Lenovo Yoga Book: tablet lai giá mềm cho 'dân nghệ'

Với bàn cảm ứng Wacom tích hợp cực nhạy và chiếc bút Real Pen đi kèm, mẫu tablet 'lai' Lenovo Yoga Book là công cụ hiệu quả với giá phải chăng dành cho những người thích sáng tạo như họa sĩ, thiết kế, thời trang…

Lenovo là hãng thường xuyên tạo ra những mẫu tablet hoặc laptop với thiết kế độc đáo, sáng tạo và đặt chúng vào dòng sản phẩm Yoga. Tại triển lãm IFA 2016, hãng đã tung ra Yoga Book - một mẫu tablet lai laptop được tích hợp sẵn bàn vẽ cảm ứng của Wacom “kiêm” bàn phím ảo. Sở hữu những đặc điểm thiết kế của các thế hệ Yoga trước như bản lề phong cách dây đeo đồng hồ, khung vỏ kim loại… Yoga Book được bán với cả 2 phiên bản Android và Windows 10. Chiếc Yoga Book được NgheNhìn Việt Nam thử nghiệm thuộc phiên bản Android với tên mã YB1-X90L, hiện được phân phối chính hãng với giá 12,9 triệu đồng.

Thiết kế

Ấn tượng đầu tiên khi cầm Lenovo Yoga Book là kích thước và trọng lượng nhỏ gọn. Với kích thước bao 256,6 x 170,8 x 9,6mm và trọng lượng 690g, Yoga Book không gây cảm giác quá vướng bận khi cầm trên tay hay mang theo người. Với vai trò là một máy tính bảng, trọng lượng của Yoga Book chỉ gây mỏi khi người dùng phải cầm nó trên tay trong thời gian dài mà không có điểm tựa. Tương xứng với mức giá, Yoga Book cũng đem tới cảm giác chắc chắn, sang trọng với chất lượng hoàn thiện tốt và các vật liệu cao cấp như hợp kim nhôm - ma-giê, thép, kính…

Sở hữu thiết kế tối giản, Lenovo Yoga Book có kiểu dáng rất ưa nhìn. Mặt trên máy chỉ có lô-gô Lenovo mạ chrome dập chìm ở góc, trong khi các thông tin về sản phẩm được in trên các mảnh decal nhỏ gọn dán ở mặt đáy. Nếu bóc hết những tem này, Yoga Book trông như một quyển sổ lớn, mặc dù Lenovo khuyến nghị không nên bóc chúng ra để hãng dễ xác nhận thông tin máy trong trường hợp cần bảo hành và sửa chữa. Toàn bộ các cổng kết nối như ổ cắm tai nghe 3,5mm, HDMI, Micro-USB, khay SIM + thẻ Micro-SD cùng nút bấm và khe thoát âm loa ngoài được đặt đối xứng ở hai cạnh bên máy.

Đặc trưng của dòng Yoga là bản lề bằng kim loại gồm nhiều “mắt” theo phong cách dây đeo đồng hồ, cấu trúc này vẫn tiếp tục có mặt trên Yoga Book. Không chỉ được ghép từ các mảnh thép 813, bản lề của Yoga Book còn cấu thành bởi nhiều bánh răng nhỏ li ti, tạo cảm giác rất tinh xảo và chắc chắn. Bản lề 360 độ này cho phép sử dụng máy theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như gập màn hình ngược 360º thành tablet, mở thẳng 180º để treo như tivi, mở ngược 315º thành màn hình máy tính để bàn hoặc đứng như chữ A để xem phim hay lướt web, mở 135º như laptop thông thường... Đường kính của bộ bản lề cũng tạo ra cảm giác cầm "gáy xoắn của một cuốn sổ", rất tự nhiên. Tuy nhiên, một nhược điểm vẫn tồn tại từ Yoga Tab 900 là một số mắt kim loại trên bản lề vẫn có khoảng xê dịch, tạo ra những tiếng lạch cạch hơi khó chịu.

