Lính kho lặng thầm tỏa sáng - Bài 1: Những người 'giữ lửa'

Khắc sâu lời dạy của Bác Hồ: 'Vũ khí là mồ hôi, nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội... vì vậy phải quý trọng nó, phải tiết kiệm ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý', trong hành trình tiến lên hiện đại hôm nay, ngành Kỹ thuật Quân đội đã vận động toàn lực lượng vượt nắng, thắng mưa, tận tụy, trách nhiệm hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong hành trình đó, phải kể đến đóng góp không nhỏ của những người lính kho quân khí với nhiệm vụ 'giữ lửa thời bình'.

Bài 1: Những người “giữ lửa”

Trước yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, hệ thống kho quân khí cấp chiến lược, chiến dịch, chiến thuật của Tổng cục Kỹ thuật đang được đầu tư xây dựng hiện đại; bảo đảm chủ động sửa chữa, phục hồi, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, khí tài, đạn dược thế hệ mới.

Dịp kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống Tổng cục Kỹ thuật, chúng tôi có bài viết về Trung tá Vũ Viết Hòa - Anh hùng Lao động thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở thôn Khe Ngay (xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái).

Qua câu chuyện ông kể, chúng tôi phần nào hiểu rõ hơn cốt cách của những người lính trưởng thành trong một công tác âm thầm, cực kỳ gian khổ. Miệt mài với công việc khắp núi rừng Việt Bắc, từ các kho: 150, 152, 370 đến 814, 820... đồng chí Vũ Viết Hòa đều đã từng gắn bó công tác.

Ông được đồng đội đặt cho danh hiệu “bàn tay vàng” bởi sự khéo léo, tỉ mỉ và cẩn trọng trong công việc. Anh hùng Vũ Viết Hòa kể: “Hồi ấy, hầu hết các kho quân khí đều nằm bí mật sâu trong các hang núi có khi cách nhau cả cây số đường rừng nên công tác bảo quản gặp rất nhiều khó khăn. Tôi nhớ mãi lần nhận nhiệm vụ tiêu hủy hàng nghìn tấn đạn chưa nổ sau Ngày Giải phóng Thủ đô. Sau những vất vả của quá trình thu gom, tiếp nhận, phân loại lại đến những nguy hiểm rình rập khi bước vào công đoạn hủy nổ. Bằng cách đào các hố sâu, những chiến sĩ quân khí thật khéo léo, nhẹ nhàng xếp đạn xuống sau đó chạy về chỗ nấp, đốt dây mồi để đạn nổ. Một lần, chúng tôi đào 4 hố đạn nhưng chỉ có 3 hố nổ. Đợi mãi không thấy hố thứ tư nổ, tôi quyết định rời chỗ ẩn nấp lên xem. Vừa đến mặt hố, tôi bỗng thấy một làn khói trắng phụt lên, vội chạy quay lại thì nghe phía sau tiếng nổ ầm trời rồi hàng nghìn mảnh thép bay vùn vụt trên đầu”.

Vũ Viết Hòa bị thương nhẹ và choáng do sức ép, nhưng ít phút sau khi cơn choáng qua đi, ông tiếp tục cùng anh em đi moi từng hố xem còn viên đạn nào chưa nổ. Hoàn thành nhiệm vụ hủy nổ đạn, ông lại trở về cần mẫn “chăm sóc” những hòm đạn được giao quản lý.

Một xưởng quân khí trong kháng chiến. Ảnh tư liệu

Một xưởng quân khí trong kháng chiến. Ảnh tư liệu

Cách đây khoảng hai năm, cũng trong một chuyến đi thực tế, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với Đại úy, cựu chiến binh Trương Văn Biềng, một trong những cán bộ lớp đầu tiên của Kho K822, Cục Quân khí. Ông vốn là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 10 công binh-kỹ thuật, từng chiến đấu tại Mặt trận Trị Thiên. Sau đó, do bị thương ông được về tuyến sau rồi về Kho K822 công tác. Trong ký ức của ông Biềng, cho đến đầu những năm 70 của thế kỷ trước hầu hết các kho quân khí của ta, trong đó có Kho K822 đều chưa có doanh trại cố định. Nếu có thì vẫn còn hoang sơ, thường là ở địa bàn rừng sâu, nước độc. Chủ yếu bộ đội ta tìm các hang núi, gia cố dùng làm nơi chứa súng, pháo...

Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một mặt phải bí mật, bảo đảm an toàn tuyệt đối kho và hàng, một mặt các kho phải thu nhận và đồng bộ vận chuyển kịp thời ra chiến trường. Để tránh bị địch phát hiện, bộ đội thường phải làm việc xuyên đêm, không kể ngày nghỉ giờ nghỉ. Thời tiết khắc nghiệt mưa bão, nguy hiểm, mọi người luôn sẵn sàng ở vị trí làm việc cũng hết lòng vì công việc, bàn giao vũ khí đạn dược cho chiến trường đúng, đủ, kịp thời.

Câu chuyện chúng tôi được nghe từ Anh hùng Vũ Viết Hòa, ông Biềng và nhiều cựu chiến binh của ngành quân khí khác là vốn quý mà chúng tôi mang theo trong nhiều chuyến công tác. Để rồi khi đến thăm những nhà kho, doanh trại hiện đại hôm nay, mới thấy công sức của bao thế hệ bồi đắp.

 Bảo dưỡng thường xuyên súng bộ binh tại Kho K850.

Bảo dưỡng thường xuyên súng bộ binh tại Kho K850.

Bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị khí tài là một công việc rất nặng nhọc, vất vả. Nhất là khi phải tiếp xúc trực tiếp với vũ khí, đạn dược lại càng nguy hiểm và độc hại hơn nhiều. Thực tế hiện nay, các kho của Tổng cục Kỹ thuật vẫn đang thực hiện nhiệm vụ lưu giữ, bảo quản, cấp phát lượng vũ khí trang bị kỹ thuật, đạn dược lớn, một số loại tính đồng bộ không cao, hệ thống nhà kho đã xuống cấp.

Do đặc thù, nhiều đơn vị đóng quân trên địa bàn rộng, điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt. Có thể đúc kết đặc điểm của nghề quân khí bằng sáu chữ "Nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm". Chính vì vậy, khi được chứng kiến công việc và trực tiếp trò chuyện cùng những người lính kho tại các đơn vị của Tổng cục Kỹ thuật, chúng tôi cảm nhận rằng: "Họ là những người đang ngày đêm chiến đấu, công tác trên mặt trận thầm lặng vô cùng nguy hiểm và cũng rất đỗi tự hào".

Những ngày đầu tháng 5 mới đây, chúng tôi được tham gia đoàn các cơ quan báo chí đến tìm hiểu thực tế tại một số đơn vị kho của Tổng cục Kỹ thuật khu vực phía Bắc. Khi đi giữa những hàng hòm đạn, thuốc nổ lớn nhỏ, cao chất ngất, tận tay chạm vào quả đạn, những khẩu súng, pháo lạnh lẽo, chúng tôi mới thấm thía hết vì sao công việc giữ gìn các kho quân khí là nghề không được phép rút kinh nghiệm. Bởi mối nguy hiểm thường trực đang tiềm ẩn trong những trái bom, viên đạn, ủ trong những ngòi nổ. Chỉ cần một sơ sẩy nhỏ sẽ dẫn đến hậu quả rất khôn lường. Điều này đòi hỏi người lính quân khí sự kiên trì, chính xác, tự giác, cẩn trọng từng ly, từng tí, không được phép sai sót.

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Kho K850 của Cục Quân khí đóng quân tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Kế thừa truyền thống thế hệ đi trước, những người lính Kho K850 hôm nay vẫn luôn tận tụy, cần mẫn, không ngại nguy hiểm hay môi trường độc hại để hoàn thành nhiệm vụ. Hôm chúng tôi đến, do không quen nên khi vừa bước vào trạm sửa chữa của Kho K850, mùi dầu máy nồng nặc xộc thẳng vào mũi kèm theo hơi nóng tỏa ra từ hàng trăm hộp vũ khí khiến chúng tôi như ngộp thở. Vậy mà hàng chục công nhân kỹ thuật vẫn thoăn thoắt lau chùi, quét sơn trên từng phần việc của mình.

 Công tác bảo dưỡng tại Nhà pháo, Kho K850.

