thu thập và xử lý dữ liệu, AI thiếu sắc thái xã hội, thiếu cảm xúc và khả năng tương tác với con người của một nhà báo bằng xương bằng thịt. Nếu không có sự can thiệp của con người, rất có thể những nội dung do AI tạo ra sẽ không đáp ứng được các tiêu chuẩn về biên tập của các tòa soạn.

Cùng chung nhận định này, cựu giám đốc “JournalismAI” của Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London – ông Mattia Peretti khẳng định, AI dần tiến bộ nhưng sẽ không đánh cắp công việc của các nhà báo. Trong bài phân tích cho Mạng lưới báo chí điều tra toàn cầu, ông cho rằng “sự thật là trí tuệ nhân tạo chưa đủ thông minh để thay thế nhà báo”.

Theo ông Mattia, AI có tiềm năng loại bỏ hàng loạt vị trí trong nền kinh tế nhưng báo chí thì chưa. Nó sẽ đóng nhiều vai trò khác nhau để hỗ trợ một nhà báo song còn lâu nữa mới có khả năng thay thế họ.

Thực tế cho thấy, các phần mềm ứng dụng AI thể hiện nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó để phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình. Tận dụng tối đa những lợi thế và khắc phục những hạn chế mà công nghệ chưa làm được chính là chìa khóa để các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo hiện nay thích ứng với một kỷ nguyên mới với sự hiện diện ngày nhiều của trí tuệ nhân tạo./.

Song Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/lo-ngai-gi-khi-su-dung-ai-trong-tac-nghiep-bao-chi-647422.html