Linh hoạt chuyển cách đánh trong chiến dịch Xuân Lộc

Sau đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột (tháng 3-1975), ta đã nhanh chóng giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, cùng hầu hết các tỉnh ven biển miền Trung, tạo thế uy hiếp Sài Gòn-Gia Định và vùng đất còn lại miền Đông, miền Tây Nam Bộ, buộc chính quyền Sài Gòn phải thiết lập tuyến phòng thủ kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc, coi Xuân Lộc là 'cánh cửa thép' bảo vệ Sài Gòn-Gia Định trên hướng Đông.

Trước tình thế chiến trường, ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị họp quyết định chuyển từ kế hoạch tiến công chiến lược sang tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam. Quán triệt kế hoạch đó, Quân ủy và Bộ tư lệnh (BTL) Miền quyết định mở Chiến dịch tiến công Xuân Lộc trên mặt trận hướng Đông, nhằm tiêu diệt Sư đoàn 18 ở vòng ngoài, đập tan tuyến phòng thủ trọng yếu của địch, mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Quân đoàn 4 được giao phối hợp với bộ đội địa phương và nhân dân tỉnh Long Khánh thực hiện nhiệm vụ này.

Bộ đội Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng thị xã Xuân Lộc. Ảnh tư liệu

Ngày 3-4-1975, Đảng ủy, BTL Quân đoàn 4 quán triệt nhiệm vụ và bàn phương án tiến công Xuân Lộc. Với một điểm phòng thủ mạnh như Xuân Lộc, ban đầu BTL quân đoàn xác định phương châm “đánh chắc, thắng chắc”, lấy tiêu diệt địch bên ngoài là chính, tạo thế bao vây, cô lập, khi có thời cơ sẽ tiến công địch trong thị xã. Nhưng trước yêu cầu của trên và tình hình khẩn trương trên các chiến trường, BTL Quân đoàn 4 xác định cách đánh tập trung lực lượng, sử dụng bộ binh, xe tăng, pháo binh mở các đòn tiến công trực diện vào các vị trí phòng ngự của địch. Sư đoàn 7 được pháo binh chi viện bảo đảm hướng tiến công chủ yếu tiêu diệt quân địch ở phía đông thị xã. Sư đoàn 341 tiến công hướng phối hợp tiêu diệt quân địch ở phía bắc thị xã, đánh chiếm Ty Cảnh sát, khu cố vấn Mỹ, dinh Tỉnh trưởng, sau đó cùng Sư đoàn 7 phát triển xuống phía nam. Sư đoàn 6 nhận nhiệm vụ chia cắt địch trên đường 1 (đoạn ngã ba Dầu Giây), tiêu diệt các chốt địch từ ấp Hưng Lộc đến đèo Mẹ Bồng Con, chặn viện binh và đánh địch rút chạy.

5 giờ 30 phút ngày 9-4-1975, ta nổ súng mở màn chiến dịch. Sau gần 3 ngày chiến đấu, ta chiếm được một nửa thị xã Xuân Lộc và toàn bộ khu hành chính tiểu khu. Song, còn có những mục tiêu quan trọng ta chưa đột phá được, trong khi lực lượng bị tiêu hao. Trên các hướng, nhiều trận chiến đấu giữa ta và địch vẫn diễn ra giằng co quyết liệt.

Trước sức mạnh tiến công của ta, để củng cố cho Xuân Lộc, ngày 12-4, địch tăng cường Lữ đoàn 1 dù xuống ngã ba Tân Phong. Tiếp đó, chúng bố trí lại đội hình chiến đấu trong thị xã và điều thêm các lực lượng thủy quân lục chiến, một số chiến đoàn đến tăng cường cho nơi đây. Với quyết tâm tử thủ ở Xuân Lộc, địch đã tập trung tại đây 50% lực lượng bộ binh, 60% pháo binh và hầu hết xe tăng, xe thiết giáp của Quân đoàn 3, cùng lực lượng tổng dự bị tương đương 1 sư đoàn. Ngoài ra, chúng còn tổ chức lực lượng không quân chi viện cho bộ binh, sử dụng bom có sức hủy diệt lớn để ngăn chặn bước tiến công của quân ta.

Trước tình hình đó, Quân đoàn 4 đã nghiên cứu tình hình, tổ chức lại lực lượng và thay đổi cách đánh, chủ trương lập thế trận mới, cô lập và cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt Quốc lộ 1, chặn quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích, đánh chiếm lại Tân Phong, cắt đường số 2 đi Bà Rịa. Ta quyết định ngừng tiến công các vị trí địch trong thị xã Xuân Lộc, nhưng vẫn tổ chức nghi binh không để địch phát hiện. Đồng thời sử dụng Sư đoàn 6 (Quân khu 7) và Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325, Quân đoàn 2) mới từ Tây Nguyên vào tăng cường cho quân đoàn tổ chức đánh chiếm Dầu Giây và Núi Thị, giải phóng thêm một đoạn đường số 1 và đoạn đường số 20 còn lại, thực hiện chốt chặn chiến dịch, diệt quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích. Trung đoàn 209 triển khai lực lượng ở khu vực đông bắc chi khu Tân Phong, chặn đánh Lữ đoàn dù 1, không cho địch vượt qua cầu Gia Liên để bắt liên lạc với Chiến đoàn 43 trong thị xã.

Thực hiện kế hoạch trên, ngày 15-4, ta nổ súng và giành thắng lợi, khiến Xuân Lộc bị cắt lìa ra khỏi Sài Gòn. Trên đà thắng lợi, ở khu vực Xuân Lộc, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 liên tục mở các đợt tiến công tiêu diệt Chiến đoàn 43, 48 và một bộ phận quân dù của địch; bộ đội địa phương và du kích Xuân Lộc tiêu diệt và bức rút nhiều đồn bốt địch ở ven thị xã. Cùng thời gian này, lực lượng Quân đoàn 2 sau khi giải phóng Nha Trang, Cam Ranh đã thần tốc theo Đường số 1 tiến công tập tan tuyến phòng thủ của địch ở Phan Rang, giải phóng Phan Thiết, Hàm Tân, sau đó tiến sát Xuân Lộc.

Sau 12 ngày đêm bị quân ta tiến công liên tục, trước nguy cơ bị bao vây, tiêu diệt, đêm 20 rạng ngày 21-4-1975, sau khi dùng pháo binh bắn phá nghi binh, địch tổ chức tháo chạy khỏi Xuân Lộc, phòng tuyến Xuân Lộc bị đập tan. Thắng lợi của Chiến dịch Xuân Lộc đã đẩy ngụy quyền và ngụy quân Sài Gòn vào tình trạng hoang mang, toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở xung quanh Sài Gòn bị rung chuyển. Từ đó mở ra thời cơ chiến lược quyết định cho ta tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thạc sĩ LÊ MẠNH TIẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/linh-hoat-chuyen-cach-danh-trong-chien-dich-xuan-loc-614284