Lịch sử Phật giáo Trung Quốc – Phần 6

Lịch sử Phật giáo Trung Quốc - Trong tông Lâm Tế, dưới pháp hệ của pháp sư Nghĩa Huyền có pháp sư Từ Minh Sở Viên, đệ tử pháp sư Sở Viên là pháp sư Dương Kỳ Phương Hội (996-1049) lập giáo phái Dương Kỳ; một vị đệ tử khác của pháp sư Sở Viên là pháp sư Hoàng Long Huệ Nam (1002-1069) lập ra phái Hoàng Long.

Mục lục bài viết

Lịch sử Phật giáo Trung Quốc – Trong tông Lâm Tế, dưới pháp hệ của pháp sư Nghĩa Huyền có pháp sư Từ Minh Sở Viên, đệ tử pháp sư Sở Viên là pháp sư Dương Kỳ Phương Hội (996-1049) lập giáo phái Dương Kỳ; một vị đệ tử khác của pháp sư Sở Viên là pháp sư Hoàng Long Huệ Nam (1002-1069) lập ra phái Hoàng Long.

Chương VIIIPHẬT GIÁO THỜI NGŨ ĐẠI
1. Phật giáo vùng Hoa Bắc
2. Chu Thế Tông phế Phật
3. Phật giáo phương Nam
4. Thiền Tông
5. Tông Lâm Tế và tông Quy Ngưỡng
6. Tông phong của Động Sơn và Vân Môn
7. Tông Pháp Nhãn và tông Lâm Tế

Lịch sử Phật giáo Trung Quốc – Trong tông Lâm Tế, dưới pháp hệ của pháp sư Nghĩa Huyền có pháp sư Từ Minh Sở Viên, đệ tử pháp sư Sở Viên là pháp sư Dương Kỳ Phương Hội (996-1049) lập giáo phái Dương Kỳ; một vị đệ tử khác của pháp sư Sở Viên là pháp sư Hoàng Long Huệ Nam (1002-1069) lập ra phái Hoàng Long.

Chương VIII
PHẬT GIÁO THỜI NGŨ ĐẠI

Thời Ngũ Đại bắt đầu từ khi Tiết độ sứ Chu Toàn Chung thời Đường Tuyên Tông dùng hình thức thiền nhượng đoạt được thiên hạ nhà Đường trong tay Ai Đế để thành lập nên nhà Hậu Lương (907), cho đến khi Thế Tông nhà Hậu Chu chết thì bộ tướng Triệu Khuông Dận nhận thiền nhượng của Cung Đế, lập nên triều Tống, trải hơn 50 năm,

Chính quyền trung ương qua các nhà: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu, gọi là Ngũ Đại; ở cấp địa phương thì có Ngô, Nam Đường, Tiền Thục, Hậu Thục, Nam Hán, Sở, Ngô Việt, Mân, Nam Bình, Bắc Hán, gọi là Thập Quốc.

Từ sau loạn An Lộc Sơn là thời kỳ văn hóa quý tộc tan rã mà dần chuyển sang văn hóa thứ dân; do thay đổi đó mà Phật giáo vốn lấy hai vùng Trường An và Lạc Dương làm trung tâm mà nay hướng về các địa phương sâu hơn, đi vào dân gian, đặc biệt là sau cuộc pháp nạn Hội Xương thì khuynh hướng đó càng được thể hiện rõ.

Tức dần bỏ đi nghiên cứu học vấn Phật giáo mà thay vào đó là chú trọng thực tiễn khiến Thiền tông thịnh hành khắp các vùng trong cả nước. Trong các vương triều thời Ngũ Đại vì không rõ thời gian mà xen lồng lẫn nhau lấy Lạc Dương và Khai Phong làm trung tâm của vùng Hoa Bắc, xã hội tương đối động loạn nên Phật giáo thời Ngũ Đại cũng không có được sự phát triển đáng kể.

