Liên kết hợp tác tạo thế mạnh bền vững

'Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau' được xem như kim chỉ nam cho một ngành nông nghiệp phát triển lâu dài, bền vững nói chung, từng địa phương nói riêng. Với đặc thù nông nghiệp gắn liền với công nghiệp chế biến và xuất khẩu, tỉnh Đồng Nai hướng đến một ngành nông nghiệp chất lượng cao với sự đồng lòng, chung sức liên kết của nhiều mắt xích trong chuỗi nông nghiệp.

Nâng cao năng lực sản xuất

Vườn ca cao do người dân liên kết với doanh nghiệp trồng ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Ảnh tư liệu: Công Phong/TTXVN

Liên kết, hợp tác cùng nhau phát triển vốn đã được Ban chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ trong Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (Nghị quyết 19). Từ Nghị quyết 19, tỉnh Đồng Nai đã xác định và phát huy vai trò của đơn vị, tổ chức kết nối nông dân, hướng nông dân đến với tinh thần học hỏi, phát triển cùng người tiêu dùng để sản xuất hiệu quả hơn.

Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, việc phát triển hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp thời gian qua trên địa bàn đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Kết quả trong năm 2023 có thêm 10 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được UBND các huyện phê duyệt, nâng tổng số dự án/kế hoạch liên kết được phê duyệt hỗ trợ là 22 dự án/kế hoạch.

Đến nay, toàn tỉnh hiện có 207 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với sự tham gia của 106 doanh nghiệp, 63 hợp tác xã và 14.431 trang trại, hộ gia đình tham gia liên kết; trong đó, 151 chuỗi trồng trọt, 44 chuỗi chăn nuôi, 5 chuỗi thủy sản và 7 chuỗi lâm nghiệp.

Cũng nhờ vào sự liên kết với nhau, nông dân Đồng Nai đã dần hình thành thói quen, tập quán sản xuất mới phù hợp với thị trường, tìm hiểu, học hỏi để nâng cao năng lực sản xuất phù hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, khi tham gia vào hợp tác xã, Tổ hợp tác hay bất kỳ một khối liên kết nào, nông dân Đồng Nai điều được hỗ trợ phát triển, nhất là về hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, tư vấn đào tạo nghề, tạo việc làm, vốn vay… đã giúp nông dân có nguồn lực để phát triển sản xuất, thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả, nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần.

Đơn cử cho những nông dân tự ý thức được muốn phát triển phải có sự liên kết lẫn nhau, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Thanh Bình, sản xuất và xuất khẩu chuối tươi tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai chia sẻ, nông dân muốn sản xuất giỏi, tiêu thụ sản phẩm tốt, phát triển kinh tế phải bắt tay nhau. Đoàn kết là sức mạnh, nâng cao khả năng sáng tạo. Khi đủ sáng tạo, không có thứ gì đáng bỏ đi, chỉ có chưa biết cách tận dụng. Vì vậy, cần phải liên tục tìm cách biến thành sản phẩm có giá trị.

Ngay từ lúc bắt đầu, Hợp tác xã Thanh Bình đã nằm trong lòng thủ phủ chuối tươi của huyện Trảng Bom. Tuy nhiên, ông Hùng đã nghiên cứu để biến những phụ phẩm từ cây chuối thành những mặt hàng xuất khẩu đắt giá như sợi chuối, bột chuối, chuối sấy, hàng thủ công mỹ nghệ…

Những năm qua, các sản phẩm chuối của Hợp tác xã Thanh Bình đã xuất khẩu sang các thị trường Trung Đông, Hàn Quốc, Trung Quốc... Riêng mặt hàng chuối tươi, khi vào mùa mỗi tháng, hợp tác xã xuất đi khoảng 12 - 15 container.

