LHQ: 1/2 diện tích đất đồng cỏ tự nhiên trên toàn thế giới đã suy thoái

UNCCD cảnh báo 1/6 nguồn cung cấp thực phẩm của thế giới đang đứng trước nguy cơ suy giảm do suy thoái các vùng đất chăn nuôi trên thế giới, bao gồm thảo nguyên, vùng đất ngập nước, sa mạc và đồng cỏ.

Suy thoái đồng cỏ do chăn thả quá mức gây ra xói mòn đất quá mức ở Kenya. (Nguồn: Phys)

Suy thoái đồng cỏ do chăn thả quá mức gây ra xói mòn đất quá mức ở Kenya. (Nguồn: Phys)

Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD - cơ quan phụ trách chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc), cho biết một nửa diện tích đất đồng cỏ tự nhiên trên thế giới đã bị suy thoái do khai thác quá mức và tác động của biến đổi khí hậu, khiến nguồn cung cấp lương thực và sinh kế bị đe dọa.

UNCCD cảnh báo 1/6 nguồn cung cấp thực phẩm của thế giới đang đứng trước nguy cơ do suy thoái các vùng đất chăn nuôi trên thế giới – bao gồm thảo nguyên, vùng đất ngập nước và sa mạc, cũng như đồng cỏ.

Theo báo cáo của UNCCD, sự gia tăng dân số, đô thị hóa và nhu cầu lương thực ngày càng tăng đã khuyến khích nông dân chăn nuôi nhiều động vật hơn khả năng mà đất đai có thể hỗ trợ, đồng thời gia tăng việc chuyển đổi đồng cỏ tự nhiên thành đất trồng trọt thâm canh, dẫn đến suy giảm độ phì nhiêu của đất và hạn hán ngày càng trầm trọng.

Ông Barron Joseph Orr, trưởng nhóm nhà khoa học của UNCCD, cho biết dù tình hình ảm đạm nhưng ngày càng có nhiều người thừa nhận rằng phục hồi đất là một phần của giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu, bởi các vùng đất chăn nuôi chiếm 1/3 dung lượng bể chứa CO2 của thế giới.

Ông nói: “Khí thải chắc chắn là một vấn đề lớn, nhưng chúng ta muốn đưa CO2 vào đâu? Trong đất và trong thảm thực vật của chúng ta, và nếu tiếp tục phá hoại đất và thảm thực vật, sẽ làm suy yếu giải pháp.”

Báo cáo của UNCCD cho biết các vùng đất chăn nuôi chiếm khoảng 54% tổng diện tích đất trên thế giới và hỗ trợ 2 tỷ nông dân, người chăn nuôi và chủ trang trại. Ước tính trước đây về mức độ suy thoái là 25%, nhưng UNCCD cho biết họ đã đánh giá thấp hơn mức độ thiệt hại nghiêm trọng, và số liệu mới dựa trên khảo sát từ các chuyên gia ở hơn 40 quốc gia.

Báo cáo xác định Trung Á, Trung Quốc và Mông Cổ là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp đang thay thế các cộng đồng chăn nuôi truyền thống và gây thêm áp lực lên các nguồn tài nguyên.

Châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ cũng chứng kiến tình trạng xuống cấp trên diện rộng.

Ông Orr kêu gọi các chính phủ có cách tiếp cận mang tính liên kết hơn để bảo vệ đất đai thay vì tập trung vào các dự án phục hồi riêng lẻ.

Ông cũng nhấn mạnh rằng các phương pháp chăn nuôi truyền thống có thể giúp các vùng đất chăn nuôi phục hồi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lhq-12-dien-tich-dat-dong-co-tu-nhien-tren-toan-the-gioi-da-suy-thoai-post954715.vnp