Like, share clip bạo lực học đường - cú đạp lên đạo lí

Nút like thể hiện thái độ đồng cảm với chủ tài khoản chia sẻ “tâm sự”, thế nhưng nhiều người biến nó thành động thái vô cảm độc ác vì thúc đẩy những hàng động trái với chuẩn mực xã hội, gây nguy hiểm cho cá nhân và cộng đồng.

Một nam sinh bị các bạn đánh hội đồng vì không nộp 5 nghìn đồng ăn sáng. Ảnh: I.T

Hồi nhỏ, trong thời chiến, bọn con nít con nôi như tôi cũng phải có những kỹ năng sống để tồn tại.

Nhà nào cũng có trảng xê, đó là cái hầm trú bom ngay trong nhà, cứ nghe tầm đạn bay hay tiếng máy bay từ xa là tự động nằm xuống bò về phía trảng xê chui xuống. Còn bơi lội thì buồn cười hơn, ba tôi lôi tôi ra giữa cầu Bà Hồng rồi ném xuống giữa dòng.

Vài lần uống nước như vậy là biết bơi, có trôi sông lọt biển cũng không thể chết được. Đó là cách dạy bơi phổ biến của cả làng.

Khi đi học, thằng lớp trưởng già chát rủ cả lớp ra sau nhà thờ rồi dạy cho chúng tôi cách chống lại bọn lớp khác khi bị bắt nạt, ăn hiếp hay đánh hội đồng.

Nghĩ lại thấy hay thật.

Gần đây tôi tiếp xúc với nhiều học sinh bị bắt nạt trên mạng và bị bạo lực học đường, thì thấy rằng ngoài sự cô đơn ở gia đình, trong trường học các em hầu như không được trang bị kỹ năng nào để tự ứng phó hoặc ứng phó ban đầu khi bị bạo hành.

Mấy ngày nay xã hội choáng váng trước clip một bé gái bị 14 bạn cùng tuổi bạo hành bằng cách đánh đập, bắt quỳ liếm chân, châm thuốc vào tay...Sự việc xảy ra vào tháng 8.2016 nhưng đến cuối tháng 10.2016 khi một bạn trong nhóm tung clip lên mạng từ nguồn là một nhóm kín thì gia đình mới biết sự việc.

Nạn nhân trong việc trên hoàn toàn cam chịu, có lẽ bởi xưa giờ chưa được ai chỉ bảo phải làm thế nào khi bị bắt nạt.

Có một tài khoản cá nhân mang tên N.S đã âm thầm điều tra và đóng vai trò chủ công trong việc làm sáng tỏ việc bạo hành học đường của băng nhóm gồm 14 em gái này.

Người đàn ông ấy tuyên bố: “Tôi không tài giỏi gì , không phải ông này ông nọ . Nhưng tôi tuyên bố, nếu gia đình cháu làm đến nơi đến chốn vụ việc này trước pháp luật . Tôi và 9 anh em khác trong Đội Hiệp Sĩ TPHCM sẽ thay phiên nhau chở cháu đi học để đảm bảo sự an toàn cho cháu . Đến khi nào gia đình cảm thấy không còn mối đe dọa nào thì thôi”.

Nếu không có tinh thần hiệp sĩ nêu trên không biết số phận của em gái trong clip sẽ như thế nào và ai sẽ là nạn nhân tiếp theo.

Trở lại với các nạn nhân của bạo hành học đường, gần như 100% các em đều thường xuyên sử dụng mạng xã hội: xem anh Noo Phước Thịnh hát, chị Hồ Ngọc Hà nhảy, anh Trấn Thành hài...còn lại là chat với bạn bè, khen chê nhóm này nhóm nọ sau đó rủ nhau đi đánh lộn chỉ vì một chuyện vu vơ nào đó, chẳng hạn khen một anh trong lớp đối diện “đập chai” hay chị lớp trên ăn mặc cực "kute".

Các kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp khác hầu như các em không biết gì. Cha mẹ thì bỏ mặc, có em bỏ nhà đi bụi cả tuần,gia đình cũng chẳng quan tâm, chỉ rầy la vài câu là xong.

Không trách được thầy cô, họ cũng hết lòng với các giáo án, dạy đầy đủ chương trình, nhưng chương trình giáo dục có vẻ như quá cứng nhắc trong sự phát triển như vũ bão của xã hội.

Nhà báo Nguyễn Hồng Lam cố gắng lý giải căn nguyên của sự việc: “Trên mạng xã hội, được nhấn like (thích) và share (chia sẻ) nhiều nhất luôn luôn là những câu chuyện, những clip liên quan đến bạo lực, bạo hành.

Một dạo, đó là cảnh học sinh đánh nhau trong lớp hoặc ngoài đường. Dạo khác, đó là chuyện sai trái bị ghi hình của công an, công chức – những người ăn lương nhà nước.

Về một phía nào đó, mạng xã hội đang cổ súy cho một hiện tượng đã thành phong trào và trái luân lý: Giải tỏa nhu cầu trả đũa, thậm chí trả thù vô cớ nhằm giải tỏa ẩn ức xã hội và bộc lộ con người cá nhân trong cái gọi là “quyền tự do suy nghĩ và phát ngôn”.

Luật pháp chỉ xử lý công dân theo hành vi. Chế tài xã hội cũng chỉ mới dành cho những bài báo đăng trên báo, mạng nằm trong danh mục chịu sự quản lý của nhà nước.

Với các trang cá nhân trong mạng xã hội, quyền lực chế tài có muốn cũng không thể quản lý, kiểm soát hết. Khi đưa ra lý lẽ cá nhân, quan điểm riêng tư để biện minh cho góc nhìn của bản thân, nhiều người đã quên mất rằng họ đang đạp lên đạo lí.

Chúng ta chưa quên chuyện gần đây nhất, cậu thiếu niên ở Yên Bái chọn cách tự khép lại cuộc sống của chính mình ở độ tuổi mười lăm. Cậu ấy là một nạn nhân điển hình của sự mua vui vô lương của đám đông.

Những người chứng kiến quay clip và post lên mạng cảnh cậu bị hành hung và bắt quỳ nên chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Cậu sốc vì hoảng loạn, gia đình đã đưa đến bệnh viện chữa trị một tuần. Nhưng rời bệnh viện, cậu lên mạng internet và phát hiện những đoạn clip nhục nhã về mình đang được chia sẻ. Cậu đã chọn một lối thoát đầy buồn bã.

Nút like thể hiện thái độ đồng cảm với chủ tài khoản chia sẻ “tâm sự”, thế nhưng nhiều người biến nó thành động thái vô cảm độc ác vì thúc đẩy những hàng động trái với chuẩn mực xã hội, gây nguy hiểm cho cá nhân và cộng đồng.

Hãy dành một phút suy nghĩ trước khi nhấn nút like, chia sẻ, hay viết những lời bình luận... Đó cũng là các bảo vệ chính gia đình chúng ta và cộng đồng.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/like-share-clip-bao-luc-hoc-duong-cu-dap-len-dao-li-719556.html