Lên thăm Mường Đòn

Nằm bên sông Bưởi, làng Vân Đội, xã Thành Mỹ (Thạch Thành) còn được biết đến với tên gọi cổ xưa là Mường Đòn. Đây là một trong những làng có người Mường đến sinh sống từ khá sớm. Cùng với quá trình tụ cư, xây dựng cuộc sống, đất và người Mường Đòn đã tạo nên nhiều giá trị văn hóa đậm nét.

Di tích Đình - đền Mường Đòn tọa lạc trên thế đất cao hướng ra sông Bưởi.

Cách TP Thanh Hóa chừng khoảng 100km, Mường Đòn được bao bọc bởi núi rừng xanh mát thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương. Từ xa xưa, Mường Đòn đã là địa bàn sinh sống của đại đa số là đồng bào dân tộc Mường.

“Từ cuối thế kỷ XII đến thế kỷ XIV, Thành Mỹ thuộc tổng Tự Cường, huyện Thạch Thành, phủ Thiệu Thiên... Dưới thời vua Tự Đức - nhà Nguyễn... xã Thành Mỹ ngày nay thuộc tổng Tự Cường, châu Thạch Thành, phủ Quảng Hóa” (sách Lịch sử Đảng bộ xã Thành Mỹ). Thời nhà Nguyễn, Mường Đòn có tên là sách Vân Đội, sau đó là xã Vân Đội.

Lên đất Mường Đòn, du khách sẽ có dịp đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hữu tình. Nhưng, có lẽ sẽ chưa đủ, nếu không ghé thăm các di tích trên đất Mường Đòn. Và cùng lắng lòng trong những chuyện kể đầy tự hào của người dân địa phương về những vị thần được tôn kính phụng thờ.

Xa xưa, có vị dũng tướng triều Hậu Lê tên Vũ Duy Dương chọn Mường Đòn làm nơi lập dựng trang ấp. Tương truyền, ông vốn người Ninh Bình, làm quan dưới triều Hậu Lê được phong làm tổng trấn vùng đất phía Tây Thanh Hóa. Khi nhà Lê suy yếu, họ Mạc chiếm quyền, ông đã tổ chức lực lượng, tụ họp dân các xứ Mường nhằm chống lại quân Mạc.

Vào một ngày, khi trên đường đi tuần tra về đến Bai Mường (thuộc Thành Mỹ ngày nay) thì trời đã nhá nhem tối, ông bèn dừng chân cho ngựa uống nước thì bất ngờ bị kẻ thù ra tay sát hại. Sau một đêm, mối đùn thành mộ lớn. Ngày nay, dấu tích khu mộ mối đùn năm xưa vẫn còn, thường được người dân gọi là mộ Quan. Thương tiếc vị tướng tài, người dân Mường Đòn đã lập đền thờ, gọi là đền Ông hay đền Đạo Bang.

Vị dũng tướng họ Vũ còn có một người em gái. Biết tin anh trai dựng cờ chống lại họ Mạc thì bà đã không quản xa xôi tìm đến những mong có thể giúp đỡ. Tuy nhiên, khi người em gái đến nơi thì mới hay tin anh trai gặp nạn. Bà đã ở lại Mường Đòn trông coi mộ phần anh trai, đồng thời dạy dân làng khai hoang, trồng cây, tỉa hạt... Vì thế, sau khi mất, bà cũng được Nhân dân lập đền thờ phụng - thường gọi là Thổ Nương công chúa (đền Bà). Hai anh em họ Vũ đã được các triều đại phong kiến về sau phong làm phúc thần. Đến nay, trên đất Mường Đòn vẫn còn lưu giữ nhiều sắc liên quan đến hai vị phúc thần họ Vũ qua các triều vua.

Lưu truyền dân gian ở Mường Đòn, vị dũng tướng Vũ Duy Dương khi xưa ra trận thường cưỡi ngựa trắng oai phong lẫm liệt. Vì thế, sau khi ông qua đời đã được sắc phong là Bạch Mã Linh Lang thượng đẳng thần, được người dân Mường Đòn tôn làm Thành hoàng làng.

