Lỗ hổng 'chết người' trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em (kỳ cuối): Nhà trường nên có cam kết bảo vệ trẻ

Trường học được coi là nơi an toàn thứ hai của trẻ em, sau gia đình nhưng thời gian qua đã xẩy ra không ít vụ xâm hại tình dục trẻ em ngay tại nơi này. Gần đây nhất có thể kể đến vụ em bé lớp 1 bị xâm hại ngay tại một trường học tại quận Thủ Đức, TP. HCM làm xô xao dư luận.

Khi vụ việc này chưa được phân xử thì một vụ xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng khác lại xẩy ra. Đó là hàng loạt phụ huynh tố cáo bảo vệ trường tiểu học Đồng Hóa (xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, Hà Nam) là ông D.V.H đã có hành vi dâm ô với nhiều học sinh là con em họ.

Theo thông tin phản ánh, các học sinh này bị ông H. ôm hôn, sờ mó trong lúc đến trường. Đáng chú ý, những gia đình làm đơn tố cáo cho biết sau khi có hành vi dâm ô với các nạn nhân, ông H. đã đến xin lỗi đồng thời gửi tiền để xin bỏ qua sự việc nhưng không được chấp nhận.

Trước sự việc nghiêm trọng, lãnh đạo trường Tiểu học Đồng Hóa đã tạm thời cho ông H. nghỉ việc. Hiện vụ án đã được cơ quan CSĐT Công an huyện Kim Bảng ra quyết định khởi tố điều tra vào ngày 29/3 vừa qua.

Đã từng có hàng loạt trẻ em bị chính bảo vệ trường học xâm hại tình dục. Ảnh minh họa

Vì sao trường học nơi được coi là an toàn đối với trẻ lại xẩy ra những sự việc đau lòng như vậy?

Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do các trường học của ta hiện nay dường như chưa có trường nào có những quyết sách về vấn đề này.

Thạc sĩ tâm lý Đoàn Thị Hương, Trung tâm tư vấn, trị liệu tâm lý Share cho biết, chị đã từng làm việc với rất nhiều các tổ chức nước ngoài hay tổ chức phi chính phủ thì thấy họ có một nguyên tắc bất di bất dịch rằng, khi ký hợp đồng làm việc với bất cứ ai, họ đều có yêu cầu người lao động ký một cam kết là phải đảm bảo an toàn cho trẻ. Kể cả khi làm việc nhiều năm với nhau thì mỗi năm cam kết này lại được ký lại một lần như một sự nhắc lại. Đó là nguyên tắc không bao giờ thay đổi khi họ hoạt động trong lĩnh vực trẻ em.

Nhà trường cũng là một tổ chức không chỉ giáo dục trẻ em mà còn là nơi bảo vệ trẻ duy nhất khi các em rời bước chân ra khỏi gia đình. Nếu như các trường học cũng có những yêu cầu hay những cam kết bảo vệ trẻ, cam kết không được làm tổn thương hay xâm hại trẻ với các nhân viên giống các cơ quan hoạt động trong công tác trẻ em của nước ngoài tại Việt Nam nói trên thì chắc chắn sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng xâm hại tình dục trẻ em như đã xẩy ra trong thời gian qua.

Ví dụ một ông bảo vệ khi ký hợp đồng làm việc với nhà trường, nếu nhà trường yêu cầu bảo vệ phải ký cam kết không được bạo lực, xâm hại trẻ thì chắc chắn điều đó sẽ có tác dụng ngăn chặn hành vi của họ. Hay đối với bất cứ thầy cô, cán bộ nhân viên nào làm việc trong trường, khi họ ký cam kết với nhà trường có nghĩa rằng họ đưa ra quyết tâm để thực hiện điều đó.

Tuy nhiên cho đến nay tại Việt Nam, những cam kết bảo vệ tuyệt đối cho đứa trẻ ở những tổ chức đơn vị có hoạt động liên quan đến trẻ em, ví dụ trường học là hoàn toàn chưa có. Trước tình trạng con số trẻ em bị xâm hại tình dục càng gia tăng như hiện nay, lỗ hổng này thiết nghĩ cần được hệ thống các trường học nghiên cứu để áp dụng cho công tác giáo dục và bảo vệ học sinh.

Đề cập đến giải pháp từ phía nhà trường, thạc sĩ Hương cũng đưa ra một ý kiến khá thú vị rằng, nhà trường nên treo những tấm biển hoặc những poster dễ thương với những nội dung như: bảo vệ bản thân, đối xử tôn trọng tử tế với nhau, không được phép làm điều này điều kia…Những tấm biển nhỏ nhắn dễ thương đó như một thông điệp nhắc nhở tất cả thầy cô, các cán bộ nhân viên, kể cả khách đến viếng thăm trường, phụ huynh học sinh và kể cả tội phạm.

Ngân Khánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/lo-hong-chet-nguoi-trong-cac-vu-xam-hai-tinh-duc-tre-em-ky-cuoi-nha-truong-nen-co-cam-ket-bao-ve-tre-20170330174712953.htm