Lệnh trừng phạt chống Nga: Quyết định 'dứt tình' của phương Tây và lời đáp từ… của Moscow?

Cuối cùng, sau những cân nhắc nặng nhẹ, mục tiêu tiếp tục thít chặt vòng 'kim cô' trừng phạt chống Nga vẫn được châu Âu 'dứt tình' hiện thực hóa. 11 vòng trừng phạt, với hạn chế chồng phong tỏa chưa từng có trong lịch sử, chắc chắn khiến kinh tế Nga điêu đứng?

Lệnh trừng phạt chống Nga: Quyết định ‘dứt tình’ của phương Tây và lời đáp từ… của Moscow? (Nguồn: Visegradinsigh)

Các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga sẽ tăng lên theo thời gian và sẽ có tác động lâu dài đến nền kinh tế của nước này, Bloomberg vừa công bố thông tin trên sau khi tham khảo Báo cáo liên quan của Ủy ban châu Âu (EC).

Tính toán của EC?

Báo cáo của EC lưu ý, các biện pháp trừng phạt đã làm xấu đi đáng kể tiềm năng công nghiệp và công nghệ của Nga. Những tác động này sẽ được khuếch đại hơn nữa theo thời gian, vì các biện pháp có tác động có cấu trúc và lâu dài đối với ngân sách của Nga, thị trường tài chính, đầu tư nước ngoài, cũng như cơ sở công nghiệp và công nghệ.

Theo các con số thống kê từ tài liệu trên, tác động của các biện pháp trừng phạt của EU đối với Moscow đã làm giảm khoảng 91 tỷ EUR hàng nhập khẩu từ Nga và 48 tỷ EUR hàng xuất khẩu của Liên minh.

EC ước tính, trong năm 2023, gần một phần ba ngân sách liên bang của Nga sẽ được chi cho quốc phòng và an ninh nội bộ. Trong khi đó, xuất khẩu từ EU và nhập khẩu từ Nga giảm hơn 50% so với năm 2021. Điều này chắc chắn gây ra sự thu hẹp đặc biệt nhanh chóng của các ngành sản xuất phụ thuộc vào công nghệ của Nga.

Bằng chứng là xuất khẩu hàng lưỡng dụng, công nghệ tiên tiến của EU đã tăng rất nhanh, năm 2022 tăng 78% so với giai đoạn (2019-2021).

Về phía các quốc gia châu Âu, nhờ các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động xấu đối với các thành viên EU, một số vấn đề nghiêm trọng đã được ngăn chặn, tuy nhiên vẫn có thể cảm nhận được ở một số khu vực, chủ yếu là do các biện pháp đối phó của Nga và hệ quả từ xung đột quân sự Nga-Ukraine khiến giá cả tăng cao.

Đồng thời, Moscow thu về doanh thu đáng kể và vẫn có thể có được một số hàng hóa bị trừng phạt, cũng như các công nghệ thay thế khác từ các nước thứ ba, bao gồm Trung Quốc, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE, báo cáo cho biết.

Chẳng hạn, doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt của Nga đang giảm bất chấp việc lách các lệnh trừng phạt.

Họ vẫn đang ‘bùng nổ” tại Nga

Tuy nhiên, theo thông tin của Ukrinform, Mondelez, Mars Inc. và PepsiCo Inc. đã có "doanh số bán hàng bùng nổ" tại Nga vào năm 2022 sau khi thông báo rằng, họ sẽ giảm doanh số bán sản phẩm của mình tại quốc gia này.

Các phương tiện truyền thông trích dẫn dữ liệu từ dịch vụ thuế của Nga, theo đó doanh số bán hàng của Mondelez Rus đã tăng 38% trong năm ngoái lên 1,1 tỷ USD. Như vậy, so với năm 2021, công ty đã tăng hơn gấp đôi tổng lợi nhuận.

Trong báo cáo hàng năm, Công ty thực phẩm hàng đầu của Mỹ Mondelez tuyên bố, lợi nhuận của họ đã tăng mạnh do giá cả, tăng trưởng sản lượng và ngừng các hoạt động quảng cáo, đồng thời cho biết thêm rằng, thị trường Nga chiếm 4% doanh thu của công ty.

Năm ngoái, Mars Inc. ghi nhận doanh số bán hàng tại thị trường Nga tăng 14% (177 tỷ Ruble), trong khi lợi nhuận tăng gần 60% lên 27 tỷ Ruble.

Trong khi đó, doanh thu của Công ty hàng đầu trên thế giới về nước giải khát và thực phẩm PepsiCo tại Nga tăng 16% và lợi nhuận tăng gấp bốn lần. Theo nhà sản xuất này, doanh số bán hàng ở Nga chiếm 5% thu nhập ròng vào năm 2022, tăng từ 4% một năm trước đó.