Nửa trên và nửa dưới của Yoga Book hút lấy nhau chắc chắn khi gập máy nhờ nam châm ẩn bên trong vỏ. Ngoài nửa trên với màn hình 10,1 inch 1.920 x 1.200 pixel, điểm đặc biệt nhất của Yoga Book nằm ở nửa thân dưới của máy. Thay vì dùng bàn phím truyền thống, toàn bộ bề mặt bên dưới của Yoga Book được Lenovo thay bằng một bàn cảm ứng lớn của Wacom kiêm luôn vai trò bàn phím ảo và trackpad. Khi chế độ bàn phím được kích hoạt, hình ảnh từng nút sẽ hiện rõ với đèn nền sáng rất dễ dùng. Camera chính của Yoga Book được đặt ở góc trên bên phải của bàn cảm ứng. Khi muốn chụp ảnh, người dùng sẽ phải gập ngược mặt cảm ứng ra đằng sau để camera hướng về phía đối tượng cần chụp.

Bàn cảm ứng và bút Real Pen

Đặc điểm khiến Yoga Book khác biệt với bất kỳ mẫu laptop hay tablet “lai” nào từ trước tới nay là bàn cảm ứng. Được sản xuất bởi hãng bàn vẽ kỹ thuật số nổi tiếng Wacom, bàn cảm ứng này có khả năng nhận biết tới 2.048 mức độ lực nhấn khác nhau. Trong hộp của Yoga Book, Lenovo cũng tặng kèm một chiếc bút có tên gọi là Real Pen và một cuốn sổ tay Create Pad kích thước A5 với bìa bọc da sang trọng.

Đúng như tên gọi, chiếc bút Real Pen có 2 đầu ngòi khác nhau, trong đó một đầu là bút bi thật được sử dụng cùng với quyển sổ tay Create Pad đi kèm. Khi đặt quyển sổ lên trên bề mặt cảm ứng của Yoga Book và dùng bút bi thật để ghi chú, những nội dung viết trên mặt giấy thật sẽ ngay lập tức được “copy” lên màn hình với ứng dụng Note cài sẵn. Đổi đầu bút bi thật thành đầu nhựa cảm ứng bằng cách tì ngòi vào một lỗ nhỏ trên nắp bút và rút ra, lúc này Real Pen sẽ trở thành một chiếc bút tương tác trực tiếp trên bàn cảm ứng. Tuy nhiên, do không có bất kỳ giải pháp nào để gắn bút vào thân máy nên Real Pen sẽ khá dễ bị thất lạc. Chiếc bút này được thiết kế chuyên để dùng với mặt cảm ứng của Yoga Book và có giá khá đắt (40USD). Trong khi đó, ngòi bút bi và cuốn sổ có thể thay thế một cách dễ dàng. Được cài sẵn trong Yoga Book là những ứng dụng vẽ, ghi chú… vốn đã có đầy đủ các tính năng và có thể đồng bộ hóa với các dịch vụ như Evernote, Gmail… Ngoài ra, bàn cảm ứng này có thể dùng kèm với những ứng dụng nổi tiếng của bên thứ 3, chẳng hạn như Autodesk Sketchbook.

Bề mặt cảm ứng được tích hợp sẵn của Yoga Book cũng biến nó trở thành một cuốn sổ vẽ kỹ thuật số dành cho các chuyên gia sáng tạo như họa sĩ, nhà thiết kế, thời trang... So với việc dùng kèm một bảng vẽ rời, Yoga Book thuận tiện hơn nhiều về tính đa nhiệm và kích cỡ gọn gàng. Bàn cảm ứng tích hợp sẵn cũng giúp người dùng không cần phải lo về đồng bộ hóa hay kết nối rườm rà như các bảng vẽ rời khác. Hiện nay, chỉ có chiếc iPad Pro dùng kèm với Apple Pencil mới gọn gàng tương đương Yoga Book. Tuy nhiên, do người dùng phải tì tay lên màn hình trong khi sử dụng bút nên thao tác cùng iPad Pro và Apple Pencil sẽ không đạt được cảm giác tốt như khi Yoga Book tương tác với bút Real Pen bằng điện từ. Bàn cảm ứng của Yoga Book "trơ" với tay cầm Real Pen và không đòi hỏi phải sạc bút như Apple Pencil.

