Lịch nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2023

Dịp lễ Quốc khánh 2/9/2023, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ được nghỉ 4 ngày liên tiếp, từ ngày 1/9-4/9/2023.

Nghỉ 4 ngày lễ Quốc khánh 2/9/2023

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ra thông báo nêu rõ: Công chức, viên chức nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023 từ thứ Sáu ngày 1/9/2023 đến hết thứ Hai ngày 4/9/2023 Dương lịch.

Như vậy, đợt nghỉ này bao gồm 2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh, 1 ngày nghỉ hằng tuần và 1 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần theo quy định của Bộ luật Lao động.

Dịp lễ Quốc khánh 2/9/2023, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ được nghỉ 4 ngày liên tiếp, từ ngày 1/9-4/9/2023. Ảnh: N.Cường

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023 lưu ý thực hiện: Bố trí, sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, đảm bảo tốt công tác phục vụ tổ chức, nhân dân.

Các cơ quan, đơn vị không thực hiện lịch nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ Nhật hằng tuần, sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.

Đối với người lao động không phải là công chức, viên chức, người sử dụng lao động quyết định lựa chọn phương án nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023.

Theo đó, người lao động được nghỉ thứ Bảy ngày 2/9/2023 và lựa chọn 1 trong 2 ngày là thứ Sáu ngày 1/9/2023 hoặc Chủ nhật ngày 3/9/2023 Dương lịch.

Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp theo quy định của Bộ luật Lao động.

Theo lịch nghỉ lễ, Tết năm 2023, trong năm 2023 người lao động có 3 dịp nghỉ dài ngày là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 kéo dài 7 ngày trong tháng 1/2023; kỳ nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày và kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh năm 2023 kéo dài 4 ngày.

Ý nghĩa lịch sử của ngày Quốc khánh 2/9

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản "Tuyên ngôn Độc lập" lịch sử do chính Người chuẩn bị, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản "Tuyên ngôn Độc lập" tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. (Ảnh: Tư liệu/ĐCS)

Ngày 2/9/1945 được xem là một cột mốc chói lọi trong hành trình nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Khi bản "Tuyên ngôn Độc lập" được đọc lên, đó chính là văn bản pháp lý khẳng định nước Việt Nam tự do độc lập với toàn thế giới.

Ngày Quốc khánh 2/9 chính là dịp để mỗi người dân Việt Nam, đồng bào cả nước cũng như kiều bào ở nước ngoài cùng hướng về tổ quốc. Tưởng nhớ những người anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bất khuất cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tưởng nhớ và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại.

Đây cũng là dịp để các thế hệ sau cùng nhìn lại chặng đường gian khổ và hào hùng của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước. Từ đó trau dồi thêm lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, cùng nhau tiếp tục xây dựng và bảo vệ tổ quốc phát triển hơn nữa.

N.Cường

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/lich-nghi-le-quoc-khanh-2-9-2023-179230609084318342.htm