Liên tiếp trẻ nhập viện vì bị chó cắn

Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương cho biết, thời gian gần đây có nhiều trường hợp bệnh nhân đến nhập viện do chó cào, cắn.

Chủ động tiêm vaccine phòng dại cho vật nuôi. Ảnh: TL.

Đơn cử, bệnh nhi H. P. N., 8 tuổi (ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hoảng hốt, sợ hãi, vành tai phải bị biến dạng, mất một phần sụn, chảy nhiều máu.

Qua khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhi cho biết, vết thương là do bị chó lạ vồ, cào vào tai khi bé vừa ra khỏi nhà. Đó là giống chó Phú Quốc, rất to, cao khoảng 50cm, đang được thả rông và không đeo rọ mõm, chó lao vào bé rất nhanh nên người nhà không kịp ngăn cản. Sau khi tai nạn xảy ra, bé N. được gia đình đưa ngay đến Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương.

Các bác sĩ đã sơ cứu vết thương rồi hội chẩn với chuyên khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhiệt đới trung ương để đánh giá nguy cơ về bệnh dại. Bệnh nhi sau đó được tiêm phòng dại và trở lại Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương thực hiện phẫu thuật phục hồi vành tai.

Mới đây nhất, ngày 21/7, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng đang điều trị cho bệnh nhi T.N.T.V. (5 tuổi, Nghệ An) bị thương nặng do chó cắn. Trước đó, chiều 20/7, cháu V. ngồi chơi trước cửa nhà, bất ngờ bị một con chó lạ chạy đến cắn xé vùng mặt, đầu. Gia đình sau đó đưa trẻ đến bệnh viện huyện sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Bé gái nhập viện với tình trạng da vùng trán, quanh mắt trái bị cắn mất một mảng khoảng gần nửa lòng bàn tay người lớn. Phần lông mày bên trái của trẻ bị mất hẳn, vết thương dài tầm 10cm phía trên đỉnh đầu. “Mặc dù người nhà có nhặt lại được một phần miếng da bị chó cắn, với hy vọng có thể khâu lại cho bé gái. Tuy nhiên, do thời gian từ khi bị cắn đến lúc vào viện là 3 tiếng đồng hồ, chưa kể miếng da bị đứt rời, bẩn, việc ghép vào sẽ có nguy cơ hoại tử” – BS Nguyễn Quang Hà, khoa Răng Hàm Mặt (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) thông tin.

TS.BS Đỗ Bá Hưng - Khoa Tai Thần kinh (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) cho hay, khi bị chó cắn, đặc biệt ở trẻ nhỏ không chỉ mang thương tích, đau đớn cho trẻ mà một vài trường hợp vì không biết hoặc chủ quan trong điều trị vết thương do chó, mèo cắn, cào dẫn đến bị nhiễm bệnh dại. Trong khi đó, bệnh dại khi đã lên cơn tỷ lệ tử vong là 100%. Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng virus dại được truyền sang người. Cho tới nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Do vậy, ngay sau khi tai nạn xảy ra, cần sơ cứu vết thương đúng cách, tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại càng sớm càng hiệu quả. Đây vẫn là biện pháp hữu hiệu duy nhất để phòng ngừa bệnh dại cho người bị chó cắn.

Theo BS Hưng, để phòng tránh nguy cơ chó, mèo cắn, cào, người dân nên chú ý khi nuôi chó, mèo cần tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, không thả rông vật nuôi, chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh hay bảo mẫu cần hết sức lưu ý tránh để trẻ chơi với chó lạ hay chó, mèo có kích thước lớn, dữ tợn.

TS.BS Đỗ Bá Hưng - Khoa Tai Thần kinh (Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương) khuyến cáo, khi bị chó, mèo cắn, cào, đối với vết thương nhỏ cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút, sau đó làm sạch vết thương bằng các loại thuốc sát trùng như cồn, ô xy già.

Trường hợp vết thương chảy máu, dùng gạc y tế vô khuẩn đắp lên vết thương, băng ép. Nếu vết thương ngoài da sâu và máu chảy bắn thành tia cần dùng dây thun để garô xung quanh vết thương, băng lại và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc, sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc bôi, đắp vào vết thương, tự chữa bằng các mẹo dân gian, mẹo trên mạng xã hội…

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lien-tiep-tre-nhap-vien-vi-bi-cho-can-5723916.html