Lính '115 trên biển'

Trong những tình huống cứu nạn, cứu hộ khẩn cấp, dù đại dương đang cuộn sôi sóng dữ, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải vẫn đè sóng, ngược gió, tức tốc ra khơi, bất chấp hiểm nguy để thực hiện nhiệm vụ. Họ chính là lính "115 trên biển", sẵn sàng nhận lệnh cứu nạn, cứu hộ bất kể thời gian nào.

Thuyền viên tàu SAR 273 liên lạc với một tàu nước ngoài để cứu nạn.

Vượt sóng đi cứu nạn

Trưa 14-9, tàu cá QNa 95489 TS của tỉnh Quảng Nam đang đánh bắt hải sản trên biển, bất ngờ, thuyền viên Nguyễn Tuấn bị méo miệng, tê chân tay. Thuyền viên trên tàu xúm vào xoa bóp, sơ cứu nhưng tình trạng của anh Tuấn không tiến triển tốt nên thuyền trưởng phải gửi yêu cầu cứu nạn khẩn cấp. 1 giờ sáng 15-9, tàu SAR 273 (Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực IV - Nhatrang MRCC) nhận lệnh đi cứu nạn. Lúc này, tàu QNa 95489 TS cách Nha Trang gần 280 hải lý về hướng đông - đông bắc. Để cứu người, tàu SAR 273 chạy hết tốc lực. Ông Phạm Văn Anh - Thuyền trưởng tàu SAR 273 tâm sự: "Cứu nạn trên biển ban ngày đã khó, ban đêm còn khó hơn nhiều. Đêm đó, gió lớn kèm mưa dông, sóng rất to, tàu nhồi lắc liên tục. Anh em trên tàu ngoài việc thức trắng, phải cố ăn bánh và uống sữa để có sức cứu nạn. Trưa 15-9, tàu SAR 273 tiếp cận được tàu cá, tiến hành sơ cấp cứu, chăm sóc y tế ban đầu cho anh Tuấn rồi khẩn trương đưa về bờ an toàn vào tối cùng ngày".

Thuyền viên tàu SAR 273 cứu nạn thuyền viên tàu QNa 94464, tháng 9-2023. (Ảnh đơn vị cung cấp)

Trưa 17-9, tàu SAR 273 lại nhận lệnh cùng bác sĩ quân y của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đi cứu nạn. Thông tin ban đầu, thuyền viên Lê Chí Trung ở tàu cá QNa 90767 TS (tỉnh Quảng Nam) đột nhiên bị đau dữ dội vùng bụng dưới bên phải, ói mửa, nghi viêm ruột thừa cấp. Tàu cá đã được Nhatrang MRCC, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Quảng Nam và Đài Thông tin duyên hải Nha Trang phối hợp hỗ trợ ban đầu; được kết nối với Viện Y học Biển Việt Nam nhận hướng dẫn y tế. Khẩn cấp vượt hơn 200 hải lý, tối 17-9, tàu SAR 273 đã tiếp cận tàu cá và hơn 3 giờ sáng 18-9, thuyền viên bị bệnh đã được đưa về bờ an toàn.

Chỉ vài giờ sau khi tàu SAR 273 vào bờ, Phòng Phối hợp cứu nạn (Nhatrang MRCC) lại nhận được tín hiệu đề nghị hỗ trợ khẩn cấp từ tàu cá QNa 94464 TS của tỉnh Quảng Nam. Thuyền viên Hoàng Thế Bảo bị té từ giàn câu xuống, đập đầu vào thân tàu, đau đầu dữ dội, sưng phù đỉnh đầu, nôn ói, ăn uống kém, tinh thần hoảng loạn, sức khỏe rất yếu. Tàu đang câu mực tại khu vực quần đảo Trường Sa, cách Nha Trang khoảng 207 hải lý về hướng đông bắc. Lập tức, tàu SAR 273 cùng tổ y tế ứng trực tại Nha Trang lại cấp tốc vượt sóng, kịp thời đưa thuyền viên bị nạn về bờ an toàn vào tối 19-9.

