Lính mộ ở Tam Kỳ

Một văn bản chữ Nho, một bài hát ru và một bài vè tìm thấy ở ấp Hương Trà, xã Tam Kỳ xưa có nội dung liên quan đến những thanh niên Tam Kỳ bị buộc đi lính mộ cho thực dân Pháp trong hai cuộc chiến tranh thế giới 1914 - 1918 và 1939 - 1945 đã cho thấy nhiều chi tiết của hoàn cảnh lính mộ Đông Dương hồi ấy.

Lính mộ người Việt đến Pháp trong thế chiến thứ nhất. Ảnh: Internet

Bản danh sách lính mộ ở Tam Kỳ

Văn bản này được hào lý xã Tam Kỳ, tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam là các ông Trần Toản (lý trưởng), Nguyễn Chiếu, Trần Thế Tế (hào mục), Trịnh Chương (phó lý trưởng) đồng ký vào ngày 3 tháng 3 năm Khải Định thứ ba (1919). Nội dung chính trong đó là báo cáo cho cấp trên về số trai tráng trong xã tham gia lính mộ tính đến thời điểm đầu năm 1919. Văn bản đó gọi việc trúng tuyển vào lính mộ và đưa sang Pháp là “ứng mộ trúng tuyển như Tây” tạm dịch là: “tham gia ứng tuyển vào lính mộ, được trúng tuyển và đưa sang Pháp”.

Bản danh sách gồm 29 gia đình có con tham gia lính mộ được nêu danh tính cụ thể, trong đó có bốn chủ gia là Nguyễn Tiền, Nguyễn Quát, Trần Trân, Trần Thập đã từng giữ nhiệm vụ lý trưởng, hào mục của xã Tam Kỳ thời gian trước đó. Cũng trong văn bản này, tên các mộ binh được ghi kèm với tên các địa phương ở chính quốc hoặc các xứ thuộc địa cùng với tên các đơn vị mà họ đã đến làm lính. Cơ sở để lập bản danh sách được nêu rõ ở đầu văn bản là: “Căn cứ vào các gia đình có con trong xã tham gia ứng mộ đi Tây và tham khảo các thư từ của lính mộ gửi về nhà cho biết họ đang đóng quân ở nơi nào - tính đến năm Kỷ Mùi” (Nguyên văn: Sát chi xã nội chư ứng mộ gia hữu kỷ tử ứng mộ tịnh chiếu chư mộ binh ký thư hồi tự trú thuộc tại đồn sở - cập Kỷ Vị như Tây).

Trang đầu văn bản lính mộ Tam Kỳ ngày 3.3.1919. ảnh: Phú Bình

Trong văn bản, tên các địa phương ở Pháp và thuộc địa của Pháp được viết bằng âm Hán-Việt. Một số địa danh có thể biết ngay như Ba Ly thành (thành phố Paris), Mạc Sai tỉnh (tỉnh Marseille). Số khác như Di Bôn thành, Hoa Chi tỉnh, An Ly quốc, An Ly thành, An Từ xứ, A Triệp quốc, An Câu Phiến tỉnh, Da Đô thành, Mật Di thành, Di Bôn thành… do chưa rõ được cách phiên âm địa danh tiếng Pháp của chính quyền Nam triều thời Pháp thuộc nên người viết chưa thể tra cứu được. Các phiên hiệu, đơn vị đồn trú có ghi trong văn bản kể ra như sau: Ô-Tô-Mã binh, Bột-Xuy-Oa đồn, Y-Cơ sở, Gia-Ra đồn, Bút-Tha-Di đồn, Tế-Ty-Đô thuyền sưu, Điện Liên sở, Bi-Lương đồn, La Tích-Căn-Cuộc đồn, Ô-Tô Mã-binh: đồn 396.

Ngoài ra còn có mộ binh tên Trần Kết, con bà Trần Thị Xung được ghi “ứng mộ trúng tuyển tòng chinh dĩ như Tây số hiệu Lục bách ngũ thập nhị hiệu” (trúng tuyển mộ binh đi lính sang Pháp mang số hiệu 652) mà không ghi đơn vị có số hiệu ấy. Có lẽ trong thư gửi về, anh này không ghi tên đơn vị và nơi đóng quân. Cũng theo nội dung văn bản trên, các lính mộ Tam Kỳ được phân ra nhiều nơi, làm các công việc khác nhau, trong đó có người được ghi rõ là trúng tuyển lính thợ (ứng mộ trúng tuyển công nghệ), có người không ghi là lính thợ, hẳn là làm các loại lính khác?

