Liên kết sản xuất rau an toàn

Những năm gần đây, các mô hình liên kết sản xuất rau an toàn ở các huyện vùng hạ của tỉnh Long An như Cần Đước, Cần Giuộc,... đã được hình thành. Qua đó, giúp các hộ trồng rau giải quyết vấn đề đầu ra và có lợi nhuận ổn định.

Nâng cao thu nhập

Mỗi ngày hai buổi sáng, chiều, ông Nguyễn Văn Thành (ấp Trong, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) có mặt tại ruộng rau diện tích hơn 0,3ha của gia đình để chăm sóc các loại rau xanh. Ông Thành là thành viên của Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu), chuyên sản xuất các loại rau theo hướng hữu cơ như cải ngọt, cải bẹ xanh, hành lá, húng quế,...

Từ ngày vào HTX, ông Thành được các cán bộ chuyên môn của huyện tập huấn, hướng dẫn cách làm nông nghiệp sạch, an toàn, tốt cho sức khỏe của người sản xuất cũng như người tiêu dùng, sản phẩm làm ra không còn phải lo về đầu ra.

Liên kết sản xuất giúp các thành viên Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) có lợi nhuận ổn định

“Trước đây, tôi tự sản xuất và sau khi thu hoạch thì bán cho thương lái nên thường bị ép giá, lợi nhuận không cao. Từ khi tham gia HTX, tôi sản xuất theo kế hoạch HTX đưa ra nên không còn lo về vấn đề đầu ra nữa, sản xuất ra bao nhiêu thì HTX thu mua hết bấy nhiêu” - ông Thành chia sẻ.

Chỉ với hơn 0,2ha đất trồng húng quế, chị Trần Thị Nên - thành viên HTX Rau an toàn Phước Hiệp, có thu nhập ổn định, đủ lo cho gia đình và các con ăn học. Chị Nên cho biết, các loại rau chị trồng đều bảo đảm theo kế hoạch mà HTX đưa ra.

Ví dụ như vụ này, chị trồng húng quế để cung cấp cho HTX nhưng vụ sau có thể chuyển sang trồng tía tô hoặc hành lá. Từ khi tham gia HTX, chị được cán bộ kỹ thuật tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và được HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm, nhờ đó, kinh tế gia đình chị ổn định hơn trước.

HTX Rau an toàn Phước Hiệp hiện có 110 thành viên và trên 60 hộ tham gia liên kết sản xuất với tổng diện tích canh tác gần 100ha. Các thành viên khi tham gia HTX được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc rau theo quy trình VietGAP và được bao tiêu sản phẩm. Trong đó, việc bảo đảm đầu ra ổn định là yếu tố quan trọng nhất để nông dân tin tưởng và lựa chọn hình thức sản xuất này.

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Rau an toàn Phước Hiệp - Trần Thanh Minh, việc xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn không chỉ thay đổi nhận thức của người dân về kỹ thuật canh tác rau mà còn giúp thay đổi phương thức kinh doanh. HTX đang liên kết với một số doanh nghiệp và ký kết hợp đồng theo đơn đặt hàng để cung cấp rau an toàn. Thời gian tới, HTX tiếp tục áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phấn đấu đưa năng suất rau năm sau cao hơn năm trước và tăng thu nhập cho thành viên.

Những năm gần đây, huyện Cần Giuộc tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững, an toàn thực phẩm; phát triển vùng trồng rau theo quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Nguyễn Thị Hồng Châu cho biết: “Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Huyện ủy năm 2023 cũng như phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân theo Bộ tiêu chí nông thôn mới, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục triển khai các kế hoạch, chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất rau theo hướng VietGAP; khuyến khích nông dân xây dựng các mô hình trồng rau khép kín, sử dụng nhà lưới, nhà màng, áp dụng tưới tiết kiệm, tưới tự động;…”.

Hướng đến sản xuất bền vững

Tại huyện Cần Đước, HTX Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước) được biết đến là một trong những HTX đầu tiên xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn. Hiện HTX có 30ha rau, trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp cho thị trường khoảng 1-2 tấn rau an toàn và 400-500kg rau hữu cơ.

Thành viên Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước) thu hoạch rau

Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai - Lê Văn Giấy cho hay: “Hiện nay, HTX ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm an toàn, cung cấp thực phẩm sạch cho một số cơ sở giáo dục, siêu thị, cửa hàng tiện ích,... trên địa bàn tỉnh và TP.HCM. HTX luôn đặt chất lượng sản phẩm lên trên hết nên được các khách hàng và người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao”.

Chị Trần Thị Thúy Kiều - thành viên HTX Rau an toàn Mười Hai, nói: “Tôi có 0,1ha đất đang trồng rau húng lủi, tía tô và húng quế để cung cấp cho HTX. Trung bình mỗi ngày, tôi cung cấp khoảng 60kg rau các loại, tùy theo đơn đặt hàng. Bên cạnh đó, tôi cũng làm thêm việc sơ chế rau tại HTX, mỗi tháng có thêm thu nhập từ 7-10 triệu đồng”.

Thông tin từ UBND huyện Cần Đước, để hỗ trợ các mô hình sản xuất rau an toàn, UBND huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào các HTX, tổ hợp tác để phát triển vùng chuyên canh rau an toàn. Hàng năm, huyện tổ chức nạo vét kênh, mương thủy lợi nội đồng, khơi thông dòng chảy bảo đảm việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, huyện phối hợp các sở, ngành liên quan mở các lớp tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác, nâng cao trình độ sản xuất kết hợp bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường.

Liên kết sản xuất rau an toàn là hướng đi hiệu quả, mang lại sinh kế cho nhiều hộ nông dân; đồng thời, giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần phát huy lợi thế của địa phương, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững./.

Bùi Tùng - Hoàng Tuân

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/lien-ket-san-xuat-rau-an-toan-a167109.html