Liên kết tiêu thụ nông sản vẫn là 'bài toán' khó

Mặc dù các ngành chức năng của tỉnh đã khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản cho bà con, nhưng ở một số nơi, việc tiêu thụ nông sản vẫn phụ thuộc chính vào thương lái, 'tự sản, tự tiêu'.

Hiện nay, 87 hộ dân ở xóm Khe Đù (xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên) đã chuyển hết hoặc chuyển một phần diện tích trồng nhãn sang trồng chuối Tiêu Hồng.

Khoảng 10 năm về trước, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) là một trong những địa phương có diện tích trồng nhãn lớn của tỉnh, với khoảng 200ha, tập trung nhiều ở xóm Khe Đù và Khe Lánh. Để tạo điều kiện cho người dân phát triển cây nhãn, các cấp chính quyền đã đầu tư mở rộng đường từ trung tâm xã vào vùng trồng cây ăn quả; tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt; hỗ trợ nhà kho chứa hoa quả sau thu hoạch; các ngân hàng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được vay vốn đầu tư làm ăn...

Tưởng chừng cây nhãn sẽ là cây trồng chủ lực và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, nhưng do năm được mùa, năm mất mùa, giá bán thấp, thu không đủ chi, nên khoảng 4 năm nay người dân trong xã lại ồ ạt chuyển sang trồng chuối. Hiện nay, diện tích trồng chuối vào khoảng hơn 200ha.

Ông Nguyễn Viết Quỳnh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thành Hưng, cho biết: HTX được thành lập năm 2008 với mong muốn tập hợp các hộ trồng nhãn để hỗ trợ về kỹ thuật, phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất an toàn nhằm tạo thương hiệu và đầu ra ổn định cho sản phẩm. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, 10 thành viên trong HTX vẫn tự lo khâu tiêu thụ, chủ yếu là bán cho các thương lái. Hiện nay, cây chuối cũng thế, khi đến thời gian thu hoạch là chúng tôi lại gọi điện thoại cho các thương lái ở tỉnh Thanh Hóa và TP. Hà Nội đến thu mua, chứ chưa ký được hợp đồng với doanh nghiệp nào.

Anh Lương Ngọc Hoàng bán sản phẩm rau, củ của Hợp tác xã Nông sản an toàn Yên Đổ tại một hội chợ do Sở Công Thương tỉnh tổ chức.

Câu chuyện ở Phúc Thuận cũng đang diễn ra ở nhiều xã có diện tích trồng cây ăn quả lớn, như: Nam Hòa (Đồng Hỷ), Tràng Xá (Võ Nhai)... Hiện nay, ngoài mô hình cây ăn quả, một số mô hình khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ví dụ như mô hình sản xuất rau hữu cơ của HTX Nông sản an toàn Yên Đổ, xã Yên Đổ (Phú Lương). Năm 2017, khi HTX mới thành lập, có 15 hộ tham gia trồng rau theo hướng hữu cơ với tổng diện tích 15.000m2 và được các ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ hệ thống tưới tiêu tự động, tủ bảo ôn, máy sấy, tem, mác, bao bì đóng gói sản phẩm... Nhưng sau mấy năm đi vào hoạt động, đến nay, diện tích trồng rau hữu cơ đã thu hẹp lại chỉ còn hơn 3.600m2.

Chia sẻ về nguyên nhân, anh Lương Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, cho biết: Lúc đầu, do có nơi tiêu thụ nên rau làm đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, giá cả cũng ổn định. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, giá bán rau thấp, có thời điểm trung bình chỉ đạt 2.000 đồng/kg và khó tiêu thụ, Vì thế, nhiều hộ lại chuyển sang trồng ngô, lúa và một số loại cây khác.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho giá trị kinh tế cao là chủ trương lớn của Nhà nước, nhằm góp phần tăng thu nhập cho người dân khi diện tích đất nông nghiệp dần bị thu hẹp để nhường đất cho phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi mang lại hiệu quả thiết thực, các ngành chức năng cần có định hướng và hỗ trợ để tạo nên mối liên kết hài hòa, bền vững giữa nhà nông và doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho nông sản; đồng thời, người nông dân cũng cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn trồng cây gì, không đuổi theo điệp khúc "chặt, trồng"...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202310/lien-ket-tieu-thu-nong-san-van-la-bai-toan-kho-57d0a4f/