'Lò luyện' thợ lành nghề

Để tìm được việc làm với thu nhập ổn định, nhiều người trẻ hiện nay đã không theo đuổi giấc mơ vào đại học mà chuyển hướng lựa chọn học những ngành nghề xã hội đang cần, từ đó sớm khẳng định tay nghề vững, tìm được chỗ đứng trong xã hội.

Giờ thực hành của học sinh lớp trung cấp Điện công nghiệp K21, Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ. (Ảnh tư liệu)

(baophutho.vn) - Để tìm được việc làm với thu nhập ổn định, nhiều người trẻ hiện nay đã không theo đuổi giấc mơ vào đại học mà chuyển hướng lựa chọn học những ngành nghề xã hội đang cần, từ đó sớm khẳng định tay nghề vững, tìm được chỗ đứng trong xã hội. Trước nhu cầu học nghề ngày càng cao, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong tỉnh đã có nhiều đổi mới trong công tác đào tạo, trở thành những “lò luyện” thợ lành nghề, thợ bậc cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Sinh ra trong gia đình thuần nông có bốn anh, chị, em ở xã miền núi Bắc Sơn, huyện Tam Nông, ngay khi tốt nghiệp THCS, Tạ Kim Hoàn (sinh năm 1994) không tiếp tục học lên mà nghỉ học để đi làm. Không có kỹ năng nghề, chưa từng trải khiến Hoàn chật vật khi tìm việc làm. Anh tự nhủ nhất định phải học một nghề nào đó để có thể sống bằng nghề. Những ngày đầu gắn bó với lớp K4-Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí của Trường Trung cấp nghề Hermann Gmeiner Việt Trì, Hoàn cũng thấy e ngại với bạn bè vì nhiều người cho rằng học kém mới vào trường nghề. Tuy nhiên, sau ba năm học miệt mài, cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp, Hoàn có nhiều cơ hội lựa chọn con đường lập thân, lập nghiệp cho riêng mình. Mới đầu, anh đầu quân cho Trung tâm Điện máy xanh, về sau có vốn kinh nghiệm, anh quyết định mở cửa hàng kinh doanh rồi thành lập Trung tâm Điện tử điện lạnh Mai Hoàng.Chia sẻ về những thành công bước đầu trên con đường lập nghiệp, anh Hoàn cười vui: “Qua thời gian, tôi thấy lựa chọn học nghề của mình thật đúng đắn. Hiện, tôi sở hữu Trung tâm sửa chữa, bảo hành, phân phối sản phẩm và dịch vụ điện lạnh điện máy tại huyện với chục công nhân hỗ trợ. Các sản phẩm cũng như dịch vụ bảo hành, sửa chữa của trung tâm luôn tạo được uy tín với người dân. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng”. Đó là nguồn thu nhập mơ ước của không ít thanh niên, trong đó có cả những người sở hữu bằng cử nhân hiện nay. Với tay nghề vững vàng, thành công trong sự nghiệp, anh Hoàn được đồng nghiệp tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội điện tử điện lạnh huyện Tam Nông.

Sau học nghề công nghệ ô tô ở Trường Cao đẳng cơ điện Phú Thọ, nhiều sinh viên đã tìm được việc làm ổn định ở thị trường Nhật Bản với thu nhập cao. (Ảnh tư liệu)
Anh Tạ Kim Hoàn chỉ là một trong số hàng nghìn học sinh của Trường Trung cấp nghề Hermann Gmeiner Việt Trì sau khi ra trường đã tự tạo việc làm với tay nghề vững, mang lại thu nhập ổn định. Có được kết quả đó là do nhà trường xác định những ngành nghề xã hội cần để tập trung đào tạo như: Điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin…
Thầy giáo Vũ Xuân Thùy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi đã liên kết với tám doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu thực tế trải nghiệm, thực tập, giúp hoàn thiện kỹ năng sống, hình thành tác phong làm việc công nghiệp, sớm thích nghi với môi trường làm việc sau khi ra trường. 90% học sinh sau tốt nghiệp có việc làm ngay với mức thu nhập ổn định. Nhiều học sinh khá sau khi thực tập đạt kết quả tốt đã được doanh nghiệp giữ lại làm việc với mức thu nhập cao. Là cơ sở đào tạo nghề cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của địa phương cũng như khu vực miền núi phía Bắc, Trường Cao đẳng cơ điện Phú Thọ hiện có trên 2.000 học sinh, sinh viên theo học ở 13 ngành, nghề, trong đó có nhiều nghề trọng điểm Quốc gia, Quốc tế và khu vực Asean. Những năm gần đây, nhà trường đã tổ chức đào tạo các ngành nghề doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng cao như: Công nghệ ô tô, hàn, cơ khí... Đồng thời, tăng cường phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để học sinh, sinh viên được trực tiếp thực tập nhằm đảm bảo đầu ra và giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn cung lao động. Nhờ đó, trên 80% sinh viên sau tốt nghiệp đã được các doanh nghiệp trên cả nước tiếp nhận vào làm việc đúng ngành nghề theo học. Trong đó, nhiều sinh viên nghề công nghệ ô tô tìm được việc làm ổn định ở thị trường Nhật Bản với thu nhập cao.Trên địa bàn tỉnh hiện có 30 cơ sở GDNN tham gia đào tạo 225 ngành, nghề. Trong đó có một số ngành, nghề như: Công nghệ ô tô, hàn, cắt gọt kim loại, điện tử, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, quản trị khách sạn, điện dân dụng… thu hút nhiều đối tượng tham gia học tập. Riêng năm 2021, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho trên 28.600 người (đạt 100% so với kế hoạch). Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, hơn 87% số người học nghề có việc làm và thu nhập ổn định.Để có được kết quả đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội luôn chú trọng việc tăng cường mối liên kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp. Đây là giải pháp quan trọng để đào tạo những thợ lành nghề, bậc cao mà thị trường lao động đang có nhu cầu lớn. Đến nay, các cơ sở hoạt động GDNN đã chủ động hợp tác, đặt hàng với 134 doanh nghiệp trong tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm. Đa phần học sinh, sinh viên ra trường đều được doanh nghiệp tuyển dụng hoặc tự tạo việc làm với mức lương khởi điểm 6-8 triệu đồng/tháng/, góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo năm 2021 của toàn tỉnh đạt 70,5%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,2%.
Đó là những tín hiệu vui, cho thấy phần nào hiệu quả từ việc đổi mới công tác đào tạo của các “lò luyện”, góp phần đào tạo lao động có tay nghề, kỹ năng dễ dàng vượt qua khó khăn, thử thách, tìm được chỗ đứng vững chắc trong thị trường lao động hiện nay.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202112/%E2%80%9Clo-luyen%E2%80%9D-tho-lanh-nghe-181903