Lo cho cây lúa trên đồng

Dịch hại, sâu bệnh trên lúa gần như trở thành quy luật tất yếu, thách thức lớn đối với người nông dân suốt cả vụ mùa.

Cày lật đất trước khi gieo cấy

Nhiều nông dân cho rằng, có lẽ mầm bệnh tiềm ẩn trong môi trường, nguồn giống nên cứ bắt đầu xuống giống, gieo mạ là sâu bệnh hoành hành. Dịch hại, sâu rầy trên lúa gần như là điều tất yếu nên ngành nông nghiệp bao giờ cũng khuyến cáo nông dân ứng phó ngay từ đầu vụ, khi cây lúa còn non. Đó chưa kể nạn ốc bươu vàng, chuột hoành hành gây hại lúa.

Không phải đợi đến khuyến cáo của ngành nông nghiệp, người nông dân luôn chủ động, xem việc ứng phó với nạn sâu rầy, dịch hại là việc làm tất yếu, thường xuyên với nghề nông.

Trước khi gieo mạ, sạ giống, gieo cấy, nông dân đều cày lật đất, bón vôi và xử lý thuốc bảo vệ thực vật nhưng sâu bệnh vẫn cứ xảy ra. Vậy nên, lúa bị sâu rầy, dịch hại gần như là một quy luật mà nông dân phải “sống chung” và buộc phải triển khai các biện pháp ứng phó một cách bài bản, theo quy định của ngành bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, người nông dân đã chấp hành đúng với quy định về xử lý sâu bệnh, dịch hại của cơ quan chức năng hay chưa là điều đáng quan tâm.

Ông Đặng Trung ở xã Quảng An (Quảng Điền) cho rằng, lâu nay chuyện sản xuất lúa theo kiểu “mạnh ai nấy làm” là điều ông nan giải. Cùng trên một xứ đồng, nhưng người này sản xuất giống này, người gieo loại giống khác; rồi người gieo cấy trước, người gieo cấy sau, thậm chí nhiều người còn gieo cấy quá muộn, hoặc sớm hơn so với khung lịch thời vụ quy định chung của ngành nông nghiệp.

Khi lúa xảy ra dịch hại, sâu bệnh cũng trên cùng một xứ đồng, nhưng mỗi người lại phun thuốc vào mỗi thời điểm khác nhau và nhiều lúc không đồng nhất một loại thuốc, liều lượng... Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sâu bệnh khó có thể xử lý triệt để, thậm chí là nguyên nhân tái phát, lây lan trên diện rộng.

Một thực tế dễ nhận thấy rõ là, theo đánh giá của ngành nông nghiệp thì sản xuất theo cánh đồng lớn bao giờ cũng đạt năng suất và chất lượng sản phẩm cao hơn sản xuất truyền thống. Quy trình sản xuất theo cánh đồng lớn hàng chục ha được gieo cấy cùng một loại giống, gieo cấy cùng thời điểm, xử lý sâu bệnh cùng lúc… nên hạn chế tối đa sâu bệnh gây hại. Vì thế, năng suất lúa cánh đồng lớn thường cao hơn trồng truyền thống từ 2-3 tạ/ha. Chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn nên dễ tiêu thụ, bán được giá.

Vài năm gần đây, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương có nhiều biện pháp tổ chức sản xuất lúa theo cánh đồng lớn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm, do người dân còn thiếu nhận thức, thiếu sự hợp tác, liên kết trong sản xuất. Đến nay (vụ đông xuân 2023-2024), diện tích cánh đồng lớn chưa nhiều, khoảng 5-7.000ha so với tổng diện tích toàn tỉnh hơn 28 ngàn ha.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Hồ Đính cho rằng, khi chưa có biện pháp nào phòng ngừa hiệu quả, triệt để thì việc ứng phó với sâu bệnh, dịch hại là điều bắt buộc phải làm thường xuyên. Tất nhiên, tình trạng sâu bệnh trên lúa lâu nay không chỉ xảy ra trên đồng ruộng của nông dân tỉnh nhà mà cả nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Ngay từ đầu vụ đông xuân 2023 - 2024, tại một số địa phương như Phú Vang, Quảng Điền, TP. Huế xuất hiện tình trạng chuột cắn phá lúa, ước tính diện tích bị nhiễm trên 50ha, tỷ lệ trung bình 3-5%, nơi cao 10-20%. Cũng tại các địa phương này có hơn 100ha bị ốc bươu vàng gây hại với mật độ 1-3 con/m2, nơi cao 3-5 con/m2; một số loại sâu bệnh cũng bắt đầu xuất hiện như dòi đục nõn gây hại với diện tích hơn 20ha, tỷ lệ 5-10%, nơi cao 10-20%.

Theo ông Hồ Đính, biện pháp trước mắt, các địa phương đẩy nhanh tiến độ làm đất, tiếp tục tu bổ đê bao, nạo vét kênh mương, phương tiện máy móc chống úng để gieo cấy lúa đảm bảo khung lịch thời vụ. Ngành nông nghiệp cùng với các địa phương hướng dẫn nông dân chăm sóc, bón phân lót đầy đủ như lân, kali... trước khi gieo cấy nhằm tăng khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi, sâu bệnh. Đồng thời, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc trừ cỏ an toàn, hiệu quả, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ khi nhiệt độ ngoài trời dưới 180C.

Ngay sau khi xuống giống, nông dân theo dõi diễn biến thời tiết và các đối tượng sinh vật gây hại trên mạ, cây lúa non để có biện pháp chăm sóc, chống rét, quản lý và phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại kịp thời, hiệu quả. Người dân cần tổ chức diệt chuột, ốc bươu vàng nhằm hạn chế tích lũy mật độ cao trên đồng ruộng trước khi xuống vụ.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/lo-cho-cay-lua-tren-dong-137259.html