Bên cạnh đền Ông, đền Bà thì Đình - đền Mường Đòn (đình - đền làng Vân Đội) thờ nhị vị Thành hoàng làng (Bạch Mã Linh Lang thượng đẳng thần và Thổ Nương công chúa) với lịch sử khởi dựng từ thời nhà Lê vẫn được xem là di tích trung tâm, nơi lưu giữ các tư liệu, sắc phong và cũng là không gian diễn ra các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh qua nhiều thế hệ của người Mường địa phương.

Đền Ông thờ Bạch Mã Linh Lang thượng đẳng thần.

Đình - đền Mường Đòn tọa lạc trên khu đất cao nhìn ra sông Bưởi, phía sau “dựa lưng” vào núi với thế chắc chắn. So với các di tích hiện hữu trên địa bàn huyện Thạch Thành, đình - đền Mường Đòn bề thế với quy mô khá lớn. Di tích được cấu trúc gồm tiền đường 5 gian và chính tẩm 3 gian. Chính tẩm thâm nghiêm được xây dựng theo kiến trúc đền truyền thống, bên trong có hương án, đồ thờ, sắc phong... Đặc biệt còn có đôi ngựa (ngựa trắng của Bạch Mã Linh Lang thượng đẳng thần; ngựa hồng của Thổ Nương công chúa). Tiền đường kiến trúc 5 gian - 4 mái, chống đỡ bởi hệ thống cột gỗ vững chãi, chạm trổ hoa văn “tứ linh, tứ quý” hài hòa, được dựng theo kiểu đình trống 4 mặt “phóng khoáng”... Dù trải qua nhiều lần trùng tu song đình - đền Mường Đòn vẫn cơ bản giữ được nét đẹp cổ kính.

Bà Nguyễn Thị Danh, công chức văn hóa xã hội xã Thành Mỹ, cho biết: “Sự đặc biệt của các di tích trên đất Mường Đòn không chỉ ở giá trị lịch sử, kiến trúc mà còn gắn liền với lễ hội truyền thống phản ánh đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương”.

Theo đó, lễ hội Mường Đòn diễn ra từ ngày 17 đến 19 tháng Giêng hàng năm thu hút đông đảo người dân tham gia. Trước ngày diễn ra chính hội, những thanh niên trai tráng khỏe mạnh sẽ vào rừng tìm tre, vầu về sân đình để dựng cây nêu, cây đu (đánh đu). Còn người phụ nữ Mường lại tất bật sửa soạn váy áo, ôn lại các vở tuồng cổ; bậc cao niên thì sắm sửa lễ vật dâng cúng Thành hoàng làng. Dịp chính hội, kiệu sẽ được rước từ đình - đền Mường Đòn về đền Ông, đền Bà. Đoàn người tham gia lễ hội đến từng ngõ, gõ cửa mỗi nhà để chúc những điều tốt đẹp, cùng cầu mong một năm mới an khang, mùa màng bội thu... Trong không gian thiêng của lễ hội, vọng vang tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng cười nói rộn vang khắp các thôn, bản Mường Đòn.

Sau phần lễ thành kính là phần hội sôi động với các trò chơi dân gian như đánh đu, ném còn, kéo co... Trong đó có thi hát tuồng cổ do người dân trong làng thể hiện. “Ngày thường họ là những nông dân chân lấm, tay bùn, quen với việc đồng áng nhưng đến ngày hội, họ là những nghệ nhân hát tuồng với đủ làn điệu, ca ngợi công đức ngài Vũ Duy Dương, ca ngợi quê hương, đất nước. Đó chính là nét văn hóa dân gian đặc trưng, độc đáo mà bà con Mường Đòn còn lưu giữ đến ngày nay” (sách Lịch sử Đảng bộ xã Thành Mỹ).

Về việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị, nét đẹp văn hóa của đồng bào Mường trên đất Mường Đòn, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Mỹ cho biết: “Di tích đình - đền và lễ hội Mường Đòn cùng những giá trị văn hóa đã được gìn giữ suốt hàng trăm năm qua. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, ngành và chung tay đóng góp của người dân, nhờ đó mà các di tích được trùng tu, lễ hội được phát huy giá trị, lan tỏa nét đẹp văn hóa sâu rộng trong cộng đồng”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/len-tham-muong-don/29817.htm