Liên hoan Tiếng hát Đường 9 xanh: Từ Khe Sanh hướng về Đại lễ

VH- Diễn ra từ 21-25.7 tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, LH Tiếng hát Đường 9 xanh 2010 có sự tham gia của hơn 300 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp.

Đã có khá nhiều đơn vị nghệ thuật đăng ký tham dự LH, bởi LH Tiếng hát Đường 9 xanh (định kỳ 2 năm một lần) đã là một thương hiệu được tạo nên từ ý nghĩa của việc tri ân quá khứ. Mong muốn thế, nhưng do kế hoạch biểu diễn đột xuất theo yêu cầu của địa phương, phút chót nhiều đoàn đã ngậm ngùi rút tên khỏi danh sách. Cuộc đua chỉ còn lại 5 đơn vị nghệ thuật: Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Bình Dương, Đoàn nghệ thuật Quân khu IV, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long- Hà Nội, Đoàn Nghệ thuật Quảng Trị và Đoàn Nghệ thuật ca múa nhạc tỉnh Kon Tum. Tiếp nối sự thành công của các LH trước, LH lần này vẫn bám sát các chủ đề gắn liền với thương hiệu “Đường 9 xanh”- ca ngợi những giá trị cao cả của quá khứ hào hùng; thể hiện sự tri ân với các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên con đường 9- Khe Sanh khốc liệt năm xưa nói riêng và chiến trường Trường Sơn cũng như công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung; tôn vinh con đường xuyên Á- con đường hữu nghị hợp tác để phát triển kinh tế khu vực trong thời kỳ đổi mới và hội nhập của đất nước ta hôm nay. Bên cạnh các chủ đề truyền thống, LH lần này có thêm chủ đề mới – hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Từ Khe Sanh hướng về Hà Nội 1000 năm tuổi - ý nghĩa lắm chứ. Bởi để có một Hà Nội thanh bình hôm nay, rất nhiều người con của Hà Nội đã chiến đấu ở mặt trận Khe Sanh và vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này. Quy định độ dài tham dự LH của các đơn vị không quá 70 phút; các tiết mục phải là những sáng tác mới, nếu sử dụng một số tiết mục cũ vì lý do, ý đồ nghệ thuật cũng phải đầu tư dàn dựng lại và đảm bảo không quá 1/3 chương trình..., đích của BTC là khuyến khích các đơn vị đầu tư nâng cao chất lượng nghệ thuật. Một mặt nâng cao uy tín của các đoàn; mặt khác thông qua LH phát hiện, tuyển chọn các tiết mục tiêu biểu để phục vụ công chúng trong những ngày lễ trọng của dân tộc tới đây. Đến từ Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long khá tự tin với chương trình Thăng Long hội tụ, bao gồm các tiết mục múa, hát, hòa tấu dàn nhạc, hòa tấu trống và một đội hình nghệ sĩ khá mạnh: Biên đạo múa: NSƯT Kiều Lê- Hồng Phong; các nghệ sĩ biểu diễn: NSƯT Thanh Thanh Hiền, Mạnh Thùy, Hoàng Bách, Khánh Hòa, Minh Thu, Ngọc Anh cùng dàn múa của nhà hát. Đoàn Nghệ thuật Quảng Trị cũng không kém cạnh về độ hoành tráng khi giới thiệu chương trình 11 tiết mục đa dạng về chủ đề và phong cách nghệ thuật. Từ múa Hành trình mở đất, Đất mẹ, Nhịp Toong trên rẫy; tốp ca nam nữ: Câu Nam Bằng mở cõi đến tốp nữ với bài hát Ru con Ca tu. Tình yêu Hà Nội của đoàn Quảng Trị được thể hiện đậm nét ở 2 tiết mục: Hát múa: Đông Đô –Hà Nội và đơn ca nữ: Hạt cúc Thăng Long. Với chủ đề Khát vọng quê hương, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Bình Dương đem tới LH 12 tiết mục giới thiệu đến người xem vẻ đẹp và nét riêng của mảnh đất Bình Dương được thể hiện trong các ca khúc : Tuyệt vời gốm sứ, Hương đất tình người, Hương vị quê hương, Nhịp tình Lái Thiêu... được dàn dựng công phu. Để rồi từ mảnh đất Bình Dương, người Bình Dương lại thương về Quảng Trị với những đồng cảm sâu sắc ngân lên từ giai điệu Về một miền ca dao, Câu hò quê hương... Cũng hướng về Quảng Trị bằng cảm xúc yêu thương, chương trình dự thi của Đoàn nghệ thuật Quân khu IV mở đầu với 7 tiết mục mang nội dung : Từ quê hương Bác để rồi mở ra phần biểu diễn mang nội dung Đến với Quảng Trị yêu thương. Đó là cách những nghệ sĩ xứ Nghệ thể hiện tình yêu của mình với mảnh đất Quảng Trị kiên cường trong quá khứ. Đoàn nghệ thuật tỉnh Kon Tum mang đến Khe Sanh âm hưởng và hương vị của vùng đất Tây Nguyên huyền thoại. Với 11 tiết mục, các nghệ sĩ của Kon Tum muốn kể với người xem, họ đã và đang “Chạm bước chân xưa” ra sao qua các sáng tác: Đakbla tôm ba, Chiều qua ngục Đakgle, Những đứa con của rừng, Sáng trong buôn, Rộn ràng Tây Nguyên... Mong muốn đưa nghệ thuật đến với đông đảo người dân, để người dân được thưởng thức nghệ thuật và cảm nhận tình yêu của các nghệ sĩ cả nước đối với mảnh đất anh hùng nơi họ đang sống, BTC đã quyết định tổ chức LH ở sân khấu ngoài trời. Một sân khấu hoành tráng, hiện đại được lắp đặt tại sân vận động thị trấn Khe Sanh. Với người dân vùng đất này thì những ngày diễn ra LH thực sự là ngày hội. Nguyệt Nhi

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/vanhoavannghe/27857.vho