Với thuyền trưởng Phạm Văn Anh, đó là lần đầu tiên trong 10 năm theo nghề ông tham gia cứu nạn liên tiếp 3 vụ trong 5 ngày. Dù vất vả, hiểm nguy song đối với thành viên tàu SAR 273, chỉ cần cứu nạn thành công, niềm vui sẽ át hết mọi mệt nhọc. Ông trầm mặc nhớ lại cơn bão năm 2017: "Khi bão ập tới, tàu vừa sửa xong tại TP. Đà Nẵng, được lệnh cùng một tàu cỡ lớn quay về cứu nạn. Lúc đó trời xám xịt, biển cuộn sôi, sức bão rất mạnh nhưng không ai kịp nghĩ đến nguy hiểm cho mình, chỉ mong về càng nhanh càng tốt để cứu nạn. Nhưng ròng rã hàng chục ngày tiếp đó, chúng tôi chỉ thấy hậu quả khủng khiếp của cơn bão…".

Vì sự bình yên của người đi biển

Ông Trần Công Trường, thuyền trưởng tàu QNa 90927 TS (tỉnh Quảng Nam) kể, sáng 5-10-2020, sau những ngày câu mực ở vùng biển Trường Sa, tàu của ông bắt đầu quay mũi về bờ. Khi cách Nha Trang khoảng 70 hải lý về hướng đông nam, tàu bất ngờ bị gãy trục láp, hỏng máy chính, không điều khiển được. Anh em đang cố khắc phục thì nước bắt đầu tràn vào tàu. Lúc này, khu vực xung quanh không có tàu nào để gọi hỗ trợ, mọi người bắt đầu mệt mỏi, hoảng loạn. Ông đã phát tín hiệu cấp cứu và rất may nhận được phản hồi... Chị Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Trưởng phòng Phối hợp cứu nạn nhớ lại, ngay khi nhận thông tin, phòng đã báo cáo đơn vị để phối hợp với các cơ quan gửi cảnh báo tới tàu thuyền qua lại trong khu vực có khả năng trợ giúp; đồng thời hướng dẫn thuyền viên khắc phục sự cố, áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn trong tình huống xấu nhất. Khi thấy thời tiết diễn biến xấu, đe dọa tới tính mạng thuyền viên, theo chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam, tàu SAR 27-01 đã ra khơi cứu nạn khẩn cấp. Lúc đó, gió mùa đang tăng cường hoạt động mạnh trên Biển Đông. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trời mưa to, gió lớn, độ cao chân sóng 3,5 - 4m và ngày càng chuyển biến xấu, việc cứu nạn gặp rất nhiều trở ngại. Sau nhiều giờ vật lộn với sóng gió, tối 5-10-2020, tàu SAR 27-01 tiếp cận được tàu cá, cung cấp trang thiết bị cứu sinh, lương thực, thực phẩm. Chiều 6-10-2020, tàu QNa 90927 TS với 39 thuyền viên đã được lai dắt về cảng Nha Trang an toàn.

Thuyền viên tàu SAR 273 cứu nạn tàu Maran Thetis, tháng 3-2023. (Ảnh đơn vị cung cấp)

Chị Trần Thị Quỳnh Trang, trực ban tìm kiếm cứu nạn chính của Phòng Phối hợp cứu nạn chưa quên chuyến đi biển đầu tiên năm 2019, trong vai trò y tá tàu cứu nạn. Khi ấy, biển lặng nhưng cô gái nhỏ vẫn nằm bẹp vì say sóng. Vậy mà khi tiếp cận tàu, cô lại vượt qua được để hoàn thành hỗ trợ sơ cứu cho một hành khách nước ngoài hơn 70 tuổi bị nôn, chướng bụng, đau bụng dữ dội, nghi viêm phúc mạc cấp tính.

