Lo không đủ tiền sắm Tết

E ngại dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng tới mức thưởng cuối năm, nhiều người trẻ làm văn phòng đã sớm thắt chặt chi tiêu, dành dụm để lo cho gia đình dịp Tết.

Đối với Huy Đỗ (23 tuổi, Hà Nội), sắm Tết là chủ đề khiến anh "đau đầu" nhất trong những tháng cuối năm.

"Năm nay, tôi dự định dành ra 7-10 triệu đồng gửi bố mẹ sắm Tết, mua quà biếu gia đình bạn gái và chi tiêu cho bản thân. Ngoài ra, tôi vẫn phải trả tiền nhà, sinh hoạt phí vì đã ra ở riêng", Huy chia sẻ với Zing.

Nhiều người trẻ đắn đo khi mua sắm dịp cuối năm do dịch bệnh ảnh hưởng tới mức lương, thưởng. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Song, do mới nhận vị trí kỹ sư viễn thông được hơn nửa năm và bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, anh chưa kịp tích cóp đủ để có thể thoải mái mua sắm.

"Tôi mới ra trường hồi đầu năm, đi làm chính thức từ tháng 7 nên chưa vững vàng về tài chính. Cuối năm, thứ gì cũng cần đến tiền nên tôi có chút áp lực", anh nói.

Sự lo lắng của Huy Đỗ cũng là nỗi niềm chung của nhiều người trẻ, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng đến mức lương, thưởng Tết.

Đứng trước dịp nghỉ lễ lớn nhất trong năm với nhiều khoản cần sắm sửa cho gia đình, họ cảm thấy căng thẳng và có phần áp lực khi phải cân đối chi tiêu cá nhân cẩn thận hơn trước.

Không dám chi tiêu

Dù 2 tháng nữa mới đến Tết, Vân Linh (23 tuổi, Hà Nội) đã lo lắng chi phí mua sắm cho gia đình.

Linh cho biết từ khi có thu nhập, cô thường biếu bố mẹ 5 triệu đồng sắm Tết, để ra một khoản lì xì người thân và mua đồ cá nhân. Ước tính, những khoản chi tiêu này có thể lên đến hơn một tháng lương của cô.

Năm nay, điều này lại trở thành nỗi trăn trở với Linh do cô vẫn đang thử việc cho vị trí thiết kế đồ họa cho một công ty, có thể không được nhận thưởng cuối năm.

“Tôi mới chuyển từ freelance sang làm văn phòng được hơn một tháng, tới tháng 1 năm sau mới được cất nhắc lên chính thức. Tôi chưa được nhận 100% lương, các đãi ngộ cũng hạn chế mà còn phải chi tiêu nhiều nên rất đắn đo", cô kể.

Vân Linh gặp áp lực khi mua sắm cuối năm cho gia đình do vẫn đang thử việc, có khả năng chưa được nhận thưởng Tết.

Trước tình hình đó, Linh buộc phải nhận thêm các yêu cầu thiết kế bên ngoài để có thêm thu nhập, đủ trang trải chi phí sinh hoạt và tiết kiệm.

"Dịch bệnh kéo dài khiến kinh tế của tôi bị ảnh hưởng ít nhiều. Giờ, tôi chỉ còn cách 'siết hầu bao', làm việc siêng hơn để có thể chi trả các khoản theo dự tính".

Tương tự Vân Linh, Hoàng T. (25 tuổi, TP.HCM) "nhiều khả năng" không có thưởng Tết do mới tìm được công việc khác sau dịch.

Sau một thời gian làm freelance, cô chuyển sang làm thiết kế cho một công ty thời trang với mong muốn có mức thu nhập ổn định hơn.

"Tôi được nhận vào làm từ tháng 7, song 2 tháng nay mới quay lại văn phòng. Đợt trước, tôi làm việc online nên thu nhập giảm 20%, gần đây mới ổn định hơn", cô kể với Zing.

Hoàng T. cho biết cô đã sử dụng phần lớn tiền lương để trả khoản vay mua laptop, lo sinh hoạt phí cho gia đình. Vì thế, khi nghĩ tới những thứ cần phải sắm sửa cuối năm, cô lại "phát hoảng".

