Liên kết vùng trong phát triển nhanh và bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 27-10, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: 'Liên kết vùng trong phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long'.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Lê Công Lý, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang; Tiến sĩ Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV; Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Loan, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đồng chủ trì Hội thảo.

 Quang cảnh Hội thảo "Liên kết vùng trong phát triển vùng nhanh và bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long".

Quang cảnh Hội thảo "Liên kết vùng trong phát triển vùng nhanh và bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long".

Mục đích của Hội thảo là làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về liên kết vùng trong phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả liên kết vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó góp phần triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 Các diễn giả thảo luận tại hội thảo.

Các diễn giả thảo luận tại hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được kết quả khá toàn diện; trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện, khách quan kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn những bất cập và khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Những hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân, song có nguyên nhân quan trọng đó là “tư duy về liên kết vùng phát triển nhanh và bền vững còn chậm đổi mới”, “cơ chế điều phối, kết nối vùng còn nhiều bất cập”; tính liên kết vùng chưa đem lại hiệu quả so với tiềm năng, lợi thế vùng và của từng địa phương.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Trong 2 phiên thảo luận, đã có 50 tham luận của các cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học đến từ các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và một số trường đại học, cơ quan nghiên cứu ở trong và ngoài khu vực. Các tham luận đã làm rõ về mặt lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về tăng cường liên kết vùng giữa một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long với Đông Nam Bộ thời gian qua. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng chỉ rõ thực trạng, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tin, ảnh: THÚY AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/lien-ket-vung-trong-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-vung-dong-bang-song-cuu-long-748905