Nhưng đối với Thập Quốc mà nói vì cách xa chính quyền trung ương nên so với Ngũ Đại thì duy trì được cục diện ổn định trong thời gian tương đối dài, những thành tựu về kinh tế và văn hóa đều có những biểu hiện tốt, cũng có những vị quân chủ tín phụng Phật Pháp khiến Phật giáo được phát triển đặc biệt là Phật giáo ở ba nước Ngô Việt, Nam Đường, Mân.

1. Phật giáo vùng Hoa Bắc

Mỗi lần vương triều thay đổi thì những chính sách đối với Phật giáo cũng theo vương triều thống trị mà bị thay đổi. Vương triều Hậu Lương giao sổ bộ tăng tịch, nô thuộc cho Ty bộ giám sát, cũng cho khôi phục lại một số hoạt động mà vì chiến loạn bị cấm chỉ đã lâu. Thời Hậu Đường để tiện quản lý mà cho sáp nhập các chùa quy mô nhỏ lại với nhau.

Tháng 10 năm đầu Thiên Thành đời Hậu Đường Minh Tông (926), nhân ngày sinh nhật Minh Tông, ra lệnh cấm chỉ nhiều người y theo lệ cũ mà dâng tấu thỉnh tặng hiệu và áo tím cho pháp sư. Tháng 11, lại ra lệnh cấm chỉ việc xây chùa mới và tư độ tăng ni; đặc biệt là vào tháng 6 năm Thiên Thành thứ 2 lại ra mệnh lệnh nghiêm ngặt yêu cầu chỉnh đốn toàn thể Phật giáo.

Có thể thấy một việc đáng chú ý là tình hình thực tế của lễ nghi Phật giáo trong xã hội đương thời có nhiều hiện tượng giả dạng tăng ni hoặc mượn danh nghĩa Phật giáo mà làm chuyện mê tín, nam nữ hỗn tạp, Pháp hội đầy chất dâm tục. Do vậy, đến thời Hậu Tấn, một mặt cho thi hành chính sách nghiêm ngặt chỉnh huấn Phật giáo, mặt khác thực hành triệt để tư tưởng Nho gia phục vụ chính trị. Đến thời Hậu Chu Thế Tông lại càng tăng cường chính sách thanh lý triệt để Phật giáo.

2. Chu Thế Tông phế Phật

Từ lệnh cấm ban hành năm Thiên Thành thứ 2 có thể thấy được sự suy vi của giáo đoàn Phật giáo đương thời, hơn nữa lại mất khả năng phản tỉnh, do đó vì để chấn chỉnh Phật giáo và tân hưng quốc gia, Chu Thế Tông đã ban hành chính sách hủy Phật giáo vào năm Hiển Đức thứ 2 (955).

Nội dung đại khái như sau: Những chùa không trong danh mục đều bị phá hủy; tượng đồng, đồ dùng đem đúc thành tiền; tăng ni bắt hoàn tục; không được xây thêm chùa mới, tăng ni vi phạm bắt phải hoàn tục; Tiết độ sứ và thứ sử cũng không được tấu xin xây chùa và lập giới đàn; cấm chỉ tư độ xuất gia, quy định phải thông qua thi cử để chọn tăng; giới đàn chỉ được lập ở 2 kinh đô và 3 phủ lớn (Đại Danh Phủ, Kinh Triệu Phủ, Thanh Châu Phủ);

Quản lý tăng ni thông qua độ điệp; những người phạm tội, bỏ cha mẹ, nô tỳ, kỹ nữ đều không được xuất gia; mỗi năm cập nhật sổ tịch tăng ni, nghiêm cấm những pháp tu như xả thân, đốt vai, đốt ngón làm tổn hại thân thể. Chu Thế Tông cũng tham khảo chế độ Phật giáo thời Đường để chế ra các điều luật trên.

