Lính Biên phòng mang Xuân về 'ốc đảo' Hòa Vân

Dưới chân núi Hải Vân mây bay hùng vĩ, 3 người lính thuộc 3 thế hệ với nhiệm vụ khác nhau nhưng cùng mang chung một lý tưởng bảo vệ chủ quyền biển đảo và cùng nhau viết nên những câu chuyện ngày xuân tươi đẹp.

Dưới bóng núi Hải Vân Quan

Ngày cuối năm, chúng tôi có may mắn theo đoàn công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng ra chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòa Vân (Đồn Biên phòng Hải Vân). Đây là đơn vịcó vị trí đóng quân vô cùng đặc biệt. Dù là thành phố nhưng để tới được trạm chỉ có 2 cách, hoặc đi bộ từ đường lên đèo Hải Vân, men theo đường ray tàu hỏa rồi đi đường mòn xuống sát mép biển hoặc sẽ đi bằng thuyền, xuồng từ biển vào. Hòa Vân không khác gì một “ốc đảo”. Nơi đây, từng là nơi sinh sống của những hộ dân bị bệnh phong trong nhiều năm liền. Năm 2012, thực hiện chủ trương của thành phố, các hộ dân làng Hòa Vân di chuyển vào đất liền để tạo dựng cuộc sống mới, chỉ còn lại những người lính Biên phòng.

Chuyển quà Tết ra Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòa Vân.

Sau gần 20 phút, chiếc ca nô của Đồn Biên phòng Hải Vân đưa chúng tôi rời cảng Liên Chiểu từ từ rẽ sóng hướng về Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòa Vân. Thiếu tá Hồ Đắc Lực cố gắng lái ca nô vào sát bờ nhưng vì không có cầu cảng nên tất cả đều phải xắn quần lội nước. Đã được báo trước nên cả trạm đã ra sát biển đứng chờ. Sự hiếu khách ấy khiến ai cũng cảm thấy thân thương bởi vậy mà câu chuyện trở nên gần gũi, cởi mở hơn.

Người nhiều tuổi nhất ở Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòa Vân là Thiếu tá QNCN Vũ Văn Mạc. Sinh tháng 5-1970, có nghĩa là ngày 1/6 tới, Thiếu tá QNCN Vũ Văn Mạc sẽ nhận thông báo chờ nghỉ hưu. Sinh ra ở miền Bắc nhưng gắn bó với Đà Nẵng gần 30 năm, thế nên đối với Thiếu tá QNCN Vũ Văn Mạc nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai. Sắp rời xa nơi mình gắn bó, chia tay đồng chí đồng đội, đôi lúc, anh cảm thấy hụt hẫng, như sắp đánh mất điều gì quý giá. Anh trân trọng, tận dụng từng ngày, từng giờ còn ở đơn vị để làm việc. Thiếu tá QNCN Vũ Văn Mạc hiểu rằng, chính những việc làm, lời nói, cách sống của những cán bộ nhiều tuổi như anh là tấm gương để những cán bộ trẻ nhìn vào để điều chỉnh bản thân mình.

Thiếu tá QNCN Vũ Văn Mạc và Binh nhất Nguyễn Văn Tiến trang trí cây mai đón xuân.

Người trẻ nhất trạm là Binh nhất Nguyễn Văn Tiến nhưng cũng đã 23 tuổi. Tiến là con trai duy nhất trong gia đình, nhà ở phường Xuân Hà (quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng). Chàng trai trẻ vốn quen với ồn ào náo nhiệt của phố xá, giờ lại ở Hòa Vân, nơi mà đi mắc biển, trở lại mắc núi. Thế nhưng, dường như chúng tôi không cảm nhận được chút buồn phiền, ưu tư nào từ người lính trẻ này. Thậm chí, chúng tôi còn cảm nhận được sự hào hứng khi thấy Tiến nhanh nhẹn giúp chỉ huy tiếp khách, dọn dẹp không ngơi tay. Tiến đã có người yêu ở nhà làm buôn bán, hai gia đình cũng biết đôi trẻ yêu nhau nên “chờ em xuất ngũ là hai gia đình tổ chức cưới”- Tiến nói như cười, rất tự tin và rất tự hào về tình yêu của mình. Tiến bảo, ở trạm Tiến gọi Thiếu tá Vũ Văn Mạc là “bố” vì luôn nhận được sự quan tâm dạy bảo như người cha. Những tháng năm quân ngũ của chàng lính trẻ vì thế mà đầy ắp những yêu thương.

