Liên kết rạn nứt, học viên lãnh đủ

Trong quá trình liên kết đào tạo giữa các trường ĐH, CĐ với doanh nghiệp, đã không ít trường hợp phát sinh mâu thuẫn giữa hai bên mà người chịu thiệt chính là học viên

Sau khi thông tin về loạn liên kết đào tạo trên số báo ra ngày 16-4, phóng viên Báo Người Lao Động tiếp tục mở rộng điều tra và phát hiện thêm nhiều vấn đề đáng lưu ý xung quanh việc liên kết đào tạo của các trường ĐH, CĐ tại TPHCM. Đặc biệt là những phát sinh mâu thuẫn giữa hai bên khiến học viên điêu đứng. Điển hình là việc liên kết đào tạo giữa Trường CĐ nghề Công nghệ Kỹ thuật Ladec (gọi tắt là Trường CĐ Ladec) với Công ty TNHH Tư vấn dịch vụ đào tạo Đông Âu (gọi tắt là Công ty Đông Âu).

Bên đẩy đi, bên kéo về

Năm 2010, Trường CĐ Ladec liên kết với Công ty Đông Âu tuyển sinh 4 ngành, gồm: kế toán doanh nghiệp, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin với số lượng trúng tuyển gần 200 học viên.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Đông Âu chỉ được cấp phép đào tạo nghề trình độ sơ cấp nhưng sau khi tuyển sinh, công ty đã đứng ra tổ chức đào tạo CĐ nghề tại địa chỉ số 2A Trần Hòa (quận 5). Sau đó, học viên chuyển địa điểm học qua số 74 Minh Phụng (phường 5, quận 6). Vào tháng 12-2011, nhiều học viên tá hỏa khi nhận được thông báo của hiệu trưởng Trường CĐ Ladec, yêu cầu học viên phải đăng ký học và đóng học phí tại 3 cơ sở khác của trường là 89A Lý Phục Man (quận 7), 374 Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) và 813 Lũy Bán Bích (quận Tân Phú).

Cơ sở 74 Minh Phụng (quận 6 - TPHCM) từng được Công ty Đông Âu thuê làm cơ sở đào tạo của Trường CĐ Ladec, nay tiếp tục là cơ sở của Trường CĐ nghề Phú Châu. Ảnh: GIA THÙY

Cùng thời điểm này, giám đốc Công ty Đông Âu cũng thông báo: “Yêu cầu tất cả học viên thuộc cơ sở 74 Minh Phụng vẫn theo thời khóa biểu đi học bình thường. Cơ sở sẽ cho kiểm tra sĩ số mỗi buổi học. Những học sinh nào học song song giữa cơ sở quận 6 và cơ sở Lũy Bán Bích thì giám đốc công ty sẽ không xác nhận đó là sinh viên thuộc cơ sở quận 6, dù đã đóng học phí”. Trong tình thế một bên đẩy đi, một kéo về, học viên tại cơ sở này không biết phải xử trí thế nào.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Ladec, cho biết trường hợp tác với Công ty Đông Âu nhưng vẫn là cơ quan chủ quản. Ban đầu, Công ty Đông Âu đào tạo học viên tại số 2A Trần Hòa có hội trường, sân chơi… khá rộng rãi. Sau một năm, Công ty Đông Âu nói rằng tiền thuê địa điểm này quá cao nên đã chuyển học viên về cơ sở 74 Minh Phụng. Thế nhưng, do cơ sở vật chất ở địa điểm này không bảo đảm nên trường yêu cầu học viên chuyển qua cơ sở khác.

Bà Đặng Thị Thanh Phương, Giám đốc Công ty Đông Âu, cho biết khi chuyển qua cơ sở 74 Minh Phụng, đại diện của Trường CĐ Ladec đã qua kiểm tra, thẩm định và trung tâm đã sửa chữa phòng ốc theo yêu cầu của trường nên nguyên nhân ngừng hợp tác không thể là do cơ sở vật chất. Tuy nhiên, bà Phương từ chối nói rõ lý do vì sao lại xảy ra cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” này.

Bỏ ngỏ đầu ra

Bà Phương cho biết thêm do không phải là đơn vị cấp bằng mà chỉ phối hợp đào tạo nên khi ngừng hợp tác, Công ty Đông Âu buộc phải bàn giao học viên cho Trường CĐ Ladec. Ngày 27-2, học viên cơ sở 74 Minh Phụng nhận được thông báo lần 2 yêu cầu phải đăng ký học tại 3 cơ sở đã nêu từ ngày 1 đến 15-3, trường không giải quyết sau thời hạn trên.
Cũng theo bà Phương thì đến thời điểm này, cơ sở 74 Minh Phụng còn khoảng 150 học viên, trong đó 41 học viên đăng ký chuyển qua cơ sở 374 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, 47 học viên về cơ sở 813 Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, một số khác thì nghỉ học. Ngoài ra, còn hơn 30 học viên không đồng ý chuyển tới các cơ sở của Trường CĐ Ladec nên được bố trí qua Trường CĐ nghề Phú Châu (một đối tác khác của Công ty Đông Âu) để tiếp tục học.

Ông Phí Ngọc Quân, Trưởng phân hiệu phía Nam Trường CĐ nghề Phú Châu, xác nhận đã tiếp nhận số học viên nói trên để các em không bị gián đoạn việc học. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa hoàn thành các thủ tục chuyển trường cho học viên vì chưa chốt được danh sách cuối cùng. Dù vậy, các học viên này cũng đã được bố trí học tại cơ sở của Trường CĐ nghề Phú Châu (đường Lê Hồng Phong, quận 10). Trong đó, một số học viên ngành tài chính ngân hàng phải chuyển sang ngành kế toán doanh nghiệp vì Trường CĐ nghề Phú Châu chưa mở mã ngành này.

Bình mới, rượu cũ

Năm 2011, Công ty Đông Âu từng liên kết với Trường CĐ Viettronics Hải Phòng tuyển sinh và đào tạo tại địa chỉ 74 Minh Phụng (quận 6) khi trường CĐ này chưa được cấp phép lập cơ sở tại TPHCM (Báo Người Lao Động số ra ngày 7-10-2011 đã phản ánh). Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh về việc liên kết sai phép này, Công ty Đông Âu đã trả sinh viên cho các trường. Trong đó, sinh viên Trường CĐ Viettronics đã phải chuyển qua một trường CĐ khác.
Hiện nay, Công ty Đông Âu tiếp tục liên kết đào tạo với Trường CĐ nghề Phú Châu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng Phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB-XH TPHCM, khẳng định Trường CĐ nghề Phú Châu (trụ sở chính ở Hà Nội) chưa hề thông qua sở về việc có mặt và hoạt động tại TPHCM.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20120417090614747p0c1017/lien-ket-ran-nut-hoc-vien-lanh-du.htm