Có thể thấy rằng Chu Thế Tông phế Phật không liên quan gì đến quan hệ Phật giáo và Đạo giáo (hoặc Nho giáo) như các vua phế Phật trước đã làm mà chỉ là do chính sách độc tài và nền tài chính kiệt quệ của quốc gia. Kết quả cuộc phế Phật phá hủy 30.360 ngôi chùa lớn nhỏ, chỉ giữ lại khoảng 2.700 ngôi, tăng ni giữ 61.000 người. Để giải quyết tình hình thiếu đồng trong nước liền cho tập hợp tất cả các tượng Phật, chuông, khánh nung đúc thành tiền.

3. Phật giáo phương Nam

Các nước phương Nam đa số đều tin đạo Phật, nền chính trị cũng được ổn định và hòa bình hơn, đặc biệt là ba nước Ngô Việt (Hàng Châu), Mân (Phúc Châu), Nam Đường (Kim Lăng).

Pháp sư Vĩnh Minh Diên Thọ. Nguồn: St

Nhà Ngô Việt (907-978) đóng đô ở Hàng Châu, đời đời tin phụng Phật, đặc biệt là Trung Ý Vương Tiền Thục là một vị đệ tử kiền thành nơi pháp sư Thiên Thai Đức Thiều và pháp sư Vĩnh Minh Diên Thọ, cũng từng sai người đi Cao Ly cầu kinh điển (đã mất do trước hủy), lại học vua A Dục dựng 84.000 ngọn tháp tặng khắp nơi, hoàng tử phát tâm xuất gia, một lòng phụng sự Phật pháp. Trong nước lại tiến hành xây chùa độ tăng, số đó rất nhiều.

Do cục diện chính trị nước Ngô Việt tương đối ổn định trong khoảng 80 năm, nên có thể nói đã kiến lập được một vương quốc Phật giáo, do đó so sánh trong tương quan với cục diện chính trị bất ổn tại phương Bắc bị đả kích vì phế Phật, thì ở Giang Nam tương đối được phồn vinh. Chủ yếu lấy hai tông Thiền-Tịnh làm trung tâm, đặt nền tảng cho sự phát triển của Phật giáo Trung Quốc cận thế sau này.

Nước Nam Đường (937-975) đóng đô ở Kim Lăng trải qua ba đời vua nối tiếp đều tin phụng Phật, thời hòa bình kéo dài khoảng 40 năm. Trong hai bộ “Nam Đường Thư” đều có một chương “Phù Đồ Truyện” có thể thấy được sự hưng thịnh và sức ảnh hưởng của Phật giáo tại Nam Đường.

Vua đầu nhà Nam Đường đem bản “Tân Hoa Nghiêm Kinh Luận” 40 quyển của Lý Thông Huyền nhập vào Đại Tạng Kinh, sau lại được sự giáo hóa của pháp sư sơ tổ Pháp Nhãn tông là pháp sư Thanh Lương Văn Ích mà có sức ảnh hưởng rất lớn đối với hậu thế. Nước Mân có Trung Ý Vương Thẩm Tri học Thiền nơi pháp sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn và Huyền Diệu Sư Bị. Nhìn chung Phật giáo ở các nước vùng Giang Nam tương đối phát triển.

4. Thiền Tông

Từ sau Trung Đường, các tông phái Phật giáo dần đi vào suy vi, chỉ có riêng Thiền tông là hưng thịnh. Dưới thời Lục tổ Huệ Năng nhân tài bối xuất, mỗi mỗi đều mang Thiền yếu của mình mà hoằng truyền về các vùng, trong đó có hai pháp sư Nam Nhạc Hoài Nhượng và pháp sư Thanh Nguyên Hành Tư là kiệt xuất nhất và có pháp hệ về sau truyền được lâu dài.

Đệ tử của pháp sư Nam Nhạc là pháp sư Mã Tổ Đạo Nhất ở Giang Tây; đệ tử của pháp sư Thanh Nguyên là pháp sư Thạch Đầu Hy Thiên ở Hồ Nam, có được sự độc đặc riêng mình mà mang đến sự phát triển cho Nam tông Thiền.