Công tác bảo dưỡng tại Nhà pháo, Kho K850.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, hằng năm Kho K850 bảo đảm cấp phát, tiếp nhận hàng trăm tấn súng pháo kỹ thuật, bảo đảm trang bị các nhiệm vụ thường xuyên, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện hội thao, hội thi, công tác nghiên cứu khoa học cho các đơn vị quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, các học viện, nhà trường. Trang bị kỹ thuật đơn vị được giao cất giữ nhiều loại là súng pháo, khí tài là vũ khí thu hồi hoặc từ viện trợ; đa dạng về cỡ, kiểu, chủng loại, nước sản xuất; lại thiếu đồng bộ, phụ tùng; chất lượng hòm hộp bảo quản, nhà kho cất chứa còn hạn chế, chịu tác động thời tiết đặc trưng của khu vực. Cơ sở vật chất phục vụ công tác bảo đảm sửa chữa đã được cải tạo nâng cấp nhưng còn chưa đồng bộ; nguồn ngân sách, vật tư kỹ thuật hạn hẹp. Đội ngũ thợ lâu năm, có nhiều kinh nghiệm trong công tác kỹ thuật quân khí đã lớn tuổi, một số đã nghỉ hưu, thiếu hụt thợ có tay nghề cao; số thợ mới bổ sung ít, thời gian thực tiễn công tác kỹ thuật quân khí chưa nhiều...

Phát huy truyền thống “Tận tụy, dũng cảm, giữ gìn súng đạn, phục vụ đánh thắng”, những năm qua, Đảng ủy, Chỉ huy Kho K850 đã xác định nhiều chủ trương, giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Việt Phương, Chủ nhiệm Kho K850 cho biết: “Hiện nay, tập thể Kho K850 đang quyết tâm đẩy mạnh Phong trào Thi đua Quyết thắng, vượt qua khó khăn, thử thách, đoàn kết, chủ động, sáng tạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, góp phần cùng Cục Quân khí hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm đúng, đủ, chính xác, kịp thời vũ khí trang bị kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang”.

 Đại tá Lê Đình Dương (giữa), Chủ nhiệm Kho K802 cùng cán bộ kỹ thuật kiểm tra tình trạng cất chứa đạn dược tại Nhà kho K15.

Đại tá Lê Đình Dương (giữa), Chủ nhiệm Kho K802 cùng cán bộ kỹ thuật kiểm tra tình trạng cất chứa đạn dược tại Nhà kho K15.

Điểm dừng chân tiếp theo của đoàn là Kho K802. Ðứng trước những lô đạn xếp ngay ngắn, sạch sẽ, Thiếu tá QNCN Đinh Thị Thơ, Thủ kho đạn, Đội bảo quản 1 cho biết: "Gần 20 năm làm nhiệm vụ trông giữ kho, dù đã thuộc lòng các nguyên tắc, quy định khi thực hiện nhiệm vụ nhưng tôi vẫn luôn dặn mình cẩn trọng bao nhiêu cũng chưa đủ để không chủ quan, lơ là dù chỉ một thao tác nhỏ".

Đại tá Lê Đình Dương, Chủ nhiệm Kho K802 chia sẻ hành trình tiến lên hiện đại tại Kho K802.

Tiếp lời chị Thơ, Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng, Đội trưởng Đội Bảo quản 1 giới thiệu cho chúng tôi khá chi tiết những công việc mà người thủ kho quân khí phải làm mỗi ngày. Là một nghề luôn thường trực mối nguy hiểm, không được phép rút kinh nghiệm, chỉ cần một viên đạn bị rơi có thể dẫn đến nổ cả kho vũ khí, gây tổn thất, thiệt hại lớn cho Nhà nước, Quân đội, nhân dân. Ngay cả trong những ngày thời tiết đẹp, những bất trắc rủi ro vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, càng nguy hiểm hơn trong thời tiết mưa dông, sấm sét. Có một điều ấn tượng đối với chúng tôi khi đến các kho quân khí là ở đâu cũng bắt gặp mô hình Nhà kho Phụ nữ, Nhà kho 8-3, Nhà kho 20-10...

 Thiếu tá QNCN Đinh Thị Thơ nhớ từng seri hòm đạn mà mình được giao quản lý.

Thiếu tá QNCN Đinh Thị Thơ nhớ từng seri hòm đạn mà mình được giao quản lý.

Và dường như, đối với công việc này chị em thực hiện tốt và hiệu quả hơn cánh mày râu thì phải. Mang suy nghĩ ấy, chúng tôi hỏi các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các kho thì đều nhận được cái gật đầu thừa nhận. “Ðối diện với những gương mặt bình thản, tự tin của các chị, các em mỗi khi bước vào giờ làm việc, chúng tôi như được tiếp thêm động lực và sức mạnh trong hành trình thực hiện nhiệm vụ vì sự bình yên của các vùng kho" - các anh cảm khái nói.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-nganh-ky-thuat-quan-doi-hanh-trinh-tien-len-hien-dai/linh-kho-lang-tham-toa-sang-bai-1-nhung-nguoi-giu-lua-776947