Xuân của người lính gác biển

Thiếu tá QNCN Vũ Văn Mạc chia sẻ rằng, anh không có gì phải hối tiếc về quãng thời gian quân ngũ của mình và thấy rất yên tâm khi thấy những cán bộ trẻ của đơn vị, những người thay anh bước tiếp trên hành trình xây dựng quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển đảo Tổ quốc. Một trong những “cán bộ trẻ” mà Thiếu tá QNCN Vũ Văn Mạc nhắc đến chính là Trung úy Phan Văn Thái- Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòa Vân. Thái quê ở Quảng Bình. Từ nhỏ đã yêu màu xanh áo lính nên tốt nghiệp trung học phổ thông, Thái chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng vào Học viện Biên phòng.

Đại tá Phan Hữu Tiếp và Chỉ huy Đồn Biên phòng Hải Vân tặng quà, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòa Vân.

Tháng 8-2020, Thái nhận quyết định vào thành phố Đà Nẵng cũng là lúc nơi đây bùng phát dịch Covid-19. Tuổi trẻ và lòng nhiệt huyết đã giúp Thái vượt qua nỗi sợ để lăn xả trên mặt trận chống dịch. Tháng 1-2021, Thái là một trong 40 cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố Đà Nẵng viết đơn tình nguyện tăng cường cho biên giới Tây Nam làm nhiệm vụ trên Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch. Gần 1 năm trời, cuộc sống trên chốt dù vất vả, thiếu thốn thế nhưng chàng sĩ quan trẻ luôn cảm thấy tự hào về nhiệm vụ mình đang làm. Chúng tôi có phần e ngại vì 27 tuổi, Thái còn rất trẻ, ở Hòa Vân liệu có buồn không. Trung úy Phan Văn Thái cười tươi: “Ở đâu cũng là nhiệm vụ và quan trọng là phải biết cách thích nghi thì cuộc sống sẽ rất thú vị các anh chị ạ”.

Dẫn đầu đoàn công tác ra Hòa Vân lần này là Đại tá Phan Hữu Tiếp, Phó chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Đà Nẵng. Người chỉ huy này nhiều năm liền đều vượt sóng đến chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòa Vân. Thương những người lính ở nơi mà phía trước mặt là lung linh ánh điện thành phố, thế nhưng ở đây đến sóng điện thoại cũng phập phù, muốn dùng điện thoại phải ra ngoài sân. Những khó khăn về cơ sở vật của anh em ở trạm không phải Bộ Chỉ huy không biết, không quan tâm nhưng vị trí đóng quân nằm trong quy hoạch của thành phố nên dù nhà đã xuống cấp cũng đành phải tự khắc phục với tinh thần “dù không khang trang nhưng phải sạch sẽ, gọn gàng”.

Chụp ảnh kỷ niệm bên di tích lịch sử Trạm Nam Chơn.

Cách biệt với bên ngoài do giao thông không thuận lợi, thế nhưng cuộc sống của những người lính Biên phòng ở Hòa Vân không buồn như mọi người tưởng. Trạm chỉ có 3 cán bộ, chiến sĩ thế nhưng vườn rau tăng gia phải đủ cho cả trung đội. Đất rộng nên đàn gà tha hồ “chạy vũ trang” và mỗi sáng mọi người đi thả lưới để chiều về lại có mớ cá tươi. Ngay cạnh Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòa Vân có di tích lịch sử là Trạm Nam Chơn và Đồn Chơn Sảng. Đây là 2 công trình phòng thủ biển của triều đình nhà Nguyễn xây dựng để kiểm soát tàu bè qua lại vùng biển này. Nơi đây cũng diễn ra 2 trận đánh lẫy lừng với quân Pháp mà sử sách đã ghi lại. Trải qua hơn 200 năm, nhưng công trình tường đá này còn gần như nguyên vẹn. Đã có nhiều đoàn khảo sát, đoàn báo chí tới tìm hiểu, lấy thông tin tư liệu. Người dẫn đường luôn là cán bộ, chiến sĩ của trạm. Và, qua mỗi lần như vậy, mọi người lại biết thêm nhiều kiến thức, thông tin thú vị…

Chiếc ca nô đưa chúng tôi rời Hòa Vân nhưng sao lòng người cứ bịn rịn, đầy lưu luyến. Tháng Chạp đã sắp qua, nắng cứ vàng rực rỡ, trải trên mặt biển nhưng đó cũng là tiết trời đặc trưng của mùa xuân phương Nam. Mùa xuân về với cỏ cây, hoa lá với lòng người chiến sĩ đang canh gác biển trời quê hương.

Bài, ảnh: THANH TRÚC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/linh-bien-phong-mang-xuan-ve-oc-dao-hoa-van-764671