Liên kết tiêu thụ tạo đầu ra ổn định, bền vững cho trái vú sữa

Sóc Trăng có diện tích cây ăn trái gần 29.000ha, được trồng tập trung tại các huyện: Kế Sách, Mỹ Tú, Châu Thành, Cù Lao Dung, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm. Trong các loại trái cây đặc sản, gồm: nhãn, bưởi da xanh, bưởi năm roi, xoài, sầu riêng..., trái vú sữa đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Để đưa được trái vú sữa 'xuất ngoại', ngoài việc luôn đảm bảo chất lượng của trái theo yêu cầu của nhà nhập khẩu thì khâu liên kết với công ty tiêu thụ được xem là yếu tố quan trọng, giúp trái vú sữa xuất khẩu thuận lợi.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Sóc Trăng, diện tích trồng cây vú sữa trên địa bàn tỉnh hơn 2.300ha, tập trung chủ yếu tại huyện Kế Sách, gồm các giống chủ lực, như: vú sữa tím, lò rèn, bơ hồng. Theo đó, diện tích vú sữa đã được cấp mã số vùng trồng hơn 196ha, với 25 mã. Để sản phẩm trái vú sữa đạt sản lượng lớn cùng chất lượng và tiêu thụ tốt trên thị trường, khoảng 6 năm trở lại đây, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng đã hỗ trợ nhà vườn trồng vú sữa kết nối nhau, thành lập các hợp tác xã chuyên trồng vú sữa. Cùng với đó, hỗ trợ các hợp tác xã kêu gọi công ty, doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ trái vú sữa cho các hợp tác xã. Qua đó, giữa các công ty, doanh nghiệp và hợp tác xã đã hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm vú sữa trên thị trường trong nước và xuất khẩu đi các nước Úc, New Zealand, Trung Quốc và EU.

Tính từ năm 2018 đến nay, sản lượng vú sữa giữa công ty, doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết tiêu thụ hơn 770 tấn, trong đó xuất khẩu hơn 565 tấn, sản lượng còn lại tiêu thụ trong nước. Cụ thể, niên vụ vú sữa 2018 - 2019 hơn 32 tấn; niên vụ 2019 - 2020 hơn 99 tấn; niên vụ 2021 - 2022 hơn 153 tấn và niên vụ 2022 - 2023 hơn 118 tấn. Giá vú sữa được công ty, doanh nghiệp xuất khẩu mua tại hợp tác xã trung bình từ 30.000 - 60.000 đồng/kg (tùy thời điểm), cao hơn thị trường từ 16.000 - 18.000 đồng/kg.

Hầu hết diện tích trồng vú sữa tại các hợp tác xã trên địa bàn huyện Kế Sách đều áp dụng quy trình sản xuất bao trái để đảm bảo chất lượng. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Sử Quốc Lộc - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Mãi, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách chia sẻ: “Hợp tác xã trồng chủ yếu 2 giống vú sữa là lò rèn và vú sữa tím, với diện tích hơn 27ha đã được cấp mã số, trong đó vú sữa lò rèn được ngành chuyên môn cấp 2 mã, vú sữa tím 3 mã. Chính nhờ vào việc được cấp mã, cùng sự hướng dẫn quy trình sản xuất trái theo tiêu chuẩn VietGAP của ngành Nông nghiệp tỉnh, nên hợp tác xã đã ký kết được hợp đồng liên kết tiêu thụ với các công ty thu mua xuất khẩu vú sữa. Từ năm 2020 đến nay, sản lượng vú sữa hợp tác xã đã cung ứng cho công ty xuất khẩu hơn 180 tấn. Ngoài sản lượng vú sữa cung cấp công ty xuất khẩu, số lượng vú sữa còn lại của hợp tác xã khoảng 1.000 - 1.200 tấn/năm được bán cho các doanh nghiệp thu mua đưa vào các cửa hàng cao cấp, giá bán cao hơn so với bên ngoài từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Riêng giá bán trái vú sữa có hợp đồng liên kết với công ty xuất khẩu luôn ổn định ở mức 30.000 đồng/kg, cao hơn bên ngoài từ 16.000 - 20.000 đồng/kg, đã góp phần tăng lợi nhuận đáng kể cho nhà vườn”.

Đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng cho biết: “Thông qua việc liên kết với công ty xuất khẩu trái vú sữa cho thấy, hàng năm sản lượng vú sữa xuất khẩu của tỉnh Sóc Trăng đều tăng. Bên cạnh đó, tại xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vina T&T đã xây dựng cơ sở thu mua, sơ chế và đóng gói vú sữa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong quá trình sản xuất và vận chuyển đến nơi tập kết hàng hóa, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đồng thời, để duy trì tốt hợp đồng liên kết tiêu thụ vú sữa, đơn vị tuyên truyền đến các hợp tác xã, nhà vườn tuân thủ đúng việc sử dụng mã số vùng trồng, theo yêu cầu các nước nhập khẩu. Hỗ trợ hợp tác xã, nhà vườn áp dụng kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ; sử dụng các loại thuốc phun xịt trên cây vú sữa trong danh mục cho phép và tiến hành bao trái nhằm kiểm soát dịch hại tấn công trái. Hướng dẫn nhà vườn ghi chép nhật ký canh tác. Cùng với đó, nhân rộng diện tích trồng vú sữa rải vụ, để thời gian cung ứng trái cho công ty thu mua xuất khẩu kéo dài đến tháng 7, 8 hàng năm”.

“Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong khâu quản lý và liên kết tiêu thụ sản phẩm trái vú sữa, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ hỗ trợ cho các hợp tác xã xây dựng các vùng trồng cây ăn trái đạt tiêu chuẩn cấp mã số và áp dụng các biện pháp rải vụ phù hợp từng khu vực, điều kiện của địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhà vườn trong quá trình canh tác. Tiếp tục mời gọi công ty, doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng vùng trồng để liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Tăng cường quảng bá, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho trái vú sữa…”, - đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng thông tin.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/lien-ket-tieu-thu-tao-dau-ra-on-dinh-ben-vung-cho-trai-vu-sua-66546.html