Lộ diện những 'cảnh báo đỏ' trên con đường phục hồi kinh tế của Trung Quốc

Nguy cơ giảm phát và chi tiêu tiêu dùng yếu ớt là những cảnh báo đỏ mới nhất đối với Trung Quốc khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới quyết định dỡ bỏ những hạn chế để phòng dịch và mở cửa trở lại với thế giới.

Niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc dường như vẫn còn mong manh do những "vết sẹo" từ đại dịch Covid-19 và thị trường lao động kém sôi động. (Nguồn: Bloomberg)

Chưa hiệu quả và ít kịch tính

Việc Trung Quốc quyết định mở cửa trở lại liệu có đáp ứng được kỳ vọng của nền kinh tế toàn cầu? Đầu năm nay, tờ The Economist đã đánh giá quyết định này của Bắc Kinh là “sự kiện kinh tế lớn nhất năm 2023”.

Vào thời điểm đó, nhiều chiến lược gia đầu tư và nhà bình luận thị trường cũng có quan điểm tương tự. Nhiều người dự đoán, việc kết thúc đột ngột ba năm đóng cửa, sau một thời gian ban đầu lấy lại thăng bằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ. Và đây sẽ là đối trọng cần thiết, bù đắp cho sự suy thoái của nền kinh tế thế giới gây ra bởi những chính sách thắt chặt tiền tệ tại Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, dù đã hết quý I/2023, tác động từ việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa trở lại - ngay cả trong và ngoài nước, lại chưa thực sự hiệu quả và ít kịch tính hơn dự kiến.

Việc dỡ bỏ đột ngột các lệnh phong tỏa đã làm mất khả năng di chuyển của thị trường. Điều này một phần do thị trường cũng đang bị tác động bởi nhiều thách thức đến từ bên ngoài, đặc biệt là cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu.

Đáng chú ý, các lượt tìm kiếm “Trung Quốc mở cửa trở lại” trên Google Trends, từng gia tăng đột biến vào tháng 12 năm ngoái, đã gần như biến mất trong vài tuần qua. Ngoài ra, hoạt động của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm nay cũng khá mờ nhạt. Chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến chỉ tăng 4,8%, so với mức 7% của chỉ số S&P 500 chuẩn, bất chấp tác động tiêu cực từ sự cố ba ngân hàng trung bình của Mỹ sụp đổ.

Thị trường hàng hóa cũng đang đứng trước những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, lấn át hy vọng rằng việc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy nhu cầu của nhà nhập khẩu nguyên liệu thô lớn nhất thế giới. Ngay cả chỉ số kim loại công nghiệp cũng giảm 5,3% trong năm nay.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính khiến tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại chưa thực sự tạo ra bước ngoặt là do sự phục hồi của hoạt động kinh tế diễn ra không đồng đều và yếu ớt ở một số khu vực nhất định.

Trong một báo cáo được công bố vào hôm 11/4, các chuyên gia của Ngân hàng Nomura lưu ý: “Trong khi khu vực dịch vụ đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, thì sự phục hồi của thị trường bất động sản dường như chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và xuất khẩu tiếp tục suy giảm”.

Mặc dù có một số lo ngại về tốc độ tăng trưởng - đặc biệt là sức đẩy từ việc dỡ bỏ các hạn chế, quá trình mở cửa trở lại của Trung Quốc cũng khác biệt với nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nguy cơ “hạ cánh cứng” trong năm nay, như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo hôm 11/4.

Những trở ngại ngắn và dài hạn

Chỉ số sản xuất giảm và giá tiêu dùng đang tăng chậm lại là những cảnh báo đỏ mới nhất đối với Trung Quốc khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới quyết định dỡ bỏ những hạn chế để phòng dịch và mở cửa trở lại với thế giới.

So với các quốc gia châu Âu đang phải vật lộn đối phó với tình trạng lạm phát cao và sự hỗn loạn của thị trường tài chính, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khá thấp là một lợi thế đối với các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, sự phục hồi không đồng đều giữa các lĩnh vực đòi hỏi cần có các chính sách mạnh mẽ và có mục tiêu hơn để giải quyết hai vấn đề nhức nhối - thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư nhằm đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng.

Nguy cơ giảm phát đã được cảnh báo trong một bài phát biểu gần đây của ông Liu Yuhui, thành viên cấp cao của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, người đã cảnh báo rằng quy tắc “sáu túi tiền” - một phép ẩn dụ chỉ tổng thu nhập của một gia đình Trung Quốc làm công ăn lương điển hình - đã bị giảm đáng kể.

Các thông số kinh tế tương phản như chi tiêu của người tiêu dùng yếu và chỉ số CPI chỉ tăng 0,7% trong tháng trước trong khi tín dụng ngân hàng cao kỷ lục và tăng trưởng cung tiền hơn 10% kể từ tháng 4 năm ngoái - là những chủ đề nóng được các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế bàn thảo những tháng vừa qua.

Nhiều nhà phân tích và cố vấn chính sách đã cảnh báo rằng nhu cầu không đủ có thể làm suy yếu sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong những tháng và năm tới.

Dự báo trung bình về tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý đầu tiên của Trung Quốc được đưa ra bởi 16 tổ chức nghiên cứu trong nước là 4,1% - tăng từ mức tăng trưởng 2,9% trong quý IV/2022 và 3% vào năm ngoái.

Theo ông Lu Ting, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Nomura, hai trong số các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế truyền thống của Trung Quốc - xuất khẩu và tiêu dùng - đang được cho là đã mất đà, trong khi đầu tư, vốn đóng góp tới 1/3 tăng trưởng kinh tế vào năm ngoái, lại bị hạn chế do các khoản nợ cao.

Niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc dường như vẫn còn mong manh do những vết sẹo từ đại dịch Covid-19 và thị trường lao động kém sôi động. Tiền gửi tiết kiệm hộ gia đình tiếp tục gia tăng, cho thấy người tiêu dùng không muốn chi tiêu cho mua sắm. Việc thiếu vắng các chính sách hỗ trợ cho chi tiêu tiêu dùng cũng làm tăng thêm những nghi ngờ về sức mạnh và tính bền vững của quá trình phục hồi.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế nhận định nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với những trở ngại dài hạn như thách thức về nhân khẩu học, những nỗ lực phát triển nền kinh tế kỹ thuật số và tác động từ các biện pháp hạn chế thương mại của Mỹ.

(theo SCMP)

Hồng Châu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lo-dien-nhung-canh-bao-do-tren-con-duong-phuc-hoi-kinh-te-cua-trung-quoc-223678.html