Linh vật ít người biết trong văn hóa Ai Cập cổ đại

Trong quan niệm của người Ai Cập cổ đại, có rất nhiều loài vật được thần thánh hóa. Khi một loài nào đó được xem là linh vật, con người sẽ không dám ăn thịt chúng.

Trong văn hóa của người Ai Cập cổ đại, có rất nhiều loài vật thiêng. Ảnh:Explore Luxor.

Ai Cập cổ đại, cá chình được xem như loài ác quỷ hùng mạnh, sánh ngang với các vị thần và là món ăn cấm kị. Một sinh vật di chuyển dễ dàng bên dưới mặt nước lấp lánh của dòng sông Nile thần thánh, trườn qua lớp trầm tích của chính sự trường tồn. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy xác ướp cá chình trong những cỗ quan tài tí hon được đặt nằm yên giấc ngàn thu bên cạnh những pho tượng thần nhỏ làm bằng đồng thiếc.

Quả thực, ở Ai Cập cổ đại, có nhiều loài vật được thánh hóa. Thần Mặt Trời Ra thường được khắc họa với cái đầu chim ưng. Thần âm phủ Anubis có cái đầu của một con chó rừng. Thoth, thần trí tuệ, được gắn cho cái đầu của một con cò quăm. Nữ thần tình yêu Bastet có cơ thể phụ nữ và cái đầu của một con mèo.

Tất nhiên, mỗi loài vật đại diện cho một tính cách khác nhau, nhưng tự thân sự mập mờ trong lằn ranh giữa con người và động vật cũng là một dấu hiệu của tính thần thánh. Thần Atum - ngài ngự ở Heliopolis, là cha của tất cả các vị thần và của các pharaoh - là vị thần gắn liền với loài cá chình.

Trong một hình vẽ, Atum có đầu người với chòm râu nhọn hoắt, đội một chiếc vương miện biểu thị địa vị thần thánh của mình, và đằng sau cái mang đang xòe rộng đầy đe dọa của một con rắn hổ mang, cơ thể ông chính là thân hình dài và mảnh của một con cá chình, với đầy đủ những chiếc vây như thật. Cái đầu người và thân mình cá chình kết hợp với nhau để tượng trưng cho một dạng nhất thể, sự hợp nhất các thế lực âm và dương.

Ở La Mã cổ đại, quan niệm về loài cá chình cũng bị chia rẽ. Một số người từ chối ăn cá chình, giống người Ai Cập, nhưng không phải vì nó mang tính thần thánh mà vì họ coi là dơ bẩn và gớm ghiếc. Có lẽ vì loài cá chình từng thường được tìm thấy gần các cửa cống thoát nước. Có lẽ vì da cá chình phơi khô từng được dùng làm một loại dây da để đánh những đứa trẻ không vâng lời.

Cuốn sách Phúc âm của loài cá chình của Patrick Svensson. Ảnh: H.H.

Nhiều người La Mã có vẻ ưa thích cá lạc (Conger conger) hay còn gọi là cá chình moray, một loài có họ hàng với cá chình, nhưng dù là loài nào, cá chình vẫn thường bị gắn với những thứ đen tối và ma quỷ.

Cả Pliny Già và Seneca Trẻ đều mô tả lại việc viên chỉ huy quân đoàn La Mã Vedius Pollio, người bạn của Hoàng đế Augustus, có thói quen trừng phạt nô lệ bằng cách ném họ vào bể chứa đầy cá chình. Nhưng con cá khát máu này sẽ ăn thịt họ đến no căng; sau đó, chúng được dọn lên để phục vụ những vị khách của Vedius Pollio như một món ăn đặc biệt, béo ngậy và xa hoa.

Là một loài cá, nhưng đồng thời còn là một thứ khác nữa. Một con cá trông tựa như rắn, như giun, hay một quái vật biển ngoằn ngoèo. Loài cá chình luôn đặc biệt. Nhất là trong truyền thống Cơ Đốc giáo, nơi mà ngay từ thuở ban đầu cá đã là một trong những biểu tượng trung tâm, thì loài cá chình vẫn được coi như một thứ riêng biệt.

Người ta nói rằng, trong thế kỷ đầu tiên sau khi Chúa giáng sinh, những người Cơ Đốc đầu tiên đã dùng cá như một dấu hiệu bí mật. Vì bị bức hại nhiều nơi nên họ cần duy trì cảnh giác ở một mức độ nhất định. Do đó, khi hai tín đồ gặp nhau, một người sẽ vẽ một đường vòng cung trên mặt đất.

Nếu đối phương cũng vẽ một đường tương tự ngược chiều, hai đường sẽ hợp lại thành hình con cá cách điệu và họ biết mình có thể tin nhau. Ta có thể thấy biểu tượng này trong hầm mộ của Thánh Callixtus và Thánh Priscilla ở Rome, hai hầm mộ có từ tận thế kỷ đầu tiên của Công Nguyên.

Cá có ý nghĩa vì một số lý do. Rất lâu trước khi Chúa giáng sinh, cá đã là biểu tượng may mắn trong nền văn hóa Địa Trung Hải. Với sự xuất hiện của Jesus, cá còn trở thành biểu tượng của sự hồi sinh và thú tội.

“Hãy theo ta, và ta sẽ làm cho ngươi trở thành kẻ đánh lưới trong loài người”, Jesus nói như thế với các tông đồ đầu tiên của mình, Simon và Andrew, trong sách Phúc Âm. Những người mới được cứu rỗi được gọi là “cá con”; và cũng trong sách Phúc Âm, Jesus đã so sánh việc đi vào thiên đàng tựa như việc đánh cá: “Thiên đàng giống như tấm lưới được thả xuống hồ để bắt mọi loại cá.

Khi lưới đầy, người đánh cá sẽ kéo lên bờ. Rồi họ sẽ ngồi xuống, lựa cá ngon cho vào giỏ và bỏ cá dở đi. Đó là điều sẽ xảy ra vào ngày tận thế. Các thiên thần sẽ đến và tách những kẻ xấu xa ra khỏi những người thiện lương”.

Cá cũng đóng vai trò nổi tiếng trong các câu chuyện về phép màu của Jesus, bao gồm cả câu chuyện về bánh mì và cá, trong đó ngài đã cho năm ngàn người ăn no chỉ bằng hai con cá và năm ổ bánh mì. Hoặc khi Jesus, sau khi phục sinh, đã hiện thân với các tông đồ bên hồ Tiberias và cho họ cá để thuyết phục rằng đó chính là ngài.

Trong tiếng Hy Lạp, từ ichthys có nghĩa là cá. Bấy nay, từ này cũng được hiểu như chữ viết tắt của câu Iesous Christos Theou Yios Soter, nghĩa là “Jesus Christ, Con của Chúa, Đấng Cứu thế”.

Nhưng tất cả những chuyện này liên quan tới cá chứ không phải cá chình, và nhiều điều đã chỉ ra rằng những người Cơ Đốc đầu tiên có sự phân biệt giữa cá chình và cá nói chung. Mọi điều tốt đẹp mà cá đại diện trong truyền thống Cơ Đốc giáo đều dành cho những loài cá khác cá chình.

Cá chình không phải cá; nó là thứ khác. Kể cả nếu cá chình có từng được xem là một loài cá, thì nó cũng không phải loài cá như bao loài cá khác. Nó không có những đặc điểm thường gặp của một con cá. Nó không có hình dạng hoặc hành vi giống những con cá bình thường.

Patrick Svensson/ Huy Hoàng Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/linh-vat-it-nguoi-biet-trong-van-hoa-ai-cap-co-dai-post1449898.html