Đệ tử của pháp sư Mã Tổ là pháp sư Bách Trượng Hoài Hải chế định bộ “Bách Trượng Thanh Quy” là quy phạm cho cuộc sống nơi Thiền viện, không còn hạn chế trong giới luật của Đại hay Tiểu Thừa mà đứng từ lập trường hoàn toàn mới để xác lập nên quy củ tòng lâm đặt nền móng độc lập cho Thiền viện như chương 9 đã giới thiệu.

Trong số các đệ tử của pháp sư Bách Trượng có pháp sư Quy Sơn Linh Hựu và đệ tử là Ngưỡng Sơn Huệ Tịch thành lập tông Quy Ngưỡng; đệ tử pháp sư Hoàng Bá Hy Vận là pháp sư Lâm Tế Huyền Nghĩa lập tông Lâm Tế. Lại có dưới mạch hệ của pháp sư Dược Sơn Duy Nghiễm có pháp sư Động Sơn Lương Giới và đệ tử là Tào Sơn Bản Tịch lập ra tông Tào Động.

Lại có dưới mạch hệ của pháp sư Thanh Nguyên Hành Tư có pháp sư Vân Môn Văn Yển lập ra tông Vân Môn. Pháp sư Thanh Lương Văn Ích lập ra tông Pháp Nhãn. Năm tông đó thường được xưng là Thiền Tông Ngũ Gia; trong năm nhà thì Tông Lâm Tế là mạnh nhất, đến thời Tống lại chia ra hai phái là Hoàng Long và Dương Kì, hợp xưng là Ngũ Gia Thất Phái. Đó đều là do từ một pháp hệ của Lục tổ truyền thừa xuống hình thành nhiều tông phái bởi chư vị Thiền sư tùy theo ngộ tính của riêng mình mà thành Thiền phong của các nhà.

Theo như bình luận về Thiền phong các nhà của Thiên Mục Cao Phong (1238- 1295) thì tông Lâm Tế hào sảng, tông Quy Ngưỡng nghiêm cẩn, tông Vân Môn vừa uyên sâu vừa hướng cổ, tông Tào Động tế mật (cẩn mật và chi tiết), tông Pháp Nhãn tường minh. Lại từ cuốn “Tông Môn Thập Quy Luận” của pháp sư Thanh Lương Văn Ích trước thuật thì lúc hình thành năm nhà có phát sinh ra một số vấn đề.

Chúng đệ tử của các vị Đức Sơn, Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Tào Động, Vân Phong, Vân Môn vì để bảo hộ tổ sư và tông phái của mình mà thường có mâu thuẫn không rõ chân tế hay chống nhau. Do đó, mà khiến các tông quên đi tông chỉ của Phật tổ, vọng dụng gậy và quát mắng và viên tướng hoặc dùng ca tụng để đùa bỡn với người.

Nhưng những kẻ mê thì lại lấy đó làm tin mà xướng tụng câu lời đó cho là diệu giải.

5. Tông Lâm Tế và tông Quy Ngưỡng

Pháp sư Lâm Tế Huyền Nghĩa (mất năm 867) là người Tào Châu ở Nam Hoa (tỉnh Sơn Đông) lúc ban đầu đến học pháp sư Hoàng Bá chuyên cần ba năm, thường hỏi pháp sư Hoàng Bá đại ý Phật Pháp, nhưng ba lần hỏi thì ba lần ăn gậy, trải qua vài năm rồi được ấn khả. Sau đó về đến Hà Bắc ở chùa Lâm Tế phía Đông Nam thành Trấn Châu. Pháp sư thường dùng Thiền cơ, thực hành pháp gậy gộc quát mắng đề xướng tông phong “vô sự”.

