Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm người nhập viện, lo ngại còn gia tăng

Từ đầu hè đến nay, số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước tăng nhanh, khiến hàng trăm người nhập viện, mới nhất là vụ ngộ độc nghi do ăn tiết canh dê ở Thái Bình. Nguy cơ gia tăng đang ở mức báo động.

Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn khiến hàng trăm người nhập viện

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 4-2024, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm, với 267 người bị ngộ độc. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 24 vụ ngộ độc thực phẩm với 835 người bị ngộ độc, trong đó có 3 người tử vong…

Trên thực tế, số nạn nhân của ngộ độc thực phẩm còn lớn hơn nữa. Đáng chú ý nhất là vụ ngộ độc tại tỉnh Đồng Nai cuối tháng 4 đầu tháng 5, khiến 560 người nhập viện (tính đến sáng 4-5) sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì cô Băng (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh).

Qua kiểm tra, tiệm bánh mì cô Băng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP, giấy khám sức khỏe, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào…

Trước đó vào tháng 3-2024, đã có 368 người bị ngộ độc sau khi ăn cơm gà Trâm Anh tại TP Nha Trang (Khánh Hòa). Chi cục ATVSTP tỉnh Khánh Hòa nhận định nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn (Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus).

Tại phía bắc cũng vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm ở đám cỗ cưới tại TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình) khiến gần 20 người phải nhập viện, 01 người tử vong. Cơ quan chức năng đang xác minh nguyên nhân, theo thông tin ban đầu thì các ca ngộ độc đều nghi ngờ do ăn món tiết canh dê trong bữa cỗ ngày 1 và 2-5…

Tần suất dày đặc các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong 2 tháng qua đặt ra nhiều vấn đề đáng báo động đối với công tác bảo đảm ATTP.

Nguyên nhân chung được Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế chỉ ra là do thời tiết nóng ẩm mùa hè thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy - hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ.

Mặt khác, quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm chưa đúng cách, cùng với ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP của một số cơ sở sản xuất, chế biến chưa nghiêm…

Các chuyên gia y tế cảnh báo, vào mùa hè, nguy cơ ngộ độc thực phẩm cấp tính tăng gấp nhiều lần so với các mùa khác trong năm. Từ nay đến tháng 8-2024 là thời điểm thường gia tăng các vụ ngộ độc.

Trước thực trạng trên, vào ngày 3-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 44/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, cơ sở thức ăn đường phố. Đồng thời tăng cường kiểm tra ATTP, xử lý nghiêm các vi phạm; nghiên cứu xây dựng, sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo sự cố ATTP.

Để ngăn chặn tình trạng ngộ độc thực phẩm tiếp tục gia tăng, Cục ATTP – Bộ Y tế đề nghị ngành Y tế và cơ quan chức năng các địa phương tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình;

Quá trình kiểm tra cần chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan đông người trên địa bàn. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/lien-tiep-cac-vu-ngo-doc-thuc-pham-khien-hang-tram-nguoi-nhap-vien-lo-ngai-con-gia-tang-post575572.antd