Lò mỡ bẩn tồn tại gần 20 năm: Cơ quan chức năng nói gì?

Không chỉ tuồn ra thị trường cả trăm kg mỡ thành phẩm bẩn mỗi ngày, lò mỡ này còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ gia đình xung quanh.

Nhận được thông tin phản ánh của người dân về sự tồn tại của một số lò chế biến mỡ bẩn tại xóm Tiếu, thôn Hoàng Trung, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội, nhóm PV đã tiếp cận một lò chế biến mỡ bẩn tại đây do anh Th. làm chủ.

Một góc tại nơi lò chế biến mỡ bẩn nhà anh Th. tại Xóm Tiếu- Thôn Hoàng Trung- xã Hồng Dương- huyện Thanh Oai- TP. Hà Nội

Ngay khi bước chân vào lò chế biến này, mùi mỡ ngây ngấy, khen khét xộc thẳng lên mũi khiến người không quen thoáng rùng mình. Tiến lại gần hơn mùi hôi thối bốc ra nồng nặc từ những túi mỡ nguyên liệu tạp nham, bày la liệt trên sàn bẩn. Số mỡ này được thu gom từ các lò trên địa bàn xã Hồng Dương và một số xã lân cận. Theo tìm hiểu, giá thu mua đống “bèo nhèo” này chỉ từ 1.000 – 3.000 đồng /kg.

Nguyên liệu sản xuất ra mỡ thành phẩm cung ứng cho thị trường nội thành Hà Nội

Chỗ nội tạng, mỡ nguyên liệu này không hề được vệ sinh, làm sạch mà được đổ trực tiếp vào chế biến luôn, thành phẩm là một thứ mỡ đen đặc, khét nồng. Mỡ nguội sẽ được đóng vào các can 30 lít. Còn tóp mỡ sẽ tiếp tục cho vào một chiếc máy ép cáu bẩn, ép lấy mỡ cho đến khi chỉ còn lại bã.

Chiếc máy ép mỡ cáu bẩn, thoáng nhìn qua khiến người ta phải rùng mình

Sau khi gom đủ số lượng khách đặt, anh Th. sẽ dùng ô tô trở vào nội thành Hà Nội tiêu thụ tại các điểm tập kết quen thuộc. Mỗi lít mỡ thành phẩm có giá khoảng 12.000 đồng/kg khi mua tại lò. Giá bán tại các điểm tập kết trong nội thành Hà Nội dao động khoảng 14.000-16.000 đồng/kg tùy khách thân sơ và số lượng lấy.

Can đựng mỡ thành phẩm bám đầy cáu bẩn

Sau khi thu thập chứng cứ, tiến hành xác minh thông tin, PV đã có buổi làm việc với cơ quan chức năng về vấn đề này.

Phải mất khá nhiều thời gian, đặt lịch, xin số liên lạc... PV chúng tôi mới có được cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Hùng- Phó chủ tịch UBND xã Hồng Dương. Ông Hùng cho biết: “Hàng năm, UBND xã đều phối hợp với bên y tế để tiến hành kiểm tra và làm công tác tuyên truyền về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân ở thôn Hoàng Trung, vì ở đây phần lớn người dân sống bằng nghề làm giò chả. Số hộ làm nghề chế biến mỡ ở thôn này không nhiều, chỉ có vài hộ. Mọi năm thì chúng tôi cũng có kiểm tra các lò chế biến mỡ, trong đó có lò nhà anh Th. nhưng trong năm nay thì chưa".

Ông Hũng cũng biện minh: "Vừa rồi bầu cử nên chính quyền xã cũng bận nhiều việc, đến giờ chúng tôi còn chưa tổ chức được kỳ họp thứ nhất để bầu các chức danh. Bên cạnh đó, lực lượng làm công tác mảng vệ sinh an toàn thực phẩm rất mỏng, cán bộ làm không chuyên trách mà kiêm nhiệm nên cũng không thể kiểm soát hết được”.

“Nhà anh Th. cũng mới làm chế biến mỡ được vài năm (thực tế tìm hiểu là 14 năm- PV) chủ yếu phục vụ cho các hàng quán, còn cụ thể là tiêu thụ ở những đâu thì chúng tôi không nắm được. Chỉ biết gia đình anh Th. Có chế biến mỡ thành phẩm nhưng nhỏ lẻ, ít nên cũng chỉ giám sát, nhắc nhở làm cho sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh (hàng ngày cơ sở này sản xuất cả tạ mỡ, giao cho các điểm tập kết ở nội thành Hà Nội lên đến cả tấn mỗi lần- PV). Những năm trước khi tiến hành kiểm tra tại lò chế biến mỡ nhà anh Th. Chúng tôi cũng đã có nhắc nhở nhưng chưa xử phạt lần nào. Còn về vấn đề cấp giấy phép sản xuất kinh doanh và giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm thì thuộc thẩm quyền của huyện”- Ông Hùng cho hay.

Tiếp tục tìm đến UBND huyện Thanh Oai để đặt lịch với cơ quan chuyên trách về vấn đề An toàn vệ sinh thực phẩm, PV chúng tôi nhận được câu trả lời các cán bộ chuyên trách mảng này đều đã đi họp và đi công tác, sẽ trả lời vào hôm khác.

Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc

Nhóm PV

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/lo-mo-ban-ton-tai-gan-20-nam-co-quan-chuc-nang-noi-gi-a249247.html