Tư tưởng của Thiền Lâm Tế tương đồng với pháp sư Hoàng Bá, đứng trên lập trường “sinh Phật bất nhị” (chúng sinh và Phật chẳng khác), lấy vô tâm làm trọng, lấy vô sự làm tông. Phương pháp tiếp dẫn đệ tử dùng tứ hát (quát mắng), tứ liệu giản, tam cú, tam huyền, tam yếu, tứ chiếu dụng, tứ tân chủ. Sau do, pháp sư đệ tử Huệ Nhiên biên soạn mà thành bộ “Lâm Tế lục” giới thiệu rất rõ về đặc điểm tổ sư Thiền Trung Quốc qua những ngôn hành, thị chúng, kham biện, hành lục của tông Lâm Tế.

Ngưỡng Sơn Linh Hựu (771-853) pháp sư ở chùa Đồng Khánh núi Đại Ngưỡng (Hồ Nam) 42 năm, dạy hơn ngàn vị đệ tử. Pháp sư có viết cuốn “Ngưỡng Sơn Cảnh Sách”, trong cuốn sách đó pháp sư có khuyên người thế biết Vô Thường nên người học Phật không được lười biếng, phải thường phản tỉnh, quan sát chính mình, nhất thiết không được sai đường mà giữ vững bản lai diện mục.

Pháp sư đề xướng tông phong hành trì nghiêm cẩn, đạo pháp sư nói tức đạo vô tâm, nếu như đắc vô tâm thì chứng được chư pháp vốn có vị trí của nó đâu đâu cũng viên thông vô ngại. Đệ tử của pháp sư Linh Hựu là pháp sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch, hầu thầy 15 năm rồi được ấn khả, sau đó pháp sư thường nhấn mạnh với người học Phật phải thường phản chiếu chính tâm mình và tu hành như thực.

Pháp sư giỏi việc sử dụng dấu hiệu để thị người, từng có người thỉnh pháp sư khai thị, pháp sư lấy giấy vẽ một hình tròn để biểu thị ý chỉ của Thiền. Nhưng Thiền phong của Ngưỡng Sơn và Quy Sơn nghiêm cẩn không phù hợp với dân vùng Giang Nam nên pháp mạch ngắn nhất trong năm nhà.

6. Tông phong của Động Sơn và Vân Môn

Pháp sư Động Sơn Lương Giới (807-869) nối pháp mạch của pháp sư Thạch Đầu và Dược Sơn, là người sống trong thời kỳ pháp nạn Hội Xương. Pháp sư ở Động Sơn, Quân Sơn, Giang Tây nỗ lực tiếp hóa hoằng truyền Thiền pháp, đồ chúng lên đến gần ngàn người, đa phần là các quan lại cấp trung trở xuống. Tư tưởng của pháp sư Động Sơn có thể thấy trong “Bảo Lục Tam Muội”, “Huyền Trung Minh”, “Tân Phong Ngâm” và những tư liệu khác.

Pháp sư Động Sơn cho rằng Thiền pháp chính thống truyền từ Phật tổ ngoài việc tu chứng nhất tâm thanh tịnh tự tính ra thì không còn thứ khác. Pháp sư lại dùng những lý lẽ dễ hiểu để giải thích, lại dùng năm chỗ chính-lệch (ngũ vị thuyết) để giải thích “nhất tâm”. Pháp sư lại căn cứ vào tư tưởng của thời đại lúc bấy giời mà thuyết pháp Thiền. Đệ tử của pháp sư có pháp sư Tào Sơn Bản Tịch ở Tào Sơn, Phủ Châu, Giang Tây, sau về núi Hà Ngọc, người đến hỏi pháp có đến hơn ngàn người.

Pháp sư Văn Yển (864-949) của tông Vân Môn nối pháp mạch từ hệ thống của pháp sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn (822-908). Pháp sư ở Vân Môn tỉnh Quảng Đông tổng hợp pháp Thiền từ pháp sư Đạo Minh ở Mục Châu và pháp sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn mà hình thành tông phong của riêng mình.

