Leo thang xung đột giữa Israel và Palestine: 'Cánh cửa' hòa bình ngày càng xa vời

Căng thẳng tại khu vực Bờ Tây, điểm nóng nhiều thập kỷ qua tại Trung Đông, giữa Israel với Palestine và các nước Arab khác, lại vừa leo thêm một nấc thang mới khi Israel tiến hành chiến dịch tấn công nhằm vào các trại tị nạn của người Palestine ở Jenin. Đây được cho là cuộc tấn công quy mô nhất trong 20 năm qua tại vùng đất này. Việc này khiến hy vọng mở toang 'cánh cửa' hòa bình giữa Israel với Palestine ngày càng xa vời.

Một góc thành phố Jenin trong cuộc tập kích của Israel.

Một góc thành phố Jenin trong cuộc tập kích của Israel.

Tham gia vào chiến dịch quân sự, mang tên Nhà và Vườn (Home and Garden) là các đơn vị không quân và lục quân của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Cảnh sát Biên phòng và Tổng cục An ninh. Tên lửa liên tục nã xuống, xe bọc thép lao qua những con phố chật hẹp, nghiền nát ô tô đỗ ven đường, người biểu tình đốt lốp xe... là quang cảnh ghi lại được tại Jenin trong những ngày đầu tuần.

Theo thống kê đến cuối ngày 5-7, 13 người Palestine đã thiệt mạng và 100 người khác bị thương. Tại cuộc họp khẩn của ban lãnh đạo Palestine diễn ra tại thành phố Ramallah ở Bờ Tây, chính quyền Palestine đã quyết định ngừng mọi liên lạc, các cuộc gặp gỡ và hợp tác an ninh với Chính phủ Israel. Tổng thống Mahmoud Abbas kêu gọi người dân Palestine kiên định, đoàn kết để bảo vệ đất nước, đồng thời lên án cuộc tấn công của Israel.

Dù tối 4-7, Israel đã kết thúc đợt tấn công, song những gì diễn ra nhiều năm qua cho thấy, đây không phải lần cuối cùng Israel triển khai hành động tương tự. Tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là một căn cứ để khẳng định dự đoán nói trên của các nhà bình luận. Ông cho rằng, những tháng gần đây, Jenin đã trở thành một “hang ổ của khủng bố”, đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp tục chiến dịch này nếu cần thiết.

Căng thẳng gia tăng khiến dư luận thế giới lo ngại, xung đột sẽ đẩy hai nước tới “kịch bản” tương tự đầu những năm 2000, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Phản ứng trước diễn biến này, ông Ahmed Aboul-Gheit - Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) đã lên án cuộc tấn công của quân đội Israel vào thành phố Jenin ở phía bắc Bờ Tây và kêu gọi những người ủng hộ hòa bình trên toàn thế giới can thiệp ngay lập tức để ngăn chặn những hoạt động này. Cùng ngày, Jordan cảnh báo những hậu quả thảm khốc mà cuộc tấn công của Israel có thể gây ra. Trong khi đó, Iran cũng lên tiếng chỉ trích cuộc tấn công quy mô lớn này. Còn Tunisia đã lên án cuộc tấn công và cho rằng, đây là sự vi phạm các nghị quyết quốc tế, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp để chấm dứt nguy cơ “leo thang nguy hiểm”.

Đánh giá về tình hình tại Bờ Tây, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk đã bày tỏ lo ngại, đồng thời kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực. Ông Volker Turk cho rằng, một số phương pháp và vũ khí sử dụng trong vụ truy quét ở Jenin giống với hành động thù địch trong xung đột có vũ trang, chứ không phải hành động thực thi pháp luật.

Theo kế hoạch, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tổ chức các cuộc tham vấn kín về tình hình của thị trấn Jenin ở Bờ Tây vào ngày 7-7. Tuy nhiên, xung đột Israel - Palestine là một câu chuyện dài xuyên thế kỷ, chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp. Nói một cách cụ thể hơn, các vụ đụng độ giữa Israel và Palestine thường xuyên xảy ra đang cản trở các nỗ lực quốc tế nhằm khởi động lại tiến trình hòa bình Trung Đông bế tắc kéo dài. Ngoài ra, trên khắp Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem, dải Gaza, tình trạng các khu định cư - bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế - đang được Israel mở rộng nhanh chóng, làm thay đổi đáng kể vùng đất được hình dung cho một nhà nước Palestine trong tương lai. Các quyết định của Liên hợp quốc cũng không được tuân thủ. Để đưa hai bên quay trở lại tiến trình hòa bình Trung Đông, các nguyên nhân chính dẫn đến cuộc xung đột vừa qua cần được giải quyết tận gốc rễ.

Không ít lần, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo ở Israel và Palestine có trách nhiệm "ngoài việc khôi phục sự yên bình, phải bắt đầu một cuộc đối thoại nghiêm túc để giải quyết căn nguyên của cuộc xung đột"; đồng thời "trở lại con đường đàm phán có ý nghĩa nhằm chấm dứt sự chiếm đóng và cho phép hiện thực hóa một giải pháp hai nhà nước trên cơ sở đường biên giới năm 1967, nghị quyết của Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận chung". Điều này đòi hỏi thiện chí từ cả Israel và Palestine. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục duy trì vai trò giám sát và thực hiện các bước đi thiết lập an ninh, tìm giải pháp chính trị, khôi phục tầm nhìn chính trị để hướng tới hòa bình lâu dài.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/leo-thang-xung-dot-giua-israel-va-palestine-canh-cua-hoa-binh-ngay-cang-xa-voi-634292.html