Libya: Một đất nước, hai chính phủ - hai quốc hội

3 năm sau cuộc lật đổ nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi, Libya lại rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị và dân chủ mới khi cùng một lúc có hai chính phủ, hai Quốc hội trong cùng một đất nước. Chưa hết, các hành động chống phá, tấn công khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan cũng đang đe dọa nhấn chìm quốc gia Bắc Phi này vào biển lửa của nội chiến.

Mâu thuẫn quyền lực trong nước

Những tuyên bố của tân Tổng tham mưu trưởng quân đội Libya Abdel Razzak Nadhuri về một “cuộc chiến chống khủng bố” tại buổi lễ nhậm chức hôm 25/8, sau khi Quốc hội mới đề cử ông vào vị trí lãnh đạo quân đội ở quốc gia Bắc Phi này dường như không đem lại “sự an tâm” cho người dân. Nguyên do là bởi vì đúng vào lúc ông Abdel Razzak Nadhuri nhậm chức thì nhóm thánh chiến ở Libya Ansar al-Sharia lại đứng lên kêu gọi những người Hồi giáo đoàn kết chống lại chính phủ và thành lập nên nhà nước mới.

Và chỉ vài giờ sau khi lời kêu gọi này được đưa ra, Đại hội nhân dân toàn quốc (GNC), tức Quốc hội mãn nhiệm hồi tháng 6 của Libya đã nhóm họp trở lại và chỉ định Omar al-Hassi, một nhân vật ủng hộ Hồi giáo “thành lập chính phủ cứu rỗi”. Đồng thời, các nghị sĩ của GNC cũng tuyên bố không công nhận Quốc hội Libya mới nhậm chức hồi đầu tháng 6. Phát biểu tại thị trấn Marj, phía Đông thủ đô Tripoli, đại diện của GNC khẳng định rằng, vào thời điểm hiện nay, họ có trách nhiệm phải đứng ra tổ chức một cuộc chiến chống khủng bố vì an ninh và hòa bình đất nước và khu vực.

Theo tin từ kênh truyền hình địa phương, Thủ tướng mới được chỉ định Omar al-Hassi là giảng viên về khoa học chính trị tại Đại học Benghazi và từng thất bại trong một cuộc bỏ phiếu của GNC hồi tháng 6 cho vị trí Thủ tướng. Kênh truyền hình này cũng khẳng định, GNC tuy không triệu tập đủ 94 đại biểu cần thiết nhưng lại là tổ chức do phe Hồi giáo chiếm đa số. Vì thế, những động thái của GNC đang đe dọa đến sự an toàn của hệ thống chính trị của Libya , đẩy nước này đến bờ vực của khủng hoảng chính trị.

Từ Tobruk, nơi Quốc hội mới của Libya đang tổ chức các phiên họp để tránh nguy cơ tấn công từ các tổ chức Hồi giáo vũ trang cực đoan, Thủ tướng Abdullah al-Thani lâm thời đã chỉ trích một phiên họp của GNC và gọi quyết định bầu chọn Thủ tướng mới tại phiên họp này là "bất hợp pháp”. Ông Abdullah al-Thani tái khẳng định rằng, cơ quan lập pháp được dân bầu ra trong cuộc tổng tuyển cử ngày 25/6 vừa qua là để thay thế GNC và cơ quan này mới chính là Quốc hội của Libya .

Đồng thời, Thủ tướng lâm thời Libya còn cáo buộc rằng, hành động của GNC đã tiếp tay cho các hoạt động khủng bố của những tay súng Hồi giáo. Văn phòng và nhà riêng của ông Abdullah al-Thani tại thủ đô Tripoli hôm 25/8 cũng đã bị các tay súng Hồi giáo lục soát và phóng hỏa.

Các cuộc biểu tình phản đối Quốc hội mới tự phát từ hồi trung tuần tháng 8 đã được GNC dùng để bao biện cho việc lập chính phủ mới. Ảnh: Reuters.

Và những tác động từ bên ngoài

Bế tắc chính trị ở Libya diễn ra trong bối cảnh các cuộc giao tranh ác liệt kéo dài nhiều ngày qua tại sân bay Tripoli giữa lực lượng Far Libya, chủ yếu gồm các tay súng đến từ khu vực Misrata với lực lượng ở miền Tây. Giờ đây, các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế đang lo ngại những xung đột về bạo lực và quyền lợi ở Libya có thể đẩy nước này vào nội chiến và đe dọa trực tiếp tới an ninh trong khu vực.

Để bày tỏ sự lo ngại này, hôm 25/8, Hội nghị Ngoại trưởng các nước láng giềng Libya lần thứ 4 đã diễn ra tại Cairo (Ai Cập) với đề xuất chính là đấu tranh chống khủng bố, hỗ trợ quân đội và lực lượng an ninh Libya. Tuy nhiên, do trước thềm Hội nghị, Mỹ và các nước châu Âu đã lớn tiếng cáo buộc Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) can thiệp vào công việc nội bộ Libya nên ngay trong cuộc họp, Ngoại trưởng các nước láng giềng đã nhất trí không can thiệp vào tình hình nội bộ quốc gia Bắc Phi này, đồng thời kêu gọi một cuộc đối thoại dân tộc để chấm dứt tình trạng bất ổn đang leo thang trở lại tại Libya.

Trước đó, Đại sứ Libya tại Cairo đã đề nghị cộng đồng quốc tế giúp nước này bảo vệ các mỏ dầu, sân bay và những tài sản quốc gia khác. Ngoại trưởng Libya Mohamed Abdel Aziz cũng thừa nhận những thách thức nghiêm trọng mà nước này đang đối mặt và kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Trong một diễn biến khác, cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều ra tuyên bố khẳng định Quốc hội mới được bầu ở Libya là cơ quan có quyền lập pháp duy nhất

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/quocte/2014/8/242289.cand