Liệu có lãng phí?

Sử dụng những quả tên lửa trị giá hàng triệu USD để tiêu diệt máy bay không người lái (UAV) vũ trang có giá 20.000USD của lực lượng Houthi trong chiến dịch bảo vệ tàu thương mại đi qua Biển Đỏ. Đây là trăn trở của giới chức quân sự phương Tây khi cho rằng điều này quá lãng phí.

Theo Báo Le Point, để đánh chặn UAV vũ trang cỡ nhỏ của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ, từ cuối năm 2023, các tàu khu trục của Pháp đã sử dụng tên lửa Aster 15 đắt tiền, ước tính hơn 1 triệu USD/quả. Còn tại Ukraine, để tiêu diệt UAV Shahed có giá 20.000USD, quân đội Ukraine, với sự hỗ trợ của phương Tây, đã sử dụng hệ thống phòng không Patriot có chi phí cả triệu USD.

“Chúng tôi từng bắn hạ nhiều UAV bằng hệ thống phòng không Patriot hoặc tên lửa Aster. Khi dùng tên lửa Aster tiêu diệt UAV, nhưng thực tế chính UAV đã giết Aster”, Tướng Thierry Burkhard, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp nhấn mạnh.

Tàu khu trục của Pháp bắn tên lửa Aster 15 ngăn chặn UAV của lực lượng Houthi. Ảnh: Le Point

Tuy nhiên, Chuẩn đô đốc Emmanuel Slaars, Tư lệnh hải quân Pháp khu vực Ấn Độ Dương cho rằng không nên so sánh chi phí của UAV tấn công với chi phí của tên lửa đánh chặn. Theo ông Slaars, vấn đề không chỉ là chi phí của một tên lửa mà quân đội Pháp sử dụng mà quan trọng hơn là chi phí cho những gì nước này bảo vệ.

“Trong trường hợp cụ thể, việc sử dụng tên lửa đánh chặn UAV nhằm bảo vệ thủy thủ và tàu chiến của Pháp trước các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ. Các tàu chiến của chúng tôi hiện diện trong khu vực để bảo vệ các tàu container và tàu chở dầu đi qua Biển Đỏ”, Chuẩn đô đốc Slaars nói.

Trong những cuộc xung đột, quân đội các nước được trang bị vũ khí công nghệ cao, đắt tiền để đối phó với những nhóm phiến quân sử dụng vũ khí rẻ tiền. Vấn đề nan giải về chi phí đạn dược luôn hiện diện. Điển hình là hệ thống Vòm sắt do công ty Rafael (Israel) và Raytheon (Mỹ) phát triển vào những năm 2000 và được cải thiện đáng kể sau khởi đầu khó khăn vào năm 2011. Hiện nay, hệ thống Vòm sắt khẳng định hiệu quả 95% trong việc bảo vệ các khu dân cư khỏi những tên lửa tầm ngắn và trung bình (lên tới 70km).

Tuy nhiên, theo tờ Le Point, chi phí phát triển hệ thống Vòm sắt khá đắt. Ngoài chi phí phát triển Vòm sắt (một con số được Israel giữ bí mật, nhưng chỉ riêng khoản đóng góp của Mỹ đã lên tới 205 triệu USD), Tel Aviv còn phải chịu chi phí về đạn dược. Một tên lửa Tamir dành cho hệ thống Vòm sắt có giá khoảng 50.000USD được Israel sử dụng để đánh chặn tên lửa “tự chế” do Hamas sử dụng có chi phí chỉ vài trăm USD, trong đó, Hamas chủ yếu sử dụng phân bón nông nghiệp để chế tạo.

Ví dụ ngày 10 và 11-5-2021, Hamas đầu tư khoảng 250.000USD để bắn 480 quả rốc két. Để đánh chặn, Israel đã bắn loạt tên lửa Tamir trị giá hơn 10 triệu USD chỉ trong vài giờ. Do đó, hệ thống phòng không Vòm sắt của Israel thường xuyên bị chỉ trích vì chi phí quá cao, khiến một số nhà lãnh đạo chính trị Israel tin rằng hệ thống này sẽ khiến Nhà nước Do Thái rơi vào một cuộc chiến tranh tiêu hao kinh tế.

Gần đây, Israel đã triển khai hệ thống phòng thủ mới có tên Iron Beam (Tia sắt) nhằm đánh chặn tên lửa và UAV của Hamas bắn từ Gaza và của Hezbollah bắn từ Lebanon vào lãnh thổ Israel. Israel cho biết, hệ thống này sẽ là nhân tố “thay đổi cuộc chơi” vì vận hành rẻ hơn nhiều so với các hệ thống hiện có. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn chưa đi vào hoạt động.

Hiện cơ quan nghiên cứu của quân đội các nước phương Tây đang nỗ lực gấp đôi để phát triển giải pháp đánh chặn bớt tốn kém. Giải pháp hứa hẹn là sử dụng vũ khí laser, rẻ tiền và không giới hạn, miễn là vũ khí và cơ sở hạ tầng sản xuất năng lượng được duy trì hoạt động. Philippe Gros, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Nghiên cứu chiến lược (FRS) của Pháp cho biết, vũ khí laser hiện tại chỉ có thể đánh chặn tên lửa và UAV cỡ nhỏ, có công suất vài chục kilowatt và có thể đánh chặn tên lửa cận âm.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/lieu-co-lang-phi-773306