Nhờ hoạt động hiệu quả, hợp tác xã đang là điểm tựa làm giàu cho 10 thành viên góp vốn và hơn 30 thành viên liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trên diện tích 300 ha. Năng suất trung bình lên đến 50-60 tấn/ha. Ngoài ra, hợp tác xã còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 50 lao động thường xuyên với thu nhập từ 9-10 triệu đồng/người/tháng, ông Lý Minh Hùng cho biết thêm.

Sử dụng nguồn lực hiệu quả

Nhằm hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sản xuất tốt và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiệu quả, trong năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 177/KH-SNN ngày 16/1/2023 về phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ 6 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn; tổ chức 12 lớp tập huấn chính sách về liên kết cho 930 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân; tổ chức 1 hội nghị nhân rộng mô hình về liên kết (mô hình chăn nuôi, tiêu thụ chim trĩ tại huyện Xuân Lộc).

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết, thông qua các hoạt động liên kết, kết nối các nguồn lực như sự hỗ trợ khoa học kĩ thuật của doanh nghiệp dành cho các hợp tác xã, tư vấn đào tạo nghề và việc làm, hỗ trợ nguồn vốn lãi suất thấp, ưu đãi từ ngân hàng, quỹ hỗ trợ nông dân, đội ngũ nông dân Đồng Nai có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất và nâng cao năng lực sản xuất so với trước đây.

Tính đến hết tháng 11/2023, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã giải ngân 115,97 tỷ đồng, cho vay 2.521 hộ, 260 dự án nhóm hộ. Hội Nông dân tỉnh đã vận động hơn 10 ngàn hộ nông dân sản xuất giỏi giúp đỡ hơn 4 ngàn hộ nghèo, khó khăn cho vay lãi suất 0% với 75,2 tỷ đồng; trên 60.000 ngày công và hơn 476 tỷ đồng số vật tư đầu vào phục vụ sản xuất (phân bón, cây, con giống, lương thực...).

Cũng nhờ những nguồn lực này, nhiều hộ nông dân đã trở nên phát triển và khá giả hơn so với trước. Như hộ ông Lê Văn Quyết tại khu Phước Hải, thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) với mô hình chăn nuôi gà công nghệ cao theo chuỗi liên kết, lợi nhuận thu hàng năm đạt 30 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động, thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. Hoặc như ông Nguyễn Huy Bình tại xã Phước An ( huyện Nhơn Trạch) với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, lợi nhuận thu được hàng năm khoảng 6 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 -20 lao động địa phương với thu nhập từ 7-12 triệu đồng.

Khi nói về những trợ lực từ sự liên kết sản xuất và tiêu thụ trong nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai, giúp nông dân phát huy nhiều năng lực tiềm ẩn, ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức chia sẻ, nếu nông dân không có sự liên kết với nhau thì sẽ khó tiếp cận được khoa học công nghệ và những thủ thuật sản xuất hiệu quả. Bằng mối liên kết và nhận được hỗ trợ kiến thức của các doanh nghiệp, nông dân trồng ca cao tại huyện Định Quán tạo ra trái ca cao chất lượng, có hạt ca cao chất lượng để phục vụ cho xuất khẩu, không gây lãng phí một lượng lớn ca cao có thể cung ứng cho nhà máy chế biến các loại sản phẩm xuất khẩu từ ca cao.

"Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hiện nay được xác định là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai sẽ tiếp tục tập huấn nông dân để nâng cao nhận thức về chuỗi giá trị cho người sản xuất, để các mắt xích trong chuỗi liên kết không bị dứt gãy do bất hòa về lợi ích, hỗ trợ các chủ thể liên kết chứng nhận, bảo hộ nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp cũng kiểm nghiệm đăng ký mã số, mã vạch, tư vấn phát triển sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực tổ chức sản xuất theo hợp đồng, năng lực tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại cho hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất", ông Trần Lâm Sinh cho biết thêm.

Văn Việt - Hồng Nhung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/lien-ket-hop-tac-tao-the-manh-ben-vung-20231209151229168.htm