Bàn cảm ứng của Yoga Book được tích hợp sẵn một bàn phím ảo có tên gọi Halo Keyboard với nút kích hoạt riêng. Để có trải nghiệm viết, vẽ cực tốt trên Yoga Book, Lenovo đã buộc phải “hi sinh” bàn phím cơ truyền thống. Trải nghiệm với bàn phím ảo Halo của máy không được hoàn hảo. Người dùng bắt buộc phải nhìn xuống bàn phím mới có thể nhận mặt chữ và rất khó gõ nhanh một cách chính xác. Ngoài ra, để gõ tiếng Việt kiểu Telex thì phải tải về từ Play Store một bộ công cụ chuyên dùng khác (như Laban Key), vì bộ gõ nguyên bản của Lenovo hoạt động không hiệu quả và cài đặt rất “rối”. Nhìn chung, bàn phím ảo này chỉ phù hợp để gõ những đoạn văn bản ngắn chứ không đáp ứng thao tác nhập dữ liệu chuyên nghiệp.

Dù được trang bị cả một trackpad ảo bên dưới bàn phím, tính năng này cũng khá thừa thãi” trên Yoga Book vì người dùng có thể thao tác nhanh hơn với chính màn hình cảm ứng bên trên.

Hình và âm

Chiếm phần lớn diện tích nửa trên của Yoga Book là một màn hình IPS LCD với kích thước 10,1 inch. Những người đã quen mắt với các màn hình 2K sẽ thấy hơi thất vọng với Yoga Book khi màn hình của máy chỉ có độ phân giải 1.920 x 1.200 pixel và mật độ điểm ảnh 224 ppi. Tuy nhiên, ở khoảng cách sử dụng bình thường, màn hình này cũng không lộ quá rõ những điểm ảnh. Dù có màu sắc tươi tắn, trung thực cùng độ tương phản và góc nhìn lớn, nhưng độ sáng tối đa của màn hình này lại hơi thấp, chỉ 375 cd/m².

Được trang bị một camera chính 8MP Autofocus và camera phụ 2MP tiêu cự cố định, ảnh chụp từ Yoga Book chỉ phù hợp để bắt nhanh khoảnh khắc hay chia sẻ trên mạng xã hội. Camera chính của máy bắt nét không được chuẩn xác, trong khi camera phụ lại thường bị ngả vàng. Ảnh chụp từ cả 2 camera đều bị sạn khá nhiều. Tuy nhiên, máy ảnh thường được coi là yếu tố phụ trên máy tính bảng và đa số người dùng hiện nay đều sở hữu những camera phone khá ổn, chính vì vậy nhược điểm về máy ảnh của Yoga Book có thể chấp nhận được.

Với công nghệ Dolby Atmos, hệ thống âm thanh của Yoga Book chơi khá tốt với cặp loa stereo kép đặt 2 bên cạnh máy tái tạo âm nhạc tách bạch, rõ ràng, volume lớn, ít nhiễu và tạp âm. Tuy nhiên, việc đặt cặp loa ở giữa hai cạnh bên cũng là một nhược điểm, vì khi cầm ngang máy thì tay người dùng sẽ che mất khe thoát âm của chúng.

Với vai trò là một thiết bị giải trí, Yoga Book cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Màn hình 10,1 inch màu đẹp và loa kép cho phép thưởng thức những bộ phim HD với chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt. Với cổng xuất multimedia Micro-HDMI, Yoga Book có thể phát tín hiệu tới những màn hình lớn hơn của PC, TV hay máy chiếu. Ngoài ra, kết nối Google Cast cũng giúp truyền hình ảnh không dây tới những thiết bị tương thích qua sóng Wifi.