Phương pháp tiếp hóa của pháp sư có nhiều điểm đặc biệt, cơ dụng giết sống tung hoành vô tận, dùng từng từ từng chữ gào, quát, hiển lộ khiến người không ngờ tới, dùng phương pháp đốn ngộ để cắt đoạn những triền quấn trong tâm tưởng con người, nên gọi là “nhất tự quan(31)”. Căn cứ vào bộ “Vân Môn Quảng Lục” có thể biết được tư tưởng Thiền học của pháp sư Văn Yển chủ trương Phật pháp không phải cầu ở nơi cao mà vạn sự vạn vật trong trời đất đều có thể nhìn thấy được diện mạo chân như thực tế.

Do đó, sách tấn người học phải học ngay nơi cuộc sống đời thường với tinh thần hợp nhất chân – tục làm biểu hiện cụ thể. Thiền phong của pháp sư bắt đầu từ dải Thiều Châu của Quảng Đông mà lưu truyền đến vùng Lư Sơn và Hồ Bắc ở lưu vực sông Dương Tử (Trường Giang).

7. Tông Pháp Nhãn và tông Lâm Tế

Đệ tử của pháp sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn là pháp sư Huyền Sa Sư Bị (835-908), cùng với sự nỗ lực của các đệ tử dưới pháp hệ của pháp sư Thanh Lương Văn Ích mà hình thành nên tông Pháp Nhãn. Pháp Nhãn tông được lưu truyền khắp vùng Phật giáo hưng thịnh ở Ngô Việt, Hàng Châu, Minh Châu, Đài Châu và một số vùng quan trọng ở Chiết Giang.

Thiền sư Văn Ích yêu thích Thiền phong của pháp sư Thạch Đầu, làm chú giải cho cuốn “Tham Đồng Khế” nên tư tưởng Thiền học của pháp sư cực giàu màu sắc nghĩa học.

Pháp sư đề xướng tư tưởng Thiền – Tịnh dung hợp, và tư tưởng giáo lý Hoa Nghiêm viên dung, tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Chính vì vậy mà đạm nhạt đi chân diện mục của Thiền. Do đó, Pháp Nhãn tông cũng giống như Quy Ngưỡng tông nghiêm cẩn cũng sớm bị suy vong.

Trong tông Lâm Tế, dưới pháp hệ của pháp sư Nghĩa Huyền có pháp sư Từ Minh Sở Viên, đệ tử pháp sư Sở Viên là pháp sư Dương Kỳ Phương Hội (996-1049) lập giáo phái Dương Kỳ; một vị đệ tử khác của pháp sư Sở Viên là pháp sư Hoàng Long Huệ Nam (1002-1069) lập ra phái Hoàng Long.

Pháp sư Phương Hội ở núi Dương Kỳ giữ Thiền phong khô đạm. Pháp sư nói tất cả chư pháp đều là Phật pháp, tam thế chư Phật đều từ nơi gót chân người mà chuyển đại pháp luân, trăm loại cỏ cây đều là tiếng đại sư tử hống diễn thuyết Ma Ha Bát Nhã. Huệ Nam Thiền sư nghiêm với chính mình, rõ ràng khi đối nhân, pháp sư thường dùng ba câu “tay Phật, chân lừa, sinh duyên(32)” để khảo vấn đệ tử nhưng không có ai đáp được.

Còn tiếp…

Tác giả: Thượng tọa TS Thích Giải Hiền soạn dịch
Trích sách: Lịch sử Phật giáo Trung Quốc

***

31. 一字關: Tức là “ải của một chữ”; một chữ bao hàm tất cả ý nghĩa giảng dạy. Danh từ này thường dùng cho những Thoại đầu một chữ. Nổi danh về cách sử dụng “nhất tự quan” để dạy môn đệ là Thiền sư Vân Môn Văn Yển. Nhất tự quan nổi tiếng nhất là chữ “Vô” của Thiền sư Triệu Châu Tòng Thẩm (Vô môn quan, công án thứ nhất), “Quan” của Vân Môn (Bích nham lục, Công án 8).
32. 佛手,驢腳,生緣。

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/lich-su-phat-giao-trung-quoc-phan-6.html