Liên tiếp tài xế tử vong nghi đột quỵ: Sức khỏe của lái xe phải đáp ứng điều kiện nào?

Chỉ trong thời gian ngắn đã xảy ra liên tiếp 3 vụ tài xế xe khách khi đang điều khiển phương tiện thì co giật và tử vong sau đó, nghi do bị đột quỵ. Vậy sức khỏe của tài xế phải đáp ứng những điều kiện nào để lái xe an toàn?

Liên tiếp 3 vụ tài xế xe khách tử vong nghi do bị đột quỵ

Chỉ trong thời gian ngắn đã xảy ra liên tiếp 3 vụ tài xế xe khách khi đang điều khiển phương tiện thì co giật và tử vong sau đó, nghi do bị đột quỵ.

Cụ thể, sáng 2/9, camera hành trình trên xe ghi lại cảnh tài xế B. đang lái xe chở khách từ La Gi (Bình Thuận) đến địa bàn quận 5 (TP. HCM) thì gục ngã, có dấu hiệu đột quỵ nhưng vẫn cố gượng dậy, cho xe dừng lại.

Lúc này, hành khách trên xe mới phát hiện và gọi cấp cứu đưa anh đến một bệnh viện tại quận 5 (TP. HCM) và lái xe này đã tử vong sau đó.

Tài xế B. có dấu hiệu đột quỵ, gục xuống vô lăng khi đang lái xe. Ảnh cắt từ camera.

Trước đó, trưa 1/9, tại km1726+630 Quốc lộ 1 qua thôn Minh Tiến, xã Hàm Minh (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cũng xảy ra vụ tài xế xe khách nghi bị đột quỵ và tử vong.

Tương tự, ngày 7/8, tài xế S.T. đang chở khách từ TP.HCM đi Sóc Trăng cũng bị đột quỵ. Để đảm bảo an toàn cho hành khách, anh S.T. vẫn gắng gượng đánh lái, tấp xe vào lề. Sau đó anh được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Sức khỏe của tài xế cần đáp ứng điều kiện nào để lái xe an toàn?

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc công ty luật Pháp trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, điều kiện về sức khỏe của tài xế là yếu tố vô cùng quan trọng, chỉ khi đủ sức khỏe tối thiểu thì tài xế mới có thể lái xe an toàn.

Theo bảng phụ lục 01 tiêu chuẩn sức khỏe thi bằng lái xe ô tô quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21/8/2015, tuy đã bỏ quy định về chiều cao, cân nặng, ngực lép, bàn tay bàn chân mất hoặc thừa một ngón thì thông tư trên quy định rõ các bệnh tật sau sẽ không được lái xe:

Với hạng A1, những người mắc một trong các bệnh, tật như: Rối loạn nhận biết ba màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh lá cây; thị lực nhìn xa hai mắt dưới 4/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính), còn một mắt, thị lực dưới 4/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính).

Đang rối loạn tâm thần cấp; rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi…

Với người lái xe hạng B1: Rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ sáu tháng; rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi. Chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý. Thị lực nhìn xa hai mắt dưới 5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính); nếu còn một mắt, thị lực dưới 5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính).

Với những người lái xe các hạng A2, B2, C, D, E, FE: Rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 24 tháng; rối loạn tâm thần mạn tính. Thị lực nhìn xa từng mắt: Mắt tốt dưới 8/10 hoặc mắt kém dưới 5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính); tật khúc xạ có số kính: trên 5 diop hoặc trên 8 diop; các bệnh chói sáng, quáng gà. Cụt, mất chức năng hai ngón tay của một bàn tay trở lên hoặc cụt, mất chức năng một bàn chân trở lên.

Ngoài ra, tại khoản 3, Điều 34, Nghị định 10/2020/NĐ-CP và khoản 2, Điều 11, Thông tư 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT quy định người sử dụng lái xe ô tô phải có trách nhiệm "tổ chức khám sức khỏe định kỳ và thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động (bao gồm cả lái xe, nhân viên phục trên xe) theo quy định của pháp luật về lao động".

Theo quy định của Điều 21, Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 thì hàng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần.

Như vậy, để đảm bảo tham gia giao thông thì người sử dụng lao động lái xe ô tô bắt buộc phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần/năm cho người lao động, còn người lao động có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe.

Còn trong trường hợp người sử dụng lao động lái xe ô tô có hành vi không khám sức khỏe định kỳ cho tài xế lái xe thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm k, khoản 2 và điểm a, khoản 7, Điều 28, Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Cụ thể, bị phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 2 - 4 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe theo quy định.

Hiện nay các chuyên gia y tế khuyến cáo, mọi người trong đó có những người làm việc trong lĩnh vực tài xế nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ đều đặn 1 - 2 lần/năm để tầm soát các vấn đề sức khỏe.

Phúc Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lien-tiep-tai-xe-tu-vong-nghi-dot-quy-suc-khoe-cua-lai-xe-phai-dap-ung-dieu-kien-nao-169230906134856514.htm