Như vậy, chính các công ty của Mỹ đều đã không rời khỏi thị trường Nga. Cả ba công ty này cũng không phải chịu lệnh trừng phạt, khi cho biết, họ chỉ bán những sản phẩm "thiết yếu", Bloomberg lưu ý.

Tuy nhiên, hồi tháng 9/2022, Giám đốc điều hành PepsiCo Ramon Laguarta đã tuyên bố ngừng bán các thương hiệu quốc tế, bao gồm 7Up và Pepsi tại Nga. Trước đó, Mondelez cũng đã thông báo sẽ giảm hoạt động, tạm dừng các khoản đầu tư mới, ra mắt sản phẩm và chi tiêu quảng cáo trên các phương tiện truyền thông Nga. Chủ tịch toàn cầu của Mars Inc. Wrigley Andrew Clarke cũng nói rằng, họ đang giảm thiểu các hoạt động ở Nga.

Trong khi đó, có các công ty khác đã tuyên bố tạm hoãn kế hoạch rời khỏi Nga, như Bank International...

Báo cáo thống kê mới nhất của Trường Kinh tế Kiev (KSE) và B4Ukraine cho thấy, các công ty đa quốc gia của Mỹ và châu Âu ở Nga đang tiếp tục nộp thuế "khủng" tại thị trường này trong năm 2022. Hàng tỷ USD tiền thuế được cho là đang gián tiếp "tài trợ" cho Moscow.

Theo một số ước tính, việc duy trì chiến dịch quân sự tại Ukraine khiến Nga tiêu tốn ít nhất 1 tỷ USD mỗi ngày, một gánh nặng lớn đối với nguồn tài chính, trong lúc giá dầu và khí đốt giảm cùng với các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng đang gây thiệt hại đến nguồn thu nhập chính của nước này.

... nguồn thu tỷ USD của Moscow từ đâu?

Tuy nhiên, Báo cáo của KSE chỉ ra rằng, trong số 1.387 công ty của phương Tây có công ty con ở Nga tại thời điểm bắt đầu nổ ra xung đột Nga-Ukraine vào ngày 24/2/2022, chỉ có 241 công ty (17%) đã hoàn toàn rời khỏi Nga. Trong khi đó, những công ty chưa rời khỏi thị trường này đã đóng 177,2 tỷ USD tiền thuế trong năm ngoái.

Hồi tháng Hai vừa qua, KSE đã công bố báo cáo kinh doanh chưa hoàn thiện, phân tích về việc các công ty rút khỏi Nga, cho biết hơn một nửa (56%) số công ty quốc tế hoạt động ở Nga khi bắt đầu nổ ra xung đột vẫn tiếp tục kinh doanh ở thị trường này. Báo cáo còn cho biết, hầu như không có gì thay đổi ngay cả sau 3 tháng diễn ra xung đột, khi 56% số công ty được KSE giám sát vẫn thông báo ở lại Nga.

Năm 2022, các tập đoàn toàn cầu, trong đó có cả những tập đoàn đã tuyên bố rút khỏi Nga, nộp tổng cộng 3,5 tỷ USD tiền thuế trên số lợi nhuận tại nước này. Báo cáo của KSE cho rằng, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và có khả năng ước tính này vẫn thấp so với tổng hóa đơn thuế.

Báo cáo đồng thời cho biết thêm, các công ty nước ngoài có chi nhánh ở Nga còn phải đóng một loạt các loại thuế khác, bao gồm thuế thu nhập đối với tiền lương của nhân viên, các khoản đóng bảo hiểm xã hội và thuế giá trị gia tăng.

Các công ty có trụ sở chính ở các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) là những công ty nộp thuế lợi nhuận cao nhất ở Nga trong năm 2022, có 16 trong số 20 công ty đa quốc gia đóng góp nhiều nhất.

Theo báo cáo, các công ty Mỹ dẫn đầu về doanh thu tại Nga và là những công ty đóng góp nhiều nhất cho ngân sách của nước này thông qua thuế lợi nhuận, lên tới 712 triệu USD trong năm 2022, tiếp theo là các công ty Đức với 402 triệu USD. Trong khi đó, các công ty có trụ sở tại các quốc gia thành viên EU hiện tại đã nộp 594 triệu USD thuế lợi nhuận.

(theo Ukrinform, Bloomberg)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lenh-trung-phat-chong-nga-quyet-dinh-dut-tinh-cua-phuong-tay-va-loi-dap-tu-cua-moscow-234163.html