Bài hát ru có liên quan đến lính mộ Tam Kỳ

Một bài hát ru em phổ biến ở hai ấp Phú Bình và Hương Trà nằm hai bên bờ sông Tam Kỳ, đoạn gần ngã ba sông có nguyên văn như sau:

“Kể từ ngày mùng bốn tháng Giêng/ Chàng ra đi mộ liền liền ra Kinh/ Ở nhà thương nhớ phiền tình/ Các chị em đồng rủ ra Kinh thăm chàng/ Bồng con châu lụy chứa chan/ Xuống biển Tam Ấp mướn đò hàng mà ra/ Mờ mờ sáng ở tại trên ga/ Già già nửa buổi xe ra kinh kỳ/ Nhìn chàng nước mắt lâm ly/ Thương chàng mới phải ra đi thăm chàng/ Liếc xem phong cảnh thậm sang/ Xe qua ngựa lại rần đàng biết bao/ Vui chăng, vui gượng thế nào?/ Buồn trong gan xót ruột bào buồn riêng/ Dạo chơi đường phố lương duyên/ Đông Ba, Gia Hội, Trường Tiền giải khuây/ Anh còn ở lại chốn này/ Chừng mô anh hỡi sang Tây em về/ Bước qua 16 Ruy-dê (Juillet - tháng 7 -NV)/ Bảy giờ kèn thổi súp-lê trên đồn/ Vợ chồng phân rẽ tấc son/ Hai bên kèn trống rập đàng xót xa/ Đưa chàng vô tới trên ga/ Chàng đi toa trước thiếp mà theo sau/ Vô Hàn thấy những chiếc tàu/ Các chị em ai nấy lòng đau đớn lòng…”.

Căn cứ vào mô tả của bài hát trên, có thể thấy hành trình của các người vợ lính được tuyển mộ từ Tam Kỳ ra Huế thăm trước khi chồng khi sang Pháp như sau: Họ xuống biển Tam Ấp (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ hiện nay), theo đò hàng ra Đà Nẵng, rồi ra Huế bằng xe lửa. Họ thăm chồng đang tập trung ở đồn (Mang Cá?). Được mấy ngày, toàn thể lính mộ đợt ấy được kèn trống đưa tiễn, cho lên các toa xe lửa vào Đà Nẵng. Các thân nhân lính mộ đưa tiễn cũng lên các toa kế sau. Qua bài hát đó, cũng biết được ngày mùng Bốn tháng Giêng, người lính mộ Tam Kỳ được đưa ra Huế và đến ngày 16 tháng 7 - sau lễ Quốc khánh Pháp hai ngày, họ được đưa vào cửa Hàn - Đà Nẵng và lên tàu ngay sau đó.

Giai thoại lính mộ qua một bài vè

Giai thoại vùng ven sông Tam Kỳ kể chuyện một cặp vợ chồng vừa mới cưới. Anh chồng trúng tuyển mộ binh và đi ngay sang Tây. Chị vợ chưa có con, ở nhà cặp bồ lăng nhăng. Tiền lương hàng tháng chồng gửi về, chị vợ trẻ dấm dúi chia cho nhân tình. Có người làng giỏi đặt vè, mượn câu chuyện này, kiến tại ra một câu chuyện ngoại tình na ná - nhưng không thực, thành vè, như sau:

“Kể từ ngày anh ký mộ sang Tây/ Dặn em ở nhà “cùng ngôn tận lý, chí sĩ lòng son” (dặn hết lời phải gắng giữ chung thủy, gắng đợi chồng về - NV)/ Ở chung quanh hàng xóm cho tròn/ Ba năm gìn giữ lòng son đợi chồng/ Bạc mỗi tháng anh lãnh đặng ba đồng/ Ruộng công điền để lại năm ba công em cày/ Bạc măng-đa anh gửi (gửi tiền qua đường bưu điện - NV) liền tay/ Khi năm ba chục đưa ngay cho nàng/ Bây giờ việc nhà nước đã an/ Bữa tháng Giêng anh có xin phép về làng thăm chơi/ Nay đà về đã tới nơi/ Nghe anh em họ nói nhiều lời xót xa/ Em đi đâu bỏ cửa bỏ nhà/ Bỏ heo chiu chít vậy mà theo trai/ Năm ngoái em đã có thai/ Mua thuốc em uống thiên hạ xóm ngoài đều hay/ Năm ngoái cho chí năm nay/ Ban đêm ngủ đỗ ban ngày ngủ lang/ Phải chi anh bỏ xứ anh đi hoang/ Ở nhà làm vậy cũng an chút tình/ Anh đi ra xuất trận hành binh/ Đầu tên mũi đạn/ Ở nhà em lấy bạc tháng em ăn/ Phải chi em sắm áo sắm khăn/ Bằng ngày (ban ngày - NV) buôn tần bán tảo tối lại băn khoăn nhớ chồng/ Em nỡ đi mô bỏ cái nhà không/ Sa trai đẵm gái em lấy bạc đồng em cho/ Động trong nhà em dẫn ra ngoài gò/ Động xóm dưới em lại mò xóm trên/ Tội em có giết cũng nên/ Có đâm cũng đáng/ Đừng có trách chồng đành đoạn không thương/ Tội em bất nghĩa bất lương/ Nọc ra mà đánh tan xương cũng đành”.

Qua bài vè này, có thể biết được ít nhiều hoàn cảnh cụ thể của lính mộ đánh thuê hồi ấy: Được hưởng lương và gia đình ở quê được cấp thêm ruộng công để canh tác. Theo lời kể của mấy vị cao niên ở ấp Hương Trà, bài vè - hư cấu này nói về một gia đình lính mộ ở địa phương trong giai đoạn thế chiến thứ hai 1939 - 1945.

PHÚ BÌNH

Nguồn Quảng Nam: http://baoquangnam.vn/van-hoa-van-nghe/van-hoa/201911/linh-mo-o-tam-ky-879862/