Lịch sử là môn tự chọn, lòng yêu nước có bị 'thiếu hụt'?

Những năm qua, chương trình giáo dục phổ thông mới đã lần lượt được áp dụng ở các cấp học. Từ năm học tới, chương trình mới sẽ bắt đầu áp dụng với khối lớp 10, theo đó các em chỉ cần học 7 môn bắt buộc, nhiều môn học bắt buộc hiện nay sẽ trở thành môn tự chọn. Trong đó, việc môn Lịch sử trở thành môn tự chọn đang thu hút nhiều luồng ý kiến từ cộng đồng.

Hiểu được rằng việc phân hóa như chương trình mới sẽ giúp giảm tải áp lực cho học sinh, nhưng là giáo viên Lịch sử, cô Phương Thảo ít nhiều vẫn còn băn khoăn.

Cô PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO - Giáo viên môn Lịch sử, trường THPT Lê Lợi, Hà Nội: “Đúng là 1 giáo viên Lịch sử như tôi, không phải bây giờ, mà có nhiều lần cũng cảm thấy chạnh lòng khi học sinh không thích chọn môn Lịch sử. Tôi cũng lo lắng nhiều học sinh ít lựa chọn môn Lịch sử.”

Từ phía học sinh, có nhiều em vẫn rất đam mê môn Lịch sử. Tuy nhiên, nếu sắp tới được chọn, các em sẽ phải cân nhắc đến nhiều yếu tố khác bên cạnh niềm đam mê của mình.

Em TRẦN KHÁNH LINH - Học sinh trường THPT Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội: “Theo em, môn Lịch sử phạm vi chọn nghề không rộng, chọn nó sẽ khó (chọn nghề) …”

Em NGUYỄN THỊ HOÀNG ANH - Học sinh trường THPT Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội: “Môn Lịch sử sẽ thú vị nếu như người dạy, giáo viên có hoạt động, bài giảng gây hứng thú cho học sinh. Còn riêng chủ đề lịch sử thì em thấy luôn đáng để nói về.”

Em ĐỖ VŨ MINH ANH - Học sinh trường THPT Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội: “Đối với em thì Lịch sử không chỉ là một môn học mà còn là giá trị tinh thần, niềm tự hào của dân tộc. Dân tộc nào mà không biết lịch sử thì sẽ không thể phát triển được.”

Tiếc nuối là tâm trạng chung khi môn Lịch sử trở thành môn tự chọn. Tuy nhiên, những lo lắng này cũng chỉ ra thực tế rằng môn Lịch sử chưa thực sự thu hút người học.

Thầy LÊ XUÂN TRUNG - Hiệu trưởng trường THPT Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội: “Theo suy nghĩ cá nhân mình và thống nhất trong lãnh đạo, hội đồng sư phạm nhà trường, cố gắng khuyến khích, phân tích , động viên các con để nhiều con lựa chọn tự học môn Lịch sử. Tới đây bên cạnh sự đổi mới của chương trình và sách thì nhà trường cũng chuẩn bị từ rất lâu cho đội ngũ giáo viên của mình để đổi mới phương pháp giảng dạy môn Lịch sử, để các con nhận được sự đam mê hứng thú, hồi tưởng, sống dậy trong từng thời kỳ lịch sử của dân tộc và thế giới.”

Theo chương trình mới, từ lớp 10, học sinh sẽ học các môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương. Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh sẽ lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm cụ thể: Khoa học xã hội; Khoa học tự nhiên; Công nghệ và nghệ thuật.

Cùng Chương trình Chuyển động 365 gặp gỡ GS. TS NGUYỄN MINH THUYẾT - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới thảo luận về vấn đề này.

Phóng viên ĐỖ MINH: Trước tiên cảm ơn ông đã tham gia cùng Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Kể từ năm nay, chương trình GDPT mới sẽ áp dụng với khối lớp 10, trong đó môn Lịch sử sẽ trở thành môn tự chọn. Từ quan điểm của người biên soạn chương trình, xin ông chia sẻ lý do vì sao lại sắp xếp như vậy?

GS. TS NGUYỄN MINH THUYẾT - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới: Cả ba cái văn bản là Nghị quyết 29 của Trung ương về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 88 của Quốc hội về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông và Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa học phổ thông thì đều khẳng định là giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn một là 9 năm, tức là gồm tiểu học và trung học cơ sở . Đây là giai đoạn giáo dục cơ bản phổ cập bắt buộc. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, ba năm trung học phổ thông thì đây là cái giai đoạn giáo dục không bắt buộc, không phổ cập. Thế thì cái chương trình của cái giai đoạn trung học phổ thông nó phải khác với cái chương trình giai đoạn giáo dục cơ bản. Đây là chương trình định hướng nghề nghiệp và các cái nghị quyết, quyết định cũng đều nói rõ là phải tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận nghề nghiệp sớm, rồi giảm số môn bắt buộc, tăng số môn tự chọn. Trước đây thì chúng ta phân hóa cứng, tức là phân chia thành 3 ban. Còn bây giờ thì phải thực hiện cái phân hóa mềm, tức là ngoài một số môn bắt buộc phải học, học sinh được quyền lựa chọn các môn theo định hướng nghề nghiệp của mình.”

Phóng viên ĐỖ MINH: “Có nhiều ý kiến lo ngại rằng nếu Lịch sử là môn tự chọn, nhiều em sẽ không chọn môn học này và bị thiếu hụt kiến thức về truyền thống hay lòng yêu nước. Quan điểm của ông như thế nào?”

GS. TS NGUYỄN MINH THUYẾT - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới: “Nói như thế là không đúng. Bởi vì sao? Bởi vì trước hết là học sinh đã hoàn thành chương trình phổ cập 9 năm rồi, đấy là những cái kiến thức tối thiểu, kỹ năng tối thiểu mà mọi công dân có trình độ trung học cơ sở phải biết. Cái điểm thứ hai đấy là chúng ta giáo dục lòng yêu nước không phải chỉ có môn Lịch sử mà qua rất nhiều môn khác trong chương trình cũng đã nói rõ rồi. Giáo dục lịch sử thông qua môn Ngữ văn, thông qua Âm nhạc thông qua Mỹ thuật, thông qua Đạo đức, thông qua Giáo dục công dân, thông qua cả các môn Tự nhiên và xã hội… chứ không phải mình chỉ có mỗi môn Lịch sử. Chúng tôi xin khẳng định là nếu học sinh mong muốn lựa chọn học sinh vẫn được học, không ai cấm học sinh học và các vị phụ huynh hiện nay đang cổ vũ cho việc bắt buộc học Lịch sử thì tôi mong là sắp tới khi mà chúng ta bắt đầu lớp 10 thì các vị hãy động viên con em mình, khuyến khích con em mình đăng ký học Lịch sử. Đấy là điều mà chương trình hoàn toàn mở. Thứ hai nữa là trong cái chương trình trung học phổ thông thì Giáo dục quốc phòng, an ninh lại là một môn bắt buộc. Nội dung Giáo dục quốc phòng, an ninh có thể nói là cũng thực hiện giáo dục về yêu nước, giáo dục về lực lượng vũ trang, giáo dục về lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc rất sâu sắc chứ cũng không phải là không có."

Thực hiện : Đỗ Minh Minh Quốc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/lich-su-la-mon-tu-chon-long-yeu-nuoc-co-bi-thieu-hut