"Sau khi trả các khoản vay, gửi mẹ phí sinh hoạt, tôi không còn nhiều tiền để mình chi tiêu nữa. Có lẽ từ giờ tới Tết, tôi sẽ hạn chế đi ăn ngoài, bớt mua sắm quần áo, mỹ phẩm... để lo cho gia đình trước".

Lập kế hoạch tiết kiệm

Thay vì lao vào các "cuộc chiến săn sale" dịp cuối năm, Thùy Anh (23 tuổi, Hà Nội) chọn cách lên kế hoạch chi tiêu, cẩn trọng khi rút hầu bao.

Chia sẻ với Zing, nữ nhân viên marketing cho biết trong thời gian giãn cách xã hội, cô phải làm việc tại nhà và thu nhập cũng giảm so với bình thường.

Thùy Anh cho biết cô không quá áp lực chuyện chi tiêu dịp Tết năm nay do có kế hoạch từ trước.

Vì thế, khi quay lại văn phòng, cô quyết định cân đối chi tiêu hợp lý hơn, dành tiền vào những mục đích cần thiết hơn nhu cầu cá nhân.

"Ngoài sinh hoạt phí cố định, tôi phải để dành tiền mua vé xe về Hải Phòng ăn Tết, gửi bố 6-7 triệu đồng mua sắm cuối năm, mua quà biếu, lì xì họ hàng... Nếu không có kế hoạch tiêu xài, tôi chỉ sợ sẽ hao hụt tiền", Thùy Anh nói.

Tương tự, Thành Đạt (24 tuổi), một kỹ sư xây dựng ở quận Ba Đình (Hà Nội), cũng chủ động cắt giảm các khoản chi tiêu cá nhân từ tháng 11 để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Vì đây là năm đầu tiên chính thức đi làm sau khi tốt nghiệp, anh cảm thấy có trách nhiệm hơn trong việc đóng góp tài chính cho gia đình mua sắm Tết.

Thành Đạt đã liệt kê sẵn danh sách các khoản, bao gồm 5 triệu đồng gửi về cho bố mẹ ở Quảng Ninh, 5 triệu đồng để lì xì gia đình, họ hàng và khoảng 2 triệu đồng tiền đi chơi trong dịp nghỉ lễ.

Sau khi nhẩm tính, tổng số tiền cần chi tiêu nhỉnh hơn một tháng lương của anh. Cùng lúc đó, Thành Đạt phải lo tiền thuê nhà và trang trải sinh hoạt phí tại Hà Nội. Bởi vậy, những tháng cuối năm có phần căng thẳng hơn với nam kỹ sư.

Thành Đạt hạn chế ăn ngoài, khéo léo từ chối một số cuộc liên hoan, nhậu nhẹt cuối năm để tiết kiệm tiền, lo sắm Tết cho gia đình.

“Cách đây không lâu, tôi cũng mới dồn hết tiền tiết kiệm và vay mượn thêm bạn thân một chút để đổi xe máy mới. Có thể nói, hiện tôi đang trắng tay và làm lại từ đầu”, anh cười, nói.

Thành Đạt cho biết anh “sớm tự đưa mình vào khuôn khổ” để cắt giảm chi tiêu cá nhân. Anh chủ động xóa các ứng dụng thương mại điện tử trên điện thoại để không bị “cám dỗ” bởi những đợt săn sale lớn và hấp dẫn.

Trước đó, vì là một người đam mê thể thao, trung bình mỗi tháng anh chi khoảng 500.000-1.000.000 đồng cho những món phụ kiện để hỗ trợ môn đạp xe và chạy bộ.

Ngoài ra, anh hạn chế ăn uống ngoài hàng quán, thay vào đó chăm chỉ nấu cơm ở nhà hơn. Anh cũng khéo léo từ chối một số cuộc liên hoan, nhậu nhẹt cuối năm.

Thành Đạt thừa nhận đây là điều dễ thực hiện nhất bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

“Mặc dù hơi lo lắng, tôi vẫn tự tin rằng mình thu xếp được theo kế hoạch đề ra. Tết Nguyên đán chỉ có mỗi năm một lần và tôi muốn ưu tiên cho gia đình”, anh khẳng định.

Trang Minh - Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lo-khong-du-tien-sam-tet-post1281039.html