Liên kết vùng Đông Nam Bộ cần 'phân vai' cụ thể

Vùng Đông Nam Bộ với TP.HCM là trọng tâm có vai trò quan trọng về kinh tế. Đây là vùng có tốc độ phát triển rất nhanh, tuy nhiên thời gian qua việc phát triển vẫn 'mạnh ai nấy làm', thiếu dấu ấn trong sự liên kết.

Cần thống nhất trong điều phối

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho rằng, thời gian tới các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ cần đẩy mạnh kết nối vùng trong lĩnh vực giao thông. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện đang triển khai dự án sân bay Long Thành, dự kiến đưa vào sử dụng tháng 9/2026.

Ông Đức đề nghị TP.HCM và các tỉnh lân cận hỗ trợ để hoàn chỉnh hệ thống giao thông kết nối. Trong đó, đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn 1A đi qua địa bàn huyện Nhơn Trạch đã thực hiện trên 90% bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tỉnh cam kết trước tháng 6/2024 hoàn thành toàn bộ công tác này.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cần cơ chế đặc thù (Ảnh: Lưu Sơn)

Đối với dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, ông Đức kiến nghị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp báo cáo Thủ tướng, Quốc hội ban hành nghị quyết, cơ chế đặc thù để thực hiện.

Theo ông Đức: "Cho cơ chế đặc thù để thực hiện dự án công trình trên tuyến đường bộ hiện hữu Quốc lộ 51 theo hình thức BOT, giống như thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội cho TP.HCM để thực hiện một số cầu vượt, nút giao quan trọng trên Quốc lộ 51".

Còn ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nêu khó khăn về vấn đề vật liệu xây dựng với dự án Vành đai 3 TP.HCM. Trong đó, ở Bình Dương khó khăn nhất là cát san lấp và cát để đắp.

Ông Minh cho biết: "Rất mong Ban chỉ đạo của Vành đai 3 tiếp tục quan tâm để có sự thống nhất, điều phối gấp. Đặc biệt ở gói san lấp đường, đòi hỏi phải đủ vật liệu để chuẩn bị vì cần thời gian để đảm bảo kỹ thuật".

Bình Dương gặp khó trong cát san lấp cho Vành đai 3 TP.HCM (Ảnh: Thiên Lý)

Phân công vùng để phát huy lợi thế

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh, Vùng Đông Nam Bộ có lợi thế rất lớn, do đó góc độ hợp tác vùng cũng phải thể hiện được tầm nhìn để khai thác tiềm năng, thế mạnh. Vùng phát triển thì mỗi địa phương cũng sẽ phát triển theo.

Ông Ngọc cho rằng, ngoài hợp tác song phương từng địa phương thì liên kết vùng vẫn là quan trọng nhất, với tâm điểm là TP.HCM. Hạ tầng giao thông của vùng là quan trọng nhất để tạo ra động lực phát triển kinh tế.

"Quy hoạch vùng là để cho vùng phát triển, không thể nói các bộ ngành đang làm quy hoạch lại lắng nghe ý kiến của mình. Đó là việc thiết thực, mà đang làm. Về lâu dài, giữa tỉnh này với tỉnh kia cũng cần cao tốc" - ông Ngọc nêu rõ.

Người dân xem quy hoạch Vành đai 3 (Ảnh: Duy Phương)

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, việc phân công ngành, lĩnh vực để phát huy lợi thế so sánh của từng tỉnh. Theo ông Lĩnh, phân công vùng rất quan trọng, cần phải làm bài toán về lợi thế so sánh từng vùng để phân công lại.

Cùng với đó, ông Lĩnh đề nghị vùng Đông Nam Bộ cũng cần chú trọng hơn tới mục tiêu tăng trưởng xanh để sự phát triển của vùng được bền vững, tăng sức cạnh tranh hơn.

"Net zero là dự án toàn diện, cụ thể và thiết thực đối với việc tiếp cận của vùng với thị trường thế giới. Nếu không nỗ lực với net zero sẽ rất ảnh hưởng tới hàng hóa đi các nơi trong thời gian tới. Đề nghị mỗi tỉnh đều có dự án để thúc đẩy việc này" - ông Lĩnh bày tỏ.

Những năm gần đây, các động lực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ đang giảm dần và tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại. Các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý cùng đồng thuận cho rằng, mỗi tỉnh, thành phố trong vùng cần liên kết chặt chẽ, có sự thống nhất trong "phân vai", dựa trên lợi thế riêng và hỗ trợ lẫn nhau để cùng đẩy nhanh tốc độ phát triển bền vững.

Duy Phương/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/lien-ket-vung-dong-nam-bo-can-phan-vai-cu-the-post1083775.vov