Không chỉ căng thẳng với sóng gió biển cả, những người làm nghề cứu nạn hàng hải còn phải chấp nhận bữa ăn, giấc ngủ không trọn. Do đặc thù nghề nghiệp, các anh chị phải đảm bảo trực 24/24 giờ tại đơn vị và trên phương tiện tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng; không có ngày nghỉ cuối tuần, lễ, Tết; không được đi quá xa đơn vị để sẵn sàng nhận lệnh cứu nạn; nghỉ phép phải sắp xếp trước ít nhất nửa tháng. Có anh đã đặt vé về quê ăn Tết lại bỏ vé để ra khơi cứu nạn. Những khi mưa bão, thông thường người đàn ông lo chằng chống nhà cửa, riêng các anh lại xuống tàu trực, sẵn sàng ứng cứu, vợ con đành tự xoay xở. Trường hợp vợ chồng làm chung đơn vị còn vất vả hơn. Vợ chồng chị Hoàng Anh và anh Nguyễn Xuân Tùng - Thuyền phó 2 tàu SAR 273 thường xuyên phải gửi con nhỏ 4 tuổi cho ông bà. Chị Hoàng Anh nói: "Ngày nào cả nhà tôi được ăn chung bữa cơm, đó chính là ngày nghỉ!".

Gian nan, nguy hiểm là thế nhưng thuyền trưởng Phạm Văn Anh quả quyết, nếu được chọn lại, các anh vẫn chọn nghề tìm kiếm cứu nạn hàng hải. Ông tâm sự: "Khi biển khơi nổi dông bão, sao có thể không sợ nhưng cứu nạn trên biển cũng như cấp cứu trên đất liền, chậm trễ là có thể ảnh hưởng tới tính mạng; hoàn cảnh, thời gian không cho phép do dự, bởi khi đó còn những người đang vật lộn với biển, bám víu mọi hy vọng vào lực lượng cứu nạn. Chúng tôi cần mạnh mẽ, bình tĩnh thì mới có cơ hội được chứng kiến nụ cười và những giọt nước mắt hạnh phúc vì đoàn tụ của người dân".

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực IV (Nhatrang MRCC) đóng tại tỉnh Khánh Hòa, thực hiện tìm kiếm, cứu nạn trên biển từ ranh giới phía nam vùng biển tỉnh Bình Định đến ranh giới phía nam vùng biển tỉnh Ninh Thuận và vùng biển quần đảo Trường Sa, trừ vùng nước cảng biển, vùng cấm và vùng hạn chế trên biển. Từ khi thành lập (năm 2006) đến nay, Nhatrang MRCC đã tiếp nhận, xử lý 881 thông tin báo nạn; hỗ trợ gần 6.000 người; cứu sống 554 người. Riêng từ năm 2019 đến nay, Nhatrang MRCC tiếp nhận 292 vụ việc; cứu và hỗ trợ cứu 1.754 người, trong đó cứu trực tiếp 98 người...

Ông NGUYỄN XUÂN BÌNH - Giám đốc Nhatrang MRCC: Tìm kiếm, cứu nạn trên biển là nghề đặc thù, nguy hiểm và thử thách cao. Các sự cố, tai nạn trên biển phần lớn xảy ra trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt. Vì vậy, thuyền viên tàu cứu nạn phải khẩn trương, phản ứng nhanh và dũng cảm; viên chức đảm nhiệm công tác thường trực trên bờ cũng phải có tư duy tốt, nghiệp vụ vững vàng để lập kế hoạch cứu nạn kịp thời, chuẩn xác. Tuy công việc nhiều thử thách và khó khăn, nhưng chỉ cần có hy vọng cứu sống người gặp nạn, lực lượng cứu nạn đều dốc hết sức. Để hoạt động tìm kiếm cứu nạn ngày càng hiệu quả hơn, bên cạnh duy trì tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng cứu nạn, Nhatrang MRCC còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền an toàn, an ninh hàng hải cho ngư dân; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại địa phương trong quá trình cứu nạn.

THIỀU HOA - VĂN GIANG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202311/linh-115-tren-bien-4cf3b1d/