Lính Ukraine nêu lý do xe tăng Challenger 2 không hiệu quả trên chiến trường

Challenger 2 từng được Anh phác họa là mẫu xe tăng 'bất khả chiến bại', nhưng sau một thời gian hoạt động trên chiến trường Ukraine, nó đã nhanh chóng bộc lộ điểm yếu.

Challenger 2 của Anh là xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên mà các nước phương Tây cung cấp cho Ukraine, mở đường cho việc chuyển xe tăng Leopard 2 và Abrams tới Kiev.

Tuy nhiên, với số lượng hiện tại chỉ 14 chiếc và kể cả khả năng tăng gấp đôi con số này trong tương lai, xe tăng Challenger vẫn không phải là vũ khí hiệu quả trên chiến trường Ukraine, càng không phải là “vũ khí thay đổi cuộc chơi”.

Xe tăng Challenger 2 phục vụ trong quân đội Ukraine, tháng 3/2024. Ảnh: Vlad Voloshyn

Mỗi loại vũ khí đều có điểm mạnh và điểm yếu, xe tăng Anh cũng không ngoại lệ. Lính tăng Ukraine mới đây đã chia sẻ với báo The Sun về thực tế sử dụng Challenger 2 trong chiến đấu.

Đặc điểm nổi bật của Challenger 2 là pháo L30A 120mm, trong khi các mẫu xe tăng khác do phương Tây hay Liên Xô sản xuất đều là pháo nòng trơn. Lính tăng Ukraine nhiều lần ca ngợi khẩu pháo này về độ chính xác và thường gọi nó là “pháo bắn tỉa”. Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng, độ chính xác và tầm bắn không chỉ phụ thuộc vào bản thân khẩu pháo mà còn phụ thuộc vào hiệu quả của hệ thống điều khiển hỏa lực.

Khoảng cách giao chiến tối ưu của Chellenger 2 là khoảng 4,5km. Các đội xe tăng Ukraine cũng thường xuyên hoạt động trong phạm vi này. Dù vậy, khoảng cách đó vẫn chưa xa bằng cú bắn kỷ lục của Challenger 2 ở cự ly 4,7km trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc. Trong khi đó, đối với xe tăng Liên Xô và các phiên bản hiện đại hóa của chúng, tầm bắn mục tiêu ở khoảng cách trên 3km chỉ là về mặt lý thuyết.

Theo lính tăng Ukraine, lợi thế của Challenger 2 chỉ dừng lại ở đó. Mặc dù Challenger 2 cung cấp các tiêu chuẩn điển hình của xe quân sự phương Tây, chẳng hạn như không gian bên trong và lớp giáp bảo vệ, nhưng khả năng hoạt động của nó không phải lúc nào nó cũng phù hợp với thực tế của một chiến trường cụ thể.

Chẳng hạn, lớp giáp bảo vệ khiến cho Challenger 2 có trọng lượng lên tới 64 tấn, ngang bằng với phiên bản mới nhất của Leopard 2 và M1A2 Abrams. Nhưng xe tăng Đức và xe tăng Mỹ có động cơ 1.500 mã lực còn Challenger 2 chỉ được trang bị động cơ 1.200 mã lực.

Mặc dù khả năng bảo vệ được tăng cường là điều cần thiết trong các cuộc chiến xe tăng, nhưng kíp lái Challenger 2 ở Ukraine vẫn chưa thực sự tham gia một cuộc đối đầu nào như vậy, vì “địa hình không cho phép điều đó”. Thay vào đó, vai trò của Challenger 2 chỉ giới hạn ở các nhiệm vụ như nã pháo vào hỏa điểm của bộ binh Nga, tấn công boongke và xe bọc thép hạng nhẹ của đối phương.

Dù được sử dụng chủ yếu cho những mục đích nêu trên, nhưng xe tăng Anh vẫn thiếu loại đạn riêng để tấn công bộ binh. Thực tế, điều này không có gì lạ vì xe tăng phương Tây nói chung được tạo ra như một công cụ chống tăng di động trước hết chứ không phải là một phương tiện tấn công đa năng. Vai trò như vậy về mặt khái niệm chỉ là thứ yếu đối với Challenger 2 ngay từ đầu hoặc thậm chí không được xem xét đến. Nhưng chính điều này lại đang gây ra vấn đề cho Ukraine.

The Sun cũng đề cập đến số lượng Challenger 2 có thể hoạt động là 7 trên 14 chiếc. Bị phá hủy trong chiến đấu không phải là nguyên nhân chính. Chỉ có một chiếc Challenger 2 bị máy bay không người lái Lancet làm hư hại nghiêm trọng. Kíp chiến đấu vẫn sống sót sau cuộc tấn công này nhưng xe tăng bị cháy rụi, sau đó nó được thu hồi và gửi đi sửa chữa. Hai chiếc xe tăng khác ít bị hư hại hơn và cũng đang được gửi được sửa chữa; một chiếc khác được sử dụng để đào tạo nhân sự mới.

Lý do tại sao chỉ có 50% phương tiện sẵn sàng chiến đấu là vì thợ sửa chữa không có đủ thời gian để khắc phục những trục trặc thông thường. Việc giao phụ tùng thay thế đôi khi phải mất hàng tháng. Vấn đề nghiêm trọng hơn cả là Ukraine thiếu thợ cơ khí có trình độ tại hiện trường.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Defense Express

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/linh-ukraine-neu-ly-do-xe-tang-challenger-2-khong-hieu-qua-tren-chien-truong-post1082316.vov