Hiệu năng

Cả 2 phiên bản chạy Android và Windows 10 của Lenovo Yoga Book đều được trang bị chung một cấu hình với vi xử lý Intel Atom X5-Z8550 64-bit lõi tứ có xung nhịp 2,4GHz, card màn hình tích hợp Intel HD Graphics 400 và RAM 4GB. Chạy trên hệ điều hành Android, vi xử lý của Intel thường nhận được kết quả đánh giá benchmark kém hơn những dòng chip khác, tiền lệ này vẫn đúng với Yoga Book. Test bằng ứng dụng Geekbench, Yoga Book đạt 1.124 điểm đơn nhân và 3.158 điểm đa nhân, kết quả này chỉ rơi vào khoảng giữa của top thiết bị dùng chip Snapdragon 808 hay 810. Trong khi đó, với ứng dụng Antutu, máy đạt tổng điểm 88.746 - nhỉnh hơn iPhone 6 Plus và chỉ tương đương với những smartphone Android tầm trung cận cao cấp.

Tuy nhiên, kết quả đánh giá hiệu năng của các phần mềm benchmark chỉ có tác dụng tham chiếu và không quyết định chất lượng trải nghiệm thực tế Yoga Book. Trong điều kiện sử dụng bình thường, máy có tốc độ xử lý khá nhanh và không xảy ra hiện tượng lag. Ngay cả khi chạy các game nặng như Real Racing 3 hay Need For Speed No Limits, Yoga Book cũng đảm bảo trải nghiệm khá tốt với số khung hình ổn định khoảng 30fps. Mặc dù vậy, một nhược điểm nhỏ của Yoga Book là đôi lúc tốc độ mở ứng dụng trên máy khá chậm, với độ trễ khoảng 1-2 giây. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là vi xử lý Intel chưa được tối ưu hóa cho hệ điều hành Android hoặc phiên bản Android 6.0.1 cài sẵn Yoga Book hơi bị cũ.

Lenovo Yoga Book có bộ nhớ trong 64GB, nhưng do phải dành chỗ cho hệ điều hành và những ứng dụng cài sẵn, dung lượng trống còn lại chỉ là 52GB. Tuy nhiên, Yoga Book cho phép mở rộng bộ nhớ qua khe cắm thẻ Micro-SD, thử nghiệm thực tế cho thấy việc lắp thẻ dung lượng 256GB không gặp trục trặc nào.

Hiện tại, phiên bản Android mới nhất là 7.0 Nougat đã hỗ trợ chế độ đa nhiệm nhiều cửa sổ, tuy nhiên, bản Android 6.0.1 Marshmallow trên Yoga Book chưa hỗ trợ tính năng này. Mặc dù vậy, Lenovo đã cố gắng tạo ra một trải nghiệm sử dụng tương tự desktop với thanh taskbar giống của Windows 10 và chế độ đa nhiệm dạng cửa sổ. Với khả năng chạy tối đa 3 cửa sổ cùng lúc, các ứng dụng sẽ mở mặc định ở dạng toàn màn hình. Để thu nhỏ một ứng dụng chỉ cần nhấp đúp vào thanh thông báo trên đỉnh màn hình, sau đó có thể di chuyển hoặc cố định chúng.

Tuy nhiên, có một tính năng quan trọng mà Lenovo không tích hợp cho Yoga Book, đó là điều chỉnh kích thước (resize) từng cửa sổ. Về cơ bản, cách mà hãng làm cửa sổ phóng to/thu nhỏ chỉ đơn giản là chuyển chế độ hiển thị của ứng dụng từ dạng toàn màn hình của tablet về dạng thu nhỏ như trên smartphone. Khi mở một ứng dụng, thanh taskbar ở dưới đáy màn hình sẽ hiển thị icon của ứng dụng đó tương tự như trên máy tính. Bạn có thể đóng một ứng dụng bằng cách kéo thả icon tương ứng ra khỏi taskbar hoặc dùng nút đóng nếu nó đang ở dạng cửa sổ. Các nút điều hướng truyền thống của Android nằm ở góc trái bên dưới. Tuy nhiên, nếu mở máy ở dạng laptop, bạn cũng có thể sử dụng các nút tích hợp trên hàng phím chức năng để thay cho chúng.

