Lên huyện vùng biên thưởng thức canh chua nòng nọc

Canh chua nòng nọc - món ăn không phải ai thoạt nhìn hoặc nghĩ đến cũng... dám ăn. Nhưng thưởng thức rồi thì cảm nhận được những dư vị đặc biệt, khó quên.

Nòng nọc sau khi được bắt dưới suối lên.

Dọc theo con suối Xim, đoạn qua xã Quang Chiểu (Mường Lát) những ngày đầu năm, rôm rả tiếng dô hò nhau đánh bắt cá suối. Những con cá thon dài, cong mình nhảy tanh tách sau khi được cánh trai bản lực lưỡng quăng chài bắt lên bờ. Những mẻ cá sẽ được bà con đem về chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Đáng chú ý hơn cả, là những con nòng nọc cũng được bà con tìm bắt.

Anh Lò Văn Hằng, Trưởng bản Poọng, xã Quang Chiểu bật mí: “Nhìn ghê ghê vậy thôi, nhưng những con nòng nọc này còn quý hơn cả mẻ cá suối vừa được quăng chài kia. Nòng nọc được chế biến thành món canh chua, một món giải rượu mà cánh trai bản ưa thích”.

Người dân Mường Lát đi bắt cá suối, nòng nọc

Theo trưởng bản Lò Văn Hằng, con suối Xim kéo dài từ bên nước bạn Lào chạy qua địa bàn xã Quang Chiểu, sau đó hợp lưu vào sông Mã. Dịp đầu năm này, tôm cá rất dồi dào, một phần do bà con các bản dọc con suối quy ước, không cho đánh bắt thường xuyên, đánh bắt theo kiểu tận diệt, mà chỉ vào những dịp đầu năm hay lễ lạt của bản làng mới được tập trung đánh bắt.

Chia sẻ kinh nghiệm, trưởng bản Hằng cho biết, nòng nọc thường ẩn nấp trong các kẽ đá, ở mép bờ suối. Chỉ cần lật các tảng đá, dùng vợt nhỏ sẽ bắt được. Khoảng gần tiếng đồng hồ từ khi chúng tôi có mặt, chiếc giỏ đeo bên hông của anh Lò Văn Hằng đã gần đầy. Anh Hằng giơ chiếc giỏ lên, vỗ hai bên hông bình bịch cười sảng khoái.

Bát canh chua nòng nọc nấu với măng.

Nòng nọc sau khi bắt về được rửa sạch, loại bỏ tạp chất rồi dùng mũi dao nhọn hoặc gai bưởi gẩy nhẹ vào bụng cho bung phần ruột ra. Măng rừng tươi được sơ chế cho bớt đắng, xào cho tới khi mùi thơm bốc lên rồi cho nước ấm vào nồi đến khi sôi thì thả nòng nọc đã sơ chế vào.

Bát canh nấu măng chua nòng nọc được múc ra nghi ngút khói, tỏa mùi thơm của măng rừng, ăn vào miệng có vị chua chua, ngọt ngọt của măng và hơi đăng đắng từ nòng nọc đọng lại.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu Vi Văn Thứ thì, ngày trước do điều kiện kinh tế khó khăn, nòng nọc được bà con đánh bắt sử dụng chính trong các bữa ăn. Ngày nay, đời sống bà con được nâng lên, món canh nòng nọc nói riêng và những món chế biến từ nòng nọc chỉ được sử dụng trong các dịp lễ, tết như một món ăn mang nét đặc trưng văn hóa vùng cao.

Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/mon-ngon/len-huyen-vung-bien-thuong-thuc-canh-chua-nong-noc/30343.htm