Liệu pháp điều trị mới bằng Trastuzumab cho bệnh nhân ung thư dạ dày

Giờ đây, với liệu pháp mới có tên gọi trúng đích phân tử trong điều trị ung thư dạ dày được chính thức đưa vào ứng dụng tại Việt Nam, cơ hội sống cho những người mắc căn bệnh tưởng như vô phương cứu chữa này đã được mở ra. Đó chính là nội dung của cuộc họp báo do Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư Quốc gia tổ chức, Hà Nội ngày 19/8 với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Đây thực sự là một tin vui, bởi Việt Nam nằm trong những nước có tần suất mắc ung thư dạ dày cao trên thế giới. Ung thư dạ dày cũng đứng thứ 3 trong các loại ung thư ở Việt Nam với 13.000 trường hợp mắc mới mỗi năm và khiến gần 10.000 người tử vong vì căn bệnh này. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ung thư dạ dày là bệnh rất hay gặp và tỉ lệ nam giới mắc bệnh so với nữ là 3/1 và tăng dần theo độ tuổi. Căn bệnh này ở châu Á cao hơn nhiều so với phương Tây. Theo TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng khoa Nội I- Bệnh viện K Trung ương, thì ở Hà Nội, ung thư dạ dày đứng thứ 2 trong 10 loại ung thư thường gặp và ở TP HCM, vị trí này được xếp ở thứ 4. Cho đến nay, chưa ai xác định được nguyên nhân gây ra căn bệnh này, nhưng có những yếu tố cơ bản được các chuyên gia đưa ra là: nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori, chế độ ăn mặn, nhiều chất béo phì, nitrate, hút thuốc lá, uống rượu và cả yếu tố di truyền. Một ca phẫu thuật ung thư. Có thể phát hiện sớm được bệnh này dựa trên những dấu hiệu: khó tiêu, nóng rát vùng thượng vị, ăn không ngon và khi bệnh đã phát triển ở mức trung bình thì mệt mỏi và bị đầy bụng sau khi ăn. Khi bệnh đã vào giai đoạn muộn sẽ khiến người bệnh đau bụng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, sút cân, nghẹn vv… GS.TS Yoon Koo Kang, Khoa Chống ung thư Trường Y khoa Asan, Đại học Ulsan, Hàn Quốc khẳng định: Nếu phát hiện sớm bệnh ung thư dạ dày, hoàn toàn có thể chữa được. Tuy nhiên, để xác định sớm, thì việc chụp có cản quang như vẫn thường làm hiệu quả không cao, vì có thể bỏ sót tới 20% vị trí. Do đó, chỉ có nội soi dạ dày là cách tốt nhất để không chỉ xác định được có ung thư dạ dày hay không, mà còn có tác dụng để điều trị, cắt bỏ các nốt tại chỗ, không để lan rộng. Theo GS.TS. Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, số bệnh nhân ung thư dạ dày vào viện khi đã muộn nên kết quả điều trị không cao. Tuy nhiên, với phương pháp điều trị trúng đích phân tử, tức là sử dụng thuốc Trastuzumab để tiêu diệt các tế bào ung thư, nhưng vẫn bảo tồn các tế bào thông thường, là sự khác biệt căn bản với các cách điều trị ung thư khác, thì thời gian sống của bệnh nhân sẽ được kéo dài cùng với chất lượng cuộc sống được cải thiện. Bệnh nhân sẽ không còn bị buồn nôn, chán ăn, rụng tóc, viêm niêm mạc miệng v.v… Phát hiện mới về thuốc Trastuzumab được xác định sau khi xem xét kết quả của nghiên cứu lâm sàng gọi là ToGA. Đây là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng của y khoa trong điều trị ung thư dạ dày trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Liên minh châu Âu và các Quốc gia khối EEA-EFTA như Iceland, Na Uy đã chấp thuận cho sử dụng thuốc này để điều trị những bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn muộn hoặc có di căn và đều có kết quả đáng ghi nhận. Trastuzumab được chứng minh là giải pháp điều trị nhắm trúng đích đầu tiên với tác dụng kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn muộn có HER2 dương tính. GS.TS Yoon Koo Kang nhấn mạnh: Với liệu pháp trúng đích phân tử, đã mở ra một kỷ nguyên mới trong việc điều trị ung thư dạ dày. Song, để có thể phát hiện và điều trị sớm bệnh ung thư dạ dày, những người trên 40 tuổi cần làm xét nghiệm nội soi 2 năm một lần. Đây là cách mà Nhật Bản và Hàn Quốc áp dụng để sàng lọc và đã giảm thiểu được số người mắc bệnh cũng như hạ tỉ lệ tử vong do ung thư dạ dày một cách đáng kể

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/khcn/2011/8/154911.cand