Nhìn chung, dù Lenovo đã cố gắng làm cho trải nghiệm Android trên Yoga Book trở nên giống với máy tính hơn, nhưng kiểu giao diện này vẫn đòi hỏi nhiều thời gian làm quen và không thực sự thuận tiện. Cách mở ứng dụng đa nhiệm của máy chưa thân thiện và dễ dùng như tính năng chia màn hình trên Android 7. Đáng tiếc là chỉ có khoảng 60-70% tổng số ứng dụng Android hiện hành hỗ trợ thu nhỏ thành cửa sổ. Lenovo đã thông báo về việc nâng cấp hệ điều hành lên Android 7 cho Yoga Book, có lẽ tới lúc đó tiềm năng của chiếc tablet lai này mới bộc lộ đầy đủ.

Khi xuất xưởng Yoga Book, Lenovo đã cài đặt một số ứng dụng cần thiết để phát huy khả năng làm việc của máy. Để ghi chú và vẽ bằng bút, có thể dùng các phần mềm Note và ArtRage, thêm vào đó, bộ Microsoft Office và các ứng dụng Google cũng được tích hợp đủ để phục vụ những công việc “bàn giấy”.

Thời lượng pin

Với viên pin 8.500mAh, Lenovo hứa hẹn thời gian sử dụng “lên tới 15 tiếng” cho Yoga Book. Dù khó đạt được "thành tích" này trong điều kiện thực tế, nhưng viên pin của Yoga Book vẫn dư sức đáp ứng hơn một ngày làm việc với các tác vụ như lướt web, check mail và cập nhật mạng xã hội liên tục. Trong thử nghiệm phát lặp lại liên tục một bộ phim HD 720p ở định dạng MKV có phụ đề qua ứng dụng MX Player với độ sáng màn hình 85%, âm lượng loa ngoài 50% và Wifi bật, máy cần tới 12,5 tiếng để “xả” pin từ 100% xuống còn 0%. Nếu xem video online qua YouTube hay các kho phim trên mạng, "thành tích" này bị giảm xuống chỉ còn khoảng 6 tiếng. Yoga Book cũng có khả năng sạc nhanh từ 0-80% trong khoảng 50 phút.

Kết luận

Có bàn cảm ứng Wacom tích hợp cực nhạy và chiếc bút Real Pen đi kèm, mẫu laptop “lai” Lenovo Yoga Book là công cụ sáng tạo hiệu quả với giá phải chăng dành cho giới họa sĩ, thiết kế, thời trang… Đặc biệt, với mức giá 12,9 triệu đồng, gần như không có thiết bị “vẽ vời” kỹ thuật số nào trên thị trường dung hòa được hai yếu tố giá thành và đa nhiệm gọn nhẹ như Yoga Book. Mẫu tablet sáng giá nhất có thể thỏa mãn nhu cầu sáng tạo gần bằng Yoga Book là iPad Pro 9,7 inch cũng có giá hơn 17 triệu đồng (Wifi, 32GB kèm bút Apple Pencil).

Mặc dù vậy, trong vai trò laptop và tác vụ văn phòng, mẫu Yoga Book bản Android lại thiếu sự phù hợp bởi giao diện không tiện dụng trong khi bàn phím và trackpad vận hành chưa nhuần nhuyễn. Bỏ qua nhược điểm về bàn phím ảo Halo, những khách hàng thích sáng tạo mà vẫn "nặng nợ" tác vụ văn phòng nên lựa chọn phiên bản Yoga Book Windows 10 quen thuộc hơn.

Huy Nguyễn

Nguồn Nghe Nhìn VN: http://nghenhinvietnam.vn/thu-may/lenovo-yoga-book-tablet-lai-gia-mem